Thuốc lá đẩy nhiều gia đình rơi vào nhóm nghèo

Lãnh đạo Bộ y tế và Thành phố Hồ Chí Minh tuần hành cùng các bạn trẻ thành phố hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31/5). Ảnh: Quốc Ngọc.
Lãnh đạo Bộ y tế và Thành phố Hồ Chí Minh tuần hành cùng các bạn trẻ thành phố hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31/5). Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Không chỉ gây tổn hại sức khỏe, hút thuốc lá còn trở thành gánh nặng về kinh tế xã hội với những chi phí tài chính khổng lồ dành cho việc điều trị bệnh tật và cả khoản tiền không hề nhỏ chi cho việc mua thuốc lá.

Đó là thông điệp chính của lãnh đạo TPHCM tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31/5) do Bộ Y tế tổ chức sáng 30/5 tại thành phố.

Mỗi năm chi hàng chục nghìn tỷ đồng mua thuốc lá

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá tại thành phố là 53%, nữ 2%. Chính quyền thành phố nhiều năm qua đã tích cực xây dựng và triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá với những hoạt động đa dạng. Mục tiêu của thành phố là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống còn 30%, nữ dưới 2%. Ngoài ra, đặt mục tiêu 80% nơi công cộng không có người hút thuốc lá.

“Thành phố mạnh dạn xây dựng những mô hình cộng đồng không thuốc lá tại 24 phường xã điểm thuộc các quận huyện, mô hình nhà hàng, khách sạn không thuốc lá với sự tham gia của 358 nhà hàng, khách sạn trên toàn thành phố, 17 điểm dịch vụ không thuốc lá tại các quán ăn, karaoke… Và đặc biệt mô hình cơ sở y tế không khói thuốc được áp dụng triệt để”, ông Cang nói.

Theo ông Cang, hằng năm những người hút thuốc lá Việt Nam phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá. Riêng năm 2012, số tiền này lên đến 22 nghìn tỷ đồng. “Thuốc lá đang là nguyên nhân làm nhiều hộ gia đình rơi vào nhóm nghèo đói. Hơn thế, tiêu dùng thuốc lá không chỉ gây nghèo, mà còn làm tăng khoảng cách của bất bình đẳng, tăng khoảng cách giàu nghèo”, ông nhận định.

Tiếp tục tăng thuế, giảm người sử dụng

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên kêu gọi người dân cả nước hành động tích cực phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo bà, Bộ Y tế sẽ  tiếp tục thực hiện Công ước khung về kiểm soát giá thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được phê duyệt từ năm 2004. Các biện pháp đã, đang và sẽ được áp dụng gồm xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá, tạo nguồn kinh phí cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Cũng nằm trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, bà Xuyên cho biết, tăng thuế thuốc lá vẫn là một trong những biện pháp nhằm giảm số người tiêu thụ. Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã thực hiện những bước tiến về cải cách mức thuế thuốc lá từ 55% lên 65%. Theo lộ trình, kể từ 1/1/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá sẽ tăng lên 70%. Và dự kiến, đến năm 2019, mức thuế này sẽ tiếp tục tăng lên 75%.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, các biện pháp tổng thể sẽ giảm tỷ lệ cung, tỷ lệ cầu hút thuốc lá. “Mục tiêu là người hút thuốc lá trưởng thành ở  Việt Nam sẽ giảm từ 47,4% xuống còn 39%. Chúng ta phải phấn đấu nỗ lực để xây dựng một môi trường lành mạnh, không khói thuốc ở tất cả cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan, xí nghiệp, ở những nơi đông người”, ông nói.

Theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên, thì có một người hút thuốc lá. Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành vào năm 2010, tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4%, nữ giới 1,4%. Có 33 triệu người Việt Nam không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc ở trong nhà. Mỗi năm nước ta có 40.000 người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Năm 2010, chi phí cho điều trị 3 căn bệnh ung thư phổi, tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lên đến 2.340 tỷ đồng.

Ngày 28/5 vừa qua, WHO đã trao Huy chương ngày Thế giới Không thuốc lá 2015 cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ghi nhận vai trò hết sức quan trọng của bà Bộ trưởng trong quá trình phê duyệt Luật phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam. Đặc biệt, vai trò của Bộ trưởng trong việc bảo vệ dự thảo luật trước sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.