Thủy điện Tây Nguyên, miền Nam khô khát

Cửa xả của thủy điện Ialy khô kiệt vì không có nước
Cửa xả của thủy điện Ialy khô kiệt vì không có nước
TP - Mặc dù nhiều tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung ngập trong mưa lũ thời gian qua nhưng hàng loạt hồ chứa thủy điện khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn không có nước đầu nguồn về. Tình trạng thiếu điện trầm trọng trong năm 2011 do thủy điện thiếu nước là khó tránh khỏi.
Cửa xả của thủy điện Ialy khô kiệt vì không có nước
Cửa xả của thủy điện Ialy khô kiệt vì không có nước . Ảnh: Thanh Thúy

Đầu nguồn vẫn khát

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ông Đinh Văn Hậu, cán bộ thủy văn của thủy điện Pleikrông, cho biết dù ở thượng nguồn nhưng nước về hồ rất ít trong khi thời điểm này năm ngoái đã phải xả tràn. Nhà máy Thủy điện Pleikrông những ngày gần đây hầu như không hoạt động, chỉ chạy cầm chừng 1 đến 2 tiếng/ngày vào giờ cao điểm để tích nước cho mùa khô năm sau. Có những ngày nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Theo ông Hậu, hồ chứa của thủy điện Pleikrông có dung tích hơn 1,3 tỷ m3 nước, lớn gần 1,5 lần dung tích hồ chứa thủy điện Ialy và có chức năng tích nước cho hàng loạt hồ thủy điện bậc thang ở dưới. Đến nay, nước trong hồ chứa mới trên mực nước chết một chút. Đây là năm kiệt nước chưa từng có kể từ năm 1996 đến nay.

"Năm 2010 là năm kiệt nhất trong chuỗi thủy văn 50 năm qua tại đây. Với tình hình này năm sau Nhà máy Thủy điện Pleikrông không biết lấy nước đâu mà chạy"-Ông Hậu cho biết.

Theo ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy (Gia Lai), cùng kỳ năm ngoái, nước ở hai hồ đã tích đầy và phải xả từ 15-9. Đến hôm 26-10, nước hồ chỉ trên mực nước chết 4m. Lưu lượng nước về hồ thấp khiến nhà máy chỉ chạy được khoảng 7 - 8 tiếng/ngày, chủ yếu vào giờ cao điểm.

Từ nay đến cuối năm để đạt được mục tiêu sản xuất điện đề ra, Nhà máy Thủy điện Pleikrông cần hơn 2 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, lượng nước về hồ thấp đang khiến lãnh đạo nhà máy đau đầu. "Hai cơn bão, lũ ở khu vực Bắc Trung bộ vừa qua giúp lượng nước về hồ tăng thêm một chút trong vòng vài ngày nhưng sau đó lại tụt xuống trở lại. Khả năng cấp điện sang năm sẽ rất khó khăn"- Ông Luận cho biết.

Tình hình hạn hán nghiêm trọng đến mức từ nhiều tháng nay, thủy điện Hàm Thuận, tỉnh Lâm Đồng, mỗi ngày cũng chỉ chạy được vài tiếng. Những ngày đầu tháng 10, các ngày chủ nhật nhà máy phải dừng sản xuất để tích nước chuẩn bị cho phát điện của tuần sau.

Tính chung sản lượng điện 9 tháng năm 2010 của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận chỉ đạt 68,37% so với cùng kỳ năm 2009. Nhà máy Thủy điện Đa Mi trên địa bàn huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng trong tháng 9 sản lượng chỉ đạt hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tại khu vực phía Nam, ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An cho biết, trong mùa lũ năm nay, lưu lượng nước về hồ chỉ bằng 20% so với năm 2009. Tính đến hết 9 tháng đầu năm, Nhà máy Thủy điện Trị An chỉ phát được hơn 700 triệu kWh, dự kiến sản lượng điện hụt so với năm ngoái lên tới 800 triệu kWh.

"Nước trong hồ về mực nước chết ngay trong mùa mưa thì dù đến hết tháng 10 nếu có nước về, chắc chắn mùa khô 2011 cũng khó tránh khỏi thiếu nước. Tình trạng thiếu điện sẽ trầm trọng hơn"- Ông Phúc cho biết.

Thất thu cả nghìn tỷ đồng

Ông Ngô Hạnh Đăng, Quản đốc phân xưởng sản xuất, Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận- Đa Mi cho biết, do nước ít nên những ngày đầu tháng 10-2010, Nhà máy Thủy điện này chỉ chạy 8 tiếng/ngày với công suất gần 3 triệu kWh.

Lượng nước thiếu hụt trong hồ chứa Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận tính tới đầu tháng 10 lên tới 447 triệu m3, tương ứng hơn 300 triệu kWh. “Với sản lượng điện không sản xuất được do thiếu nước, năm nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mất nguồn thu khoảng 450 tỷ đồng"- Ông Đăng cho biết.

Theo tính toán của ông Luận: "Hậu quả của tình trạng thiếu nước đầu nguồn sang năm người dân sẽ thấy rõ, còn năm nay, EVN lĩnh đủ trước. Năm 2011 nhiều Nhà máy Thủy điện Tây Nguyên không biết sẽ lấy nước đâu để chạy thủy điện vào mùa khô và cấp nước cho nông nghiệp, ông Luận lo lắng.

Lãnh đạo một đơn vị thành viên của EVN cho biết, tình trạng thiếu nguồn nước ở các hồ thủy điện khắp ba miền Bắc, Trung và Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của tập đoàn trong năm nay. Chỉ tính lượng điện hơn 1 tỷ kWh không phát được như dự kiến từ Nhà máy Thủy điện Ialy, EVN sẽ bị mất nguồn thu lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ EVN, các địa phương có các nhà máy thủy điện lớn dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nguồn thu ngân sách do thất thu thuế tài nguyên nước và thuế VAT từ các nhà máy thủy điện.

MỚI - NÓNG