'Thung lũng tiên' giữa đại ngàn Tây Bắc

Mường Lựm được ví là "cõi tiên nơi trần thế"
Mường Lựm được ví là "cõi tiên nơi trần thế"
Nằm gọn lỏn giữa những cánh rừng xanh ngút ngát, bao bọc bởi mây trắng quanh năm, bản làng ấy được mệnh danh là "cõi tiên trần thế". Bản Lựm (xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, Sơn La) không chỉđẹp mà còn có cả chục cụ sống thọ cùng trời đất. Lời giải thích đơn giản của người dân đó là, sống thọ là do lẽ tự nhiên, cứ vui là sống thọ.

Vượt qua cả chục con dốc khúc khuỷu, vén làn sương mù bức bối, Mường Lựm, Yên Châu, Sơn La hiện ra trong leo lẻo. Mường Lựm theo tiếng Thái có nghĩa là vùng đất sương mù bao phủ, hay vùng đất bị lãng quên.

Những ngôi nhà của đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú nằm e lệ bên ruộng bậc thang nhạt nắng, len lẩn trong sương núi lành lạnh. Gió ở đây lúc nào cũng mang không khí man mát, dễ chịu đến lạ kỳ. Cụ Hà Thị Mái (90 tuổi) ngồi khâu chiếc tải cũ, mắt thong dong nhìn về mấy con trâu như thể chẳng vướng bận chuyện gì.

Nơi đây được mệnh danh là "cõi tiên trần thế", "báu vật thượng đế đánh rơi" quả không sai. Hỏi về bí quyết sống lâu của người Mường Lựm, cụ Mái nói với chúng tôi với cái giọng rỉ rả như thể đã thân thuộc.

Cụ đưa đôi bàn tay xù xì, bắt đầu nhẩm đếm, một hồi cụ nói: "Mỏi cái đầu quá, không đếm được có bao nhiêu người sống trường thọ đâu, từ 80 tuổi đến hơn 100 thì nhiều lắm. Có bí quyết gì đâu, cứ vui là sống thọ". Với thần thái của cụ Mái khiến chúng tôi thêm phần bái phục con người nơi đây.

Đáng ra ở cái tuổi đó, người ta sống dựa vào con cái, mắt mờ, chân chậm. Ấy vậy mà cụ Mái ngày ngày vẫn đuổi trâu dọc thung lũng, có khi còn leo mình trên những mỏm đá tai mèo sắc lẹm để tỉa ngô, hái mơ, hái mận… âu đó cũng là chuyện phi thường.

'Thung lũng tiên' giữa đại ngàn Tây Bắc ảnh 1

Cụ Hoàng Thị Hóm chẳng nhớ nổi năm sinh của mình.

Chúng tôi đến nhà cụ Hoàng Thị Hóm, ngôi nhà sàn nằm ngay cạnh con suối quanh năm róc rách. Dù đã bước qua tuổi 100 nhưng cụ Hóm vẫn còn rất tinh anh. Nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ, cụ Hóm bảo, cụ chẳng nhớ mình sinh năm bao nhiêu.

Chỉ biết sinh ra ở cái ngày xa lắc xa lơ, từ cái thuở cánh rừng Mường Hặc, Tú Nang, Mường Lựm vẫn còn rậm rạp, đàn gấu hoang, đàn khỉ kéo nhau về bản phá nát cả nương ngô, nương sắn sau nhà. Sáng hôm sau chờ chúng đi, người trong bản lại rủ nhau đi nhặt phân của chúng rồi phơi khô, dùng để đốt sưởi ấm mỗi mùa đông lạnh giá.

Dù bước qua tuổi 100 cụ vẫn còn quanh quẩn làm được việc nhà, vẫn nhúc nhắc trông đàn chắt, chút chạy ở sân. Cụ sinh được cả chục người con, nhưng duy chỉ có ông Bưởng là con trai. Cô con gái cả của cụ cũng đã ngoài 80 tuổi, còn khỏe mạnh lắm. Mải chuyện với chúng tôi, cụ Hóm thấy mấy đứa cháu ra mãi bờ suối cạnh nhà chơi. Cụ mau mắn rượt đuổi theo.

Nhìn bước chân còn vững chãi bước trên đám đá sỏi lô nhô mới thấy, người ta gọi mảnh đất nơi thâm sơn cùng cốc này là "đất trường thọ" quả cũng không ngoa. Cụ cười nói: "Các con, các cháu đi nương đi rẫy hết cả rồi. Giờ mình không làm gì được, ở nhà trông tụi nhỏ thôi, ngồi không buồn bực lắm".

Mường Lựm vốn dĩ là vùng đất khó khăn, nhất nhì của tỉnh Sơn La, cái nghèo cái đói vẫn còn bám riết một số gia đình. Cái ăn còn khó, chắc chẳng ai dám nghĩ họ sống thọ và minh mẫn đến vậy. Có lẽ cũng bởi khí hậu tốt lành, môi trường trong sạch, con người sống vô tư nên người sống ở đây cũng chỉ thuận theo tự nhiên mà trường thọ.

Cụ Hoàng Thị Nhưa cũng đã ngoài 100 tuổi, giờ cụ được coi là "cây đại thụ Mường Lựm" còn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà sàn tối đen như mực, cụ Nhưa ngồi thêu khăn Piêu. Có lẽ những đường kim, mũi chỉ, những hoa văn đặc trưng của người Thái trên tấm khăn của cụ là sự thành thục, là phản xạ tự nhiên.

'Thung lũng tiên' giữa đại ngàn Tây Bắc ảnh 2

Cụ Nhưa được ví là cây cổ thụ của Mường Lựm.

Nó được dệt nên từ một thứ ánh sáng vọng về từ truyền thống, ăn vào máu chứ chẳng phải ánh sáng tự nhiên nữa. Hằng ngày cụ vẫn nhặt củi, nấu nước, trông mấy đứa chắt. Khi rảnh, cụ dò dẫm đi bộ cả trăm mét đường đá đến tán gẫu với cụ Hoàng Thị Hóm.

Cụ Nhưa thủng thẳng: "Những lúc rảnh cụ thích thêu thùa giúp con; không làm gì cái tay cứ buồn buồn, cái chân nhớ núi, nhớ nương lắm. Phụ nữ Thái ở Mường Lựm ai cũng biết thêu áo, thêu khăn, làm chăn, làm đệm từ ngày còn bé. Khi lớn rồi, mỗi cô gái đều phải có mấy chục cái khăn, cái áo,… để làm của hồi môn, làm quà biếu cho các chị em bên nhà chồng".

Cả bản với hơn 300 nóc nhà, gần 2.800 nhân khẩu, giờ đây Mường Lựm không còn là cái bản bé tẻo teo nằm lọt thỏm giữa rừng thâm u như trước nữa. Theo thống kê cả xã có tới gần chục cụ xấp xỉ 100 tuổi, nhiều cụ vẫn còn nhúc nhắc làm việc nhà, làm nương, đan lát giúp con cháu.

Còn nếu các cụ trong diện hưởng chính sách người cao tuổi của Nhà nước (80 tuổi trở lên) thì cả xã hiện còn hơn 50 cụ. Ông Hà Đức Minh (Hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Mường Lựm) chia sẻ: "Cái sự sống thọ ở Mường Lựm cũng đáng được ghi vào sách vở lắm chứ. Ngày xưa đói khổ là thế, cuộc sống vất vả lắm. Cái ăn còn chả đủ, nói gì đến ăn ngon, đâu có cán bộ y tế giỏi như bây giờ, các cụ còn đẻ nhiều nữa chứ. Có điều đặc biệt nữa, các cụ ở đây tuy tuổi cao nhưng ai nấy đều rất minh mẫn".

Anh Hoàng A Thào (Bí thư Chi đoàn xã Mường Lựm) chỉ về phía bên kia con dốc, nơi cụ Hà Văn Sán đang gùi sau lưng cả một mớ củi lớn, cao hơn đầu người. Vừa sang tuổi 99 nhưng bước chân cụ vẫn thoăn thoắt như con mèo rừng, cơ thể tráng kiện như cây gỗ lim sau nhà.

Trong mắt cụ vẫn quắc lên sự mạnh mẽ, tự tin đến lạ lùng. Cụ nổi tiếng khắp cả tỉnh vì đã từng đạt danh hiệu nông dân trồng lúa nước giỏi. Khắp cánh rừng, nương ngô nơi đây đều có dấu chân cụ, những con đường mòn quanh núi cụ thuộc như lòng bàn tay.

Cụ Sán như một minh chứng mạnh mẽ nhất về sức sống kỳ diệu của con người nơi đây. Họ lặng lẽ sống trong cái thung lũng bình yên này, cuộc sống xô bồ, hối hả ngoài kia dường như chẳng làm ảnh hưởng đến họ. Họ vẫn mạnh mẽ sinh ra, mạnh mẽ lớn lên, trường tồn cùng với cánh rừng hoa ban trắng miên man, triền ngô xanh ngút ngát.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG