Thung lũng sét

Thung lũng sét
TP - Tại cánh đồng thung lũng sông La Ngà (thuộc tỉnh Bình Thuận) từ năm 1990 đến 2004, có 74 người ở đây bị sét đánh. Hiện tượng sét đánh chết người xảy ra nhiều ở đây khiến dân luôn trong tâm trạng bất an mỗi khi có mưa.

Con số trên là kết quả ghi nhận từ một nghiên cứu của Phân viện Địa lý tại TPHCM thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam.

Thung lũng sét ảnh 1
Cột thu lôi trên đồng Mê Pu - Ảnh: Hồ Việt Khuê

Ông Lê Thời (53 tuổi, khu phố 8, thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, Bình Thuận) là người chuyên liệm người chết tại một cơ sở mai táng, thắp nén hương lên bàn thờ vợ, đau khổ: Lúc đó mới hơn ba giờ chiều, trời âm u nhưng chưa mưa, tôi đã đến chỗ dựng xe máy, vợ tôi đi sau tôi khoảng mười mét. Tôi nghe tiếng sét nổ lớn, nhìn lại thì không thấy vợ mình đâu...

Chuyện xảy ra trong một ngày đi làm ruộng vào tháng 3/2009 nhưng sự mất mát kinh hoàng còn đượm trong giọng kể của ông Thời. Khi ông Thời chạy đến ôm vợ mình, chị Thời đã tắt thở, nửa người cháy nám đen.

Chiều 16/8/2009, anh Phạm Văn Lang (23 tuổi, thôn 4, xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, Bình Thuận) bị sét đánh văng khỏi máy cày trên đường từ đồng về nhà. Anh Lang chết ngay tại chỗ, bên những bao lúa vừa gặt rơi vung vãi.

Trước đó, chiều 11/8, anh Thông Minh Cương (30 tuổi, thôn 1, xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh) bị sét đánh trúng đầu nhưng may mắn sống sót. Chiều 14/8, trong cơn mưa lớn kèm lốc xoáy làm thiệt hại nặng tài sản tại hai xã Đức Chính và Đức Tài (huyện Đức Linh); sét đánh chết một người và làm bị thương một người khác.

Có cột thu lôi, sét vẫn đánh

Thung lũng sét ảnh 2
Ông Lê Thời trước bàn thờ vợ chết vì sét

Mỗi năm, tại hai huyện Đức Linh và Tánh Linh, có hơn mười người là nạn nhân của dông sét; không kể vài chục con trâu bò chết, các thiết bị sử dụng điện trong sinh họat gia đình bị sét đánh hư hỏng thì không thể tính hết được.

Phần đông người bị sét đánh là nông dân đang canh tác trên cánh đồng thung lũng sông La Ngà. Cánh đồng này rộng hơn 500 ha nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận. Dông sét là nỗi lo sợ với cái chết ám ảnh không rời của người nông dân ở đây.

Các giải pháp kết hợp phòng tránh, làm giảm nhẹ thiệt hại do sét gây ra:

-Trồng nhiều cây cao có tán rộng

- Dự báo sớm dông sét, phát triển hệ thống thông tin

- Canh tác trên đồng vào thời gian thích hợp, nhất là vào thời gian có dông sét

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Lắp đặt cột thu lôi đúng kỹ thuật cho công trình công cộng, nhà dân có khả năng tài chính

- Xây dựng nhiều nhà trú mưa trên đồng.

Phân viện Địa lý tại TPHCM

Theo một nghiên cứu gây ra dông sét tại cánh đồng này của Phân viện Địa lý tại TPHCM thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ năm 1990 đến 2004, có 74 người bị sét đánh, nhiều nhất là ở các xã Mê Pu (13 người), Vũ Hòa (sáu người); Gia An (10 người), Lạc Tánh (bảy người)... Các nạn nhân đa phần là nam, lao động chính trên đồng ruộng.

Cũng theo công trình nghiên cứu của Phân viện Địa lý tại TPHCM, các cánh đồng trong thung lũng sông La Ngà trũng thấp, ngập úng, có nhiều bàu tích nước là nơi tập trung dông sét nhiều, nhất là vào những tháng đầu và cuối mùa mưa.

Diện tích rừng bị thu hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng dông sét xảy ra trong khu vực đồng trống. Trong các tháng mùa mưa, dông sét thường xảy ra từ 14 đến 16 giờ chiều, nhất là vào những ngày buổi sáng có nắng nóng, oi bức.

Trong một cơn mưa, sét xảy ra nhiều nhất vào lúc chuyển dông và mưa ướt đất; thời điểm nạn nhân bị sét đánh 59 phần trăm lúc chuyển mưa và 41 phần trăm giữa cơn mưa.

Trả lời câu hỏi chính quyền địa phương có giải pháp nào làm giảm nhẹ thiệt hại do sét gây ra đối với người, gia súc và tài sản của dân, ông Tô Phiếu- Phó Chủ tịch UBND xã Mê Pu, nơi có nhiều nạn nhân của sét nhất hai huyện, cho biết: Ngoài tuyên truyền cho nông dân các cách phòng tránh sét, chỉ mới xây dựng hai cột thu lôi trên đồng Mê Pu và Đức Chính. Nhưng cách cột thu lôi Mê Pu vài trăm mét, vẫn có người bị sét đánh chết...

MỚI - NÓNG