Tiếng thở dài phía sau con tàu đắm

Tàu chìm, hư hỏng nặng, nợ ngập đầu ông Mười (phải) và ông Sơn chưa biết xoay xở sao trong cơn túng quẫn.
Tàu chìm, hư hỏng nặng, nợ ngập đầu ông Mười (phải) và ông Sơn chưa biết xoay xở sao trong cơn túng quẫn.
TP - Nắng đầu hè, quán cà phê cóc đối diện xưởng đóng tàu Lý Cư bên âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) như rang. Chiếc mũ phớt không đủ che ánh mắt buồn nản, cô độc, lo toan của thuyền trưởng Mười sau khi tàu cá bị đâm chìm cách bờ mấy trăm mét. 

Nhấp ly cà phê đen ông thở dài: “Đắng quá!”. Trước mặt ông, con tàu cá QN90191, tài sản ước mơ của đời ngư phủ bám biển nay tanh bành, còn ông thì trắng tay chưa được đồng nào hỗ trợ.

Tranh thủ về thăm gia đình ở Tam Tiến, Núi Thành (Quảng Nam) được một đêm, ông Nguyễn Hữu Mười (thuyền trưởng tàu QNa 90191) và người em bà con Đỗ Minh Sơn lại tất tả có mặt ở xưởng đóng tàu Lý Cư chỉ để ngồi chờ cơ quan chức năng gọi làm việc. Chiếc xe máy cà tàng 2 ông chạy gần 100 cây số về nhà là của một ngư dân Đà Nẵng thương tình cho mượn. Chỉ mới mấy ngày thôi không gặp mà ông Mười, ông Sơn gầy tọp, bơ phờ thấy rõ.

“Có ngủ, có ăn uống được gì đâu. Cứ chớp mắt là nghĩ đến cảnh tượng bị đâm chìm chới với giữa biển. Cứ nghĩ đến việc tiền đâu trả nợ, tiền đâu lo sửa tàu, tiền đâu nuôi vợ con. Sáng sớm ra lại Đà Nẵng, ghé quán ăn mà nuốt không xuôi, anh em nhìn nhau rồi bỏ đũa!”, ông  Mười nhìn về con tàu nát bươm, nói.

Đã hơn 1 tuần sau vụ va chạm, khiến tàu cá chìm, 2 ông ăn nhờ ở đậu quanh âu thuyền Thọ Quang. Đêm xin ngủ ké tàu thuyền tại đây. Âu thuyền hôi thối, muỗi đốt đến sưng tay, nhưng đành chịu. Ông Sơn làm bụm thuốc tây rồi nuốt ực vì chân sưng vù sau tai nạn. “Chỉ mong cơ quan chức năng xong thủ tục để anh em còn đi làm kiếm tiền trả nợ, sửa tàu. Ngồi không thế này chết nữa!”, ông Mười thở dài.

Tiếng thở dài phía sau con tàu đắm ảnh 1 Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Mười bên con tàu đã nát tươm sau khi bị đâm chìm. Ông cho biết: Nếu không có tàu ngư dân ứng cứu, các ngư dân khó bảo toàn tính mạng.

Năm nay tròn 50 tuổi, nhưng ông Mười đã có 36 năm lấy tàu làm nhà, bám bấu vào biển cả để mưu sinh nuôi vợ và 2 con nên người. Con tàu QNa 90191 là tài sản chung của ông Mười, ông Sơn. Tàu chìm, 2 ngày sau Biên phòng ra xác định vị trí tàu chìm rồi thả phao ở đó, không có động tĩnh gì việc trục vớt. Lúc đó, tôi có hỏi Đại tá Nguyễn Thành Đính, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu Cảng Đà Nẵng chuyện trục vớt, ông Đính cho hay: Trục vớt hay không tùy thuộc vào chủ tàu.

Xót của, 2 ông mượn tiền thuê 4 tàu cá, 16 người và 2 thợ lặn để vớt tàu, kéo tàu vào bờ, hết hơn 40 triệu đồng. Trong đó tiền cho thợ lặn 20 triệu đồng. Chưa đủ tiền trả, ông Mười khất nợ mấy anh tàu cá, xin thư thả dăm bữa nửa tháng xoay xở rồi trả sau. Trong số 4 tàu tham gia trục vớt, có tàu cá của ông Nguyễn Thanh Vấn là ân nhân cứu mạng của 3 ngư dân tàu ông Mười đêm xảy ra tai nạn. “Phải tự làm thôi, chứ ngồi chờ cơ quan chức năng thì đến bao giờ. Tàu ngâm nước sẽ hư hỏng thêm. Xót lắm. Anh em lấy giá đó là hữu nghị rồi”, ông Mười nói.

Tàu kéo vào rồi đưa lên đà ở xưởng đóng cá, chi phí tốn thêm chục triệu. Máy móc hư hỏng nặng vì ngập nước. Ngư cụ mất sạch. Cá mực trong khoang hỏng hết. Hai anh em trắng tay, nuốt nghẹn tự an ủi nhau: sống sót là may mắn rồi. Tàu lên đà nơi xưởng đóng tàu Lý Cư xong xuôi, lúc này biên phòng và Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng mới cho người qua quay phim, chụp hình, tìm chứng cứ để điều tra.

“Nợ ngân hàng mua tàu 150 triệu đồng, nợ tư nhân gần 60 triệu đồng. Tổn phí chuyến biển 20 triệu đồng, 30 triệu đồng tiền hải sản hư hỏng, 40 triệu đồng tiền thuê kéo tàu, chưa kể, sửa tàu phải mất 300 – 400 triệu đồng. Giờ nhắm mắt là thấy tiền đè”, ông Mười nói mà ánh mắt đầy lo toan. Ấy thế mà, từ hôm xảy ra cơ sự ông Mười bảo: “Chỉ có thôn, xã, và hội nghề cá điện hỏi thăm động viên tinh thần.Vợ con, anh em động viên an ủi cố gắng. Không nhẽ giờ mình đi chết. Chết rồi nợ còn đó, vợ con gánh sao”. Câu nói của ông làm tôi nổi da gà.

“Mấy hôm rồi, chủ tàu sắt đâm chìm có qua gặp tôi,  ý họ xin đền bù thương lượng. Nhưng giờ vụ việc đã giao cơ quan chức năng rồi, tôi làm sao quyết được. Chỉ mong họ làm thủ tục điều tra sớm để còn sửa tàu”. Nhắc đến sửa tàu, ông Mười lại giật mình: “Nếu ở quê, may ra người ta cho nợ. Chứ ở đây xa lạ, chủ xưởng đâu biết mình, họ làm sao dám. Giờ cũng chưa biết tính răng”. Vừa nói ông vừa chìa giấy báo lãi ngân hàng: “Tư nhân người ta còn thông cảm. Ngân hàng thì chịu. Giấy về lại phải có tiền, không trì hoãn được”.

Tàu QNa 90191 được 2 anh em ông Mười mua lại từ tháng 8 năm ngoái. Tu sửa xong xuôi, ngót hơn 600 triệu đồng. Tàu xuống nước đi biển chuyến đầu tiên từ tháng 10/2016, đi được 5 chuyến, vốn chưa kịp thu thì bị đâm chìm.

Tiếng thở dài phía sau con tàu đắm ảnh 2 Ông Đỗ Minh Sơn kể lại chuyện bám biển và bị đâm chìm tàu cá.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Tam Tiến, 14 tuổi ông Mười đã biết đi biển. Lớn lên, lập gia đình ông cùng vợ con vào tận Phú Quốc (Kiên Giang) để theo nghề biển. Cuộc sống bấp bênh, 7 năm trước ông cùng vợ con kéo nhau về quê lập nghiệp với biển. Vợ ốm đau, ông theo tàu đi bạn, mấy năm trời tích góp vốn liếng làm ăn. Nghề biển phải có tàu riêng mới làm ăn khấm khá được. Ông tính trước mắt sắm tàu nhỏ, tàu cũ, chăm chỉ vài năm khi có vốn sẽ đóng tàu lớn vươn khơi bám biển. Năm 2016, khi có ít vốn, ông cắm sổ đỏ vay ngân hàng bàn với ông Sơn cùng hùn vốn để làm ăn. Ông Sơn làm nghề nuôi tôm, mấy năm qua bấp bênh, nghe ông Mười bàn tính ông Sơn gật đầu. Con gái đưa ông Sơn mượn 100 triệu đồng, rồi 2 anh em đi mua tàu.

Ông Mười kể, trong số 2 bạn đi biển với ông chuyến vừa rồi, lão ngư Phan Thanh Phụng là người khốn khó nhất. Biết hoàn cảnh, đầu tháng 4 năm nay, ông Mười rủ ông Phụng đi biển cùng, lời lỗ anh em chia nhau. Chuyến biển vừa rồi là chuyến biển đầu tiên ông Phụng đi bạn với tàu QNa 90191. Đêm tàu bị đâm chìm, 4 ngư dân nhảy xuống biển, nhìn quanh không thấy anh em đâu, ông Phụng bơi gần 1 giờ đồng hồ vào bờ để kêu cứu. Đêm đó, hay tin tôi chạy qua, ông Phụng co ro trong chiếc chăn cuốn chặt vì lạnh. Nhìn ông ai cũng cảm thương. Vì lần đầu đi biển nên ngay cả số tàu ông cũng không nhớ. Sinh viên Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) cắm trại trên bãi biển Tiên Sa phát hiện và kéo ông lên sưởi ấm bên lửa trại. Họ tên chủ tàu ông không nhớ, chỉ nhớ tên Mười.

Tiếng thở dài phía sau con tàu đắm ảnh 3 Ông Phan Thanh Phụng, co ro trong chăn vì lạnh sau khi bơi trong màn đêm gần 1 tiếng đồng hồ để kêu cứu.

“Có cách nào giúp anh em ngư dân bám biển không nhà báo?”, ông Mười hỏi, tôi không biết trả lời sao. Điện thoại hỏi ông Trần Quang Kiến, Chủ tịch hội nghề cá Quảng Nam, ông Kiến cho hay: Chỉ mới nắm thông tin vụ việc qua phản ánh của báo chí, tuy nhiên chưa thấy địa phương và chủ tàu đề cập gì. Trước mắt, Hội nghề cá sẽ hướng dẫn chủ tàu làm các thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Sau khi bảo hiểm đền bù nếu không đủ để sửa chữa thì Hội mới nghiên cứu đề xuất hỗ trợ thêm. Ông Mười buồn rầu: “Mới mua tàu, đang khó khăn tiền đâu mua bảo hiểm”.

Hôm 15/4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức khen và trao thưởng 50 triệu đồng cho Biên phòng thành phố vì có thành tích trong tìm kiếm cứu nạn và điều tra vụ việc. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng nhưng rất may không có thương vong. Hành động đâm chìm tàu cá ngư dân rồi bỏ chạy cần lên án. Do đó, phải khẩn trương điều tra, đưa vụ việc ra xét xử để trừng trị một cách đích đáng.

Sau buổi lễ trang trọng, tôi níu áo ông Thơ hỏi chuyện. Ông Thơ cho biết: Về ngư dân anh em Biên phòng đã cứu hộ an toàn, chăm sóc như thế là tốt rồi. “Như thế là được rồi. Vụ việc lớn nhưng ngư dân đã an toàn. Việc hỗ trợ ngư dân mình sẽ xem xét, nghiên cứu sau” - ông Thơ nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Chưa có hỗ trợ, động viên gì cho ngư dân tàu QNa 90191. Và phải chờ, vì Ủy ban tỉnh đang giao cho Sở Nông nghiệp xem xét.

Khoảng 20h30 tối ngày 8/4, sau 4 ngày đánh bắt trên biển thu 1 tấn hải sản, tàu QNa 90191 vào Đà Nẵng để bán cá. Khi gần cảng Tiên Sa tàu bị một tàu sắt tông chìm, 4 ngư dân nhảy xuống biển. Riêng ngư dân Phan Thanh Phụng, bơi vào bờ kêu cứu. Lúc này, lực lượng biên phòng trạm Tiên Sa mới hay tin. Rất may, 3 ngư dân còn lại được tàu cá ông Nguyễn Thanh Vấn (cùng quê Quảng Nam) vớt lên tàu. 

Ông Vấn, cho biết: Nhận điện thoại cầu cứu của ông Mười lập tức ông tăng tốc quay ra ứng cứu. Khoảng hơn 30 – 40 phút sau khi tàu cá của ông vớt 3 ngư dân bị nạn thì canô biên phòng có mặt. Sau đó, tất cả được đưa về trạm biên phòng cảng Tiên Sa. “Nghĩa hiệp, đồng cam, anh em góp công cứu người, rồi phải bỏ chuyến mất 3 ngày để vớt, kéo tàu bị nạn. Có ai hỗ trợ gì không, nhà báo ơi?”, ông Vấn hỏi qua điện thoại khi đang trên đường ra biển. Thêm một câu hỏi, tôi không biết trả lời sao!

MỚI - NÓNG