“Thượng đế” vật vờ

TP - Sau cuộc “đại phẫu” đường sắt, đường bộ, ngành GTVT đang hướng tới hàng không. Hàng không ở Việt Nam lâu nay có lẽ chỉ chú trọng tới an toàn nên xao nhãng nâng chất lượng phục vụ. Hành khách dường như dần quen với những chuyến bay giờ cao su. Đến nỗi có hãng bay nội địa tỷ lệ chậm, hủy chuyến chiếm tới 50%.

Mối quan hệ trong ngành hàng không chủ yếu liên quan 4 thành phần: Cục Hàng không quản lý nhà nước; Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam quản lý hạ tầng sân bay; Tổng Cty Quản lý bay chuyên dẫn đường cho máy bay (thông qua kiểm soát không lưu) và các doanh nghiệp vận tải (Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet, Vasco) quản lý con người (phi công, tiếp viên) cùng phương tiện (máy bay các loại).

Tuy vậy, các mối quan hệ trong “họ” hàng không này nhiều lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Bởi vì, phần nhiều đều đang giữ vai trò độc quyền và có sự chi phối về vốn của nhà nước: Sân bay, mặt đất; hướng dẫn bay và cơ bản vận tải hàng không (hơn 70% thị phần thuộc Vietnam Airlines - đang trong tiến trình cổ phần hóa). Cục Hàng không điều tiết các mối quan hệ này.

Chính vì vậy, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng mỗi lần họp đều huy động đủ 4 thành phần trên và truy trách nhiệm quản lý nhà nước với Cục trưởng Hàng không. Bản chất của việc nâng cao chất lượng phục vụ “thượng đế” chính là đảm bảo sự liên thông tốt những thành phần trên.

Ở nhiều nước, chuyện tư nhân hóa sân bay và vận tải hàng không đã làm từ lâu. Hãng hàng không tư nhân Airasia (đóng tại Malaysia) đang “làm mưa làm, làm gió” khắp Châu Á. Còn sân bay Changji (Singapore) đẹp tới mức, giả sử hành khách bị chậm hủy chuyến cũng không có thời gian để bức xúc.

Bởi vì, dọc lối đi có những khu rừng nhỏ với tiếng ếch kêu xen âm thanh lao xao của rừng trúc. Hành khách có thể nằm trên chiếc ghế bành mơ màng hoặc đút chân vào máy mát-xa chân tự động, nếu không muốn bị lạc vào mê cung mua sắm.

Thời gian qua, Việt Nam có 2 hãng hàng không tư nhân ngừng bay. “Từ gói mì tôm đến chai nước uống ở sân bay, bộ trưởng cũng phải lo”, Bộ trưởng Thăng nói sáng 11/7. Ông Thăng cũng kể chuyện bản thân khi ở trên máy bay xin tờ báo đọc cũng không được tiếp viên đáp ứng. Vậy là đủ hiểu, các “thượng đế” khác phải vật vờ hay đối xử chưa đúng mực, đâu có gì lạ.

Các “thượng đế” đi máy bay ở Việt Nam thực ra không mơ mộng nhiều viễn cảnh như sân bay Changji; họ chỉ cần đúng giờ máy bay cất cánh để bớt khổ.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.