Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng:

'Tiến cử cán bộ trẻ làm lãnh đạo cần tránh tình cảm riêng tư'

TPO - "Tiến cử là công việc ông cha ta đã làm và nhiều nước cũng đã làm... Nếu công tác tiến cử và cách làm khách quan, công khai, công tâm thì sẽ lựa chọn được cán bộ tốt để giao nhiệm vụ", ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết.

Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025” vừa được Thành ủy Đà Nẵng ban hành, trong đó quy định cán bộ chủ chốt tuổi dưới 35 đang gây xôn xao dư luận. 

Phóng viên phỏng vấn ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng về đề án này.

'Tiến cử cán bộ trẻ làm lãnh đạo cần tránh tình cảm riêng tư' ảnh 1

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội Vụ TP Đà Nẵng

+ Phóng viên: Xin ông cho biết, đề án vừa ban hành có mới so với công tác cán bộ trước đây và hiện tại ?

- Ông Võ Ngọc Đồng: Thời gian quan, thành phố đã chủ động, tích cực và làm tốt công tác cán bộ nên bước đầu đã chuẩn bị được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận; khắc phục dần tình trạng bị động, hẫng hụt cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên, công tác phát triển cán bộ trẻ vẫn còn một số mặt hạn chế; tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp uỷ vẫn chưa đảm bảo theo quy định (dưới 10%, chưa đạt được yêu cầu Trung ương đề ra). Cơ cấu cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Việc Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành ban hành Đề án cán bộ trẻ là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quyết tâm đổi mới trong công tác cán bộ và chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho tương lai, đáp ứng được yêu cầu phát triển thành phố trong chặng đường tiếp theo.

Từ giai đoạn 2005-2010, Thành ủy đã có chủ trương mỗi Thành ủy viên giới thiệu cán bộ nguồn để thay thế mình nhưng đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Đà Nẵng ban hành một Đề án về cán bộ trẻ. Đề án đã đề cập tương đối đầy đủ những vấn đề cụ thể; trong đó đưa ra đối tượng, tiêu chuẩn cho người được tiến cử, công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, giao việc, giải quyết những rào cản để xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ.

+ Ông đánh đánh giá như thế nào về quy định cán bộ tiến cử lãnh đạo, quản lý không quá 35 tuổi? Liệu những người này có đảm đương công việc khi tuổi đời còn quá trẻ?

- Thanh niên quy định trong Luật thanh niên từ 16 đến 30 tuổi. Mỗi lần đại hội, yêu cầu cán bộ trẻ cơ cấu vào cấp ủy đối với cấp thành phố là dưới 40 tuổi; cấp quận huyện dưới 35 tuổi. Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới và trước đây ở nước ta có nhiều dưới 35 tuổi đã là lãnh đạo cấp cao. Đơn cử cố Tổng Bí thư Trần Phú giữ chức lúc 26 tuổi, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong giữ chức  lúc 33 tuổi...

Tiến cử là công việc ông cha ta đã làm và nhiều nước cũng đã làm. Tiến cử với tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan thì rất tốt nhưng không loại trừ yếu tố cá nhân chi phối, đặc biệt là từ trước đến nay tính chịu trách nhiệm cá nhân về sự tiến cử còn mờ nhạt. Nếu công tác tiến cử và cách làm khách quan, công khai, công tâm thì sẽ lựa chọn được cán bộ tốt để giao nhiệm vụ.

Khi giao nhiệm vụ rồi vẫn tiếp tục theo dõi, giúp đỡ, góp ý thì những cán bộ trẻ hoàn thiện mình hơn về nhân cách, năng lực; để cán bộ trẻ tránh những căn bệnh: thiếu tự tin, tự cao, tự đại, hiếu thắng háo danh, hám danh, thích có danh vọng…  và nếu được như thế, cán bộ trẻ được lựa chọn hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Do vậy chúng ta cũng không ngần ngại những người này có đảm đương được nhiệm vụ hay không? 

+ Thời gian qua, báo chí phản ánh một số nơi bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhưng là con em, họ hàng của lãnh đạo. Theo ông, trong quá trình triển khai đề án cần có những giải pháp gì?

- Việc giới thiệu con em, họ hàng của lãnh đạo vào cùng cơ quan, nếu người được giới thiệu thực sự có năng lực và phẩm chất thì tốt; nếu làm khách quan, công khai và công tâm thì dư luận không quá khắt khe với chuyện này. Tất nhiên ở đây sẽ có khó xử. Do đó việc lựa chọn cán bộ trẻ cần tránh tình cảm riêng tư và phải được công khai, minh bạch. Nếu khi tiến cử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định cho thấy có sự thiếu công tâm, khách quan và không có sự đồng thuận của đa số trong tập thể đơn vị, chắc chắn uy tín của người tiến cử sẽ bị ảnh hưởng; người được quyền tiến cử sẽ rất cân nhắc khi tiến cử.

Công việc tiến cử và lựa chọn cán bộ trẻ trong đề án có nêu và trong quy trình công tác cán bộ có quy định cụ thể; vấn đề ở đây là “cái tâm” của người lãnh đạo khi thực hiện các quy định đó; và nếu vì cái chung, công tâm, khách quan dư luận sẽ đồng tình và ủng hộ cho người được lựa chọn.

+ Thưa ông, việc tiến cử cán bộ trẻ tham gia Đề án này phải bảo đảm những yếu tố nào để không có trường hợp tiến cử xong lại có dư luận cho rằng có tiêu cực hoặc không công bằng?

- Như tôi đã nói, Đề án lần này phải đảm bảo khách quan, công khai, công tâm, thực hiện đúng như nội dung đề án và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; phải được sàng lọc kỹ, có vào, có ra; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì sẽ khắc phục được tiêu cực, dư luận sẽ đồng tình.

+ Trong đề án có đề cập "Nghiên cứu tăng thêm chức danh phó bí thư ở các quận uỷ, huyện uỷ, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, chức danh phó giám đốc (và tương đương) ở các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và nhưng nơi có điều kiện". Theo ông việc này có cần thiết và liệu có làm cồng kềnh thêm bộ máy?

- Việc tăng thêm các chức danh cấp phó để đào tạo cán bộ trẻ là cần thiết. Trong nhiều năm qua, Trung ương và thành phố cũng đã làm và cũng có nhiều kinh nghiệm để triển khai; tuy nhiên vấn đề này thành phố cần đề nghị trung ương cho phép bởi trong quy định của Đảng, Nhà nước có quy định số lượng cấp phó, nếu vượt quá số lượng là không được. Tôi tin vì việc đào tạo cán bộ trẻ thành phố, các cơ quan trung ương sẽ ủng hộ. 

MỚI - NÓNG