Nghi vấn bảo kê lò bim bim không phép:

'Thủng' địa bàn, quản lý thị trường nói gì?

'Thủng' địa bàn, quản lý thị trường nói gì?
TP - Ngày 17/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc “cán bộ quản lý thị trường (QLTT) nhiều lần kiểm tra nhưng xưởng sản xuất bim bim không phép vẫn hoạt động”, ông Tô Sơn Hồng, Đội trưởng QLTT 24 cho biết, sẽ kiểm tra thông tin. Nếu có bao che, bảo kê sẽ đề xuất thanh tra Chi cục làm rõ.

Ông Hồng cho biết: “Sau khi lập biên bản, tịch thu tang vật, tôi triệu tập cuộc họp phê bình việc để thủng địa bàn của tổ công tác chuyên trách xã La Phù, do ông Nguyễn Văn Tuấn, Đội phó đội QLTT 24, và cán bộ chuyên trách Đoàn Chí Công. Xưởng sản xuất chứ không phải cái kim mà giấu được trong khi họ sản xuất 1 tháng nay. Cơ sở lại nằm ngay trục đường lớn. Hơn nữa, đặc trưng của sản xuất bim bim là từ xa đã thấy mùi.

Tôi ghi nhận và cảm ơn phản ánh của báo Tiền Phong. Tôi sẽ cho kiểm chứng thông tin anh Lộc nói việc cán bộ QLTT tiếp cận xưởng sản xuất. Nếu tiếp cận, cán bộ QLTT phải theo dõi nhà xưởng và xin quyết định kiểm tra từ Đội trưởng QLTT, chứ không để cho tiếp tục sản xuất và đợi đến báo chí phản ánh.

“Chúng tôi lấy mẫu bim bim tại xưởng sản xuất của anh Phạm Phú Lộc đi kiểm nghiệm chất lượng. Nếu sản phẩm này an toàn, anh Lộc phải chịu phạt 23 triệu đồng do không có giấy đăng ký kinh doanh, không giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, không có công bố sản phẩm… Nếu kết quả kiểm nghiệm không an toàn, mức phạt sẽ tăng lên theo quy định của nhà nước”.

Ông Tô Sơn Hồng - 

Đội trưởng đội QLTT số 24 (Chi cục QLTT Hà Nội)

Nói về công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh ở La Phù, ông Hồng nói: Đối với huyện Hoài Đức, trung bình 1 năm kiểm tra khoảng 250 lần, tương ứng 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó 60% số lần kiểm tra liên quan vệ sinh ATTP. Riêng xã La Phù mỗi năm có khoảng hơn 40 đoàn kiểm tra. Kiểm tra chủ yếu các cơ sở có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn mác sản phẩm, không khám sức khỏe cho công nhân sản xuất…

Xã La Phù có 1 cán bộ phụ trách, thường xuyên theo dõi thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây. Để xảy ra việc “thủng địa bàn”, cán bộ bị khiển trách trước toàn đội. Nặng hơn sẽ hạ bậc trong quá trình xếp loại cán bộ và luân chuyển sang địa bàn khác.

Trách nhiệm cấp nào?

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh ATTP Hà Nội, cơ sở sản xuất bánh kẹo, bim bim do ngành Công thương quản lý. Đơn vị đăng ký kinh doanh hình thức hộ cá thể sẽ do UBND quận, huyện cấp phép. Sau khi có đăng ký kinh doanh, các đơn vị này sẽ lập hồ sơ gửi UBND huyện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Công đoạn cuối cùng là giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP sẽ do Chi cục Vệ sinh ATTP cấp.

Liên quan việc cơ sở sản xuất bim bim bẩn ở La Phù hoạt động trái phép lâu nay, đại diện Chi cục vệ sinh ATTP cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp xã.

“UBND quận, huyện không thể nắm bắt rõ từng hộ gia đình, cơ sở sản xuất gì. UBND xã quản lý hành chính phải có trách nhiệm  phát hiện cơ sở sản xuất lén lút vì chỉ có họ mới nắm hết được hoạt động của các hộ gia đình tại địa phương. Khi kiểm tra, cơ sở không xuất trình đủ giấy tờ hợp pháp thì đình chỉ sản xuất và báo cáo cơ quan chức năng cấp trên xử lý”, ông Tụ cho biết.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.