Tiếp cận dấu vết nghi của máy bay mất tích

Trực thăng của Không quân VN đậu tại sân bay Cà Mau chuẩn bị xuất phát sáng nay. Ảnh: trường điền
Trực thăng của Không quân VN đậu tại sân bay Cà Mau chuẩn bị xuất phát sáng nay. Ảnh: trường điền
TP - Tới 23 giờ đêm qua, vẫn chưa phát hiện bất kể thông tin gì của máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia, và vẫn chưa xác định được điều gì đã xảy ra với nó. Một cột khói và một vệt dầu loang trên biển đã được phát hiện trong vùng FIR của Việt Nam. Đây là hướng tiếp cận chính trong hôm nay.

Sáng 8/3, chiếc máy bay này, chở theo 239 người, đã mất tích khi sắpvào vùng kiểm soát bay của Việt Nam.

Tập trung tìm kiếm

Chuyến bay gặp nạn mang số hiệu MAS370, hình trình từ Kuala Lumpur Malaysia đi Bắc Kinh - Trung Quốc. Chuyến bay cất cánh lúc 0h41 ngày 8/3 (giờ địa phương) và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Tuy nhiên, tới 2h40 (khoảng 3h40 giờ VN) sáng 8/3, khi đang bay ở độ cao hơn 10km so với mặt đất, nó đã mất toàn bộ liên lạc, mất tín hiệu trên màn hình radar (tọa độ 06055’19”N - 103034’28”E). Trên máy bay có 227 hành khách (trong đó có 2 trẻ em) cùng 12 thành viên phi hành đoàn.

Tiếp cận dấu vết nghi của máy bay mất tích ảnh 1

Vệt dầu loang trên biển đã được máy bay Việt Nam phát hiện chiều qua. Ảnh: Tổ bay cung cấp

Vị trí máy bay mất liên lạc cách biên giới vùng trời Việt Nam (FIR) khoảng 18km, với hơn 1 phút bay, cách Cà Mau khoảng 320km. Ngay khi mất liên lạc với máy bay trên, Hãng hàng không Malaysia đã thông báo tới các cơ quan hữu trách nước này để thông báo tới các nước quanh khu vực nhằm tìm kiếm cứu nạn.

Bộ GTVT Việt Nam cho biết, tại thời điểm dự định máy bay qua điểm chuyển giao kiểm soát của Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM), đơn vị đã chủ động thiết lập liên lạc với tàu bay nhưng không được. ACC HCM đã thông báo lại với Trung tâm kiểm soát bay Kuala Lumpur về việc trên.

Dù ACC HCM và các cơ quan điều hành bay có liên quan đã tìm mọi cách liên lạc với máy bay (kể cả các tàu bay trong khu vực trách nhiệm) vẫn không thiết lập liên lạc được với tàu bay này. Lập tức, ACC HCM thông báo và báo động cho tất cả các cơ quan có liên quan (ACC Singapore và ACC Kuala-Lumpur) theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Vị trí lần cuối trên màn hình radar là phía Nam điểm IGARY trong FIR Singapore.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không VN cho biết, thông thường, các máy bay đều có bộ phận phát sóng vệ tinh tự động. Khi máy bay gặp va đập mạnh, hộp phát sóng sẽ tự động kích hoạt truyền tín hiệu lên vệ tinh và truyền về trung tâm điều hành của hãng, để xác định vị trí máy bay bị nạn. Nhưng trong trường hợp máy bay Malaysia thì không nhận được tín hiệu từ vệ tinh cảnh báo máy bay gặp nạn. Thời điểm máy bay mất tích đến nay, thời tiết khu vực vẫn rất thuận lợi.

Trước đó, chuyến bay này đã hiệp đồng với phía Việt Nam, thời điểm dự kiến chuyển giao theo hiệp đồng là 12 giờ 21 phút đêm 7/3 (theo giờ Việt Nam), nó sẽ bay qua không phận Việt Nam. Nhưng đến thời điểm đó, phía Việt Nam đã không liên lạc được với máy bay. Ngay khi nhận được thông báo MAS370 mất liên lạc, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ. Thủ tướng đã có chỉ đạo các cơ quan Việt Nam dồn toàn lực phối hợp chặt chẽ với các nước Malaysia, Singapore, Trung Quốc để tìm kiếm.

Ngay sau đó, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam đã đưa Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không vào hoạt động, đồng thời phối hợp các lực lượng khác cùng tham gia cứu nạn, như Hải quân, Phòng không, Cảnh sát biển, Trung tâm Tìm kiếm cứu hạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC).

Hướng về vệt dầu loang

Ngay khi nhận được tin máy bay gặp nạn, Hải quân Việt Nam đã cử 2 máy bay AN26 ra khu vực xác định máy bay của Malaysia có thể gặp nạn để tìm kiếm, trên khu vực mặt biển rộng khoảng 10.000km2. Đồng thời, 1 tàu của Vietnam MRCC, 2 tàu của Hải quân, 1 tàu của Cảnh sát biển VN đã xuất phát ra vị trí tìm kiếm. Đồng thời, Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng 7 máy bay AN26, trực thăng MI 171 và 9 tàu Hải quân sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi phát hiện vị trí lâm nạn. Đài thông tin duyên hải đã phát thông báo cho các tàu biển hàng hải qua khu vực tăng cường quan sát để phát hiện và báo cho đài và Vietnam MRCC. Trong sáng 8/3, ba máy bay tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và 1 máy bay C130 của Singapore đã cất cánh tới khu vực tìm kiếm.

Tiếp cận dấu vết nghi của máy bay mất tích ảnh 2

Khu vực khả năng máy bay có thể rơi được các nước xác định. Việt Nam xác định khoảng 10.000km2 (vạch chéo đậm)

Khoảng 17h ngày 8/3, máy bay của Việt Nam đã phát hiện vệt nước biển khác màu, giống như vệt dầu loang tại vị trí nghi là của máy bay mất tích, vệt dài khoảng 20km. Ngay sau đó, một cột khói bay lên tại khu vực tìm kiếm cũng được phát hiện, nhưng chưa thể xác định nơi khởi phát. Ngay sau đó, thông tin được thông báo cho Malaysia và Singapore để điều động máy bay và tàu tới.

Đồng thời, tàu của Vietnam MRCC cũng hướng về khu vực phát hiện vệt dầu loang.  Chuẩn đô đốc - Chính ủy Hải quân Vùng 5 Ngô Văn Phát - cho biết, Hải quân vùng 5 xác định, có thể vị trí máy bay của Hãng hàng không Malaysia gặp nạn là tại vùng cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 153 hải lý (khoảng 300km). Theo đó, Hải quân Vùng 5 đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, lương thực thực phẩm, lập tức xuất phát cứu hộ ngay sau lệnh điều động.

15h35 hôm qua, 2 tàu của Hải quân Vùng 5 đã nhận lệnh xuất phát tìm kiếm máy bay gặp nạn. Đó là tàu cứu hộ HQ954, và tàu HQ637. Đại tá Đậu Khải Hoàn, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 5 Hải quân cho biết, từ đây đến khu vực tìm kiếm khoảng 180 hải lý, phải mất khoảng 14-15 tiếng. Hai tàu Hải quân được trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ cứu nạn và lương thực đủ dùng trong một tháng.

Bao trùm Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng không (Tổng Cty quản lý bay VN), là không khí khẩn trương, lo lắng.

Theo lực lượng chức năng Việt Nam, vùng biển được xác định khả năng cao nhất nếu máy bay rơi chỉ có độ sâu nước khoảng 50m, vì vậy việc tìm kiếm và cứu nạn sẽ không quá khó khăn. Tuy vậy, chưa có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay trên rơi xuống biển.

Trong chiều 8/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh đã trực tiếp xuống trung tâm để chỉ đạo việc tìm kiếm, phối hợp các lực lượng trong nước và trong khu vực. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, cả vệt nghi dầu loang và cột khói phát hiện được đều thuộc vùng FIR của Việt Nam. Nơi này cách đảo Thổ Chu 150km về phía Nam, cách mũi Cà Mau khoảng 180 km. Cả 3 tàu cứu nạn của Việt Nam đã hướng tới khu vực này để tìm kiếm. “Theo thông lệ quốc tế, nếu chiếc máy bay gặp nạn trong vùng FIR của Việt Nam, phía Việt Nam sẽ điều tra vụ việc; còn nếu ngoài vùng FIR, Việt Nam sẽ hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ”, ông Tiêu nói.

Do trời tối, các máy bay tìm kiếm của Việt Nam và các nước đã quay về đất liền, và 6h sáng nay, sẽ tiếp tục quay trở lại vị trí nghi máy bay rơi để tìm kiếm.

Việt Nam nỗ lực hết mình tìm máy bay mất tích

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Liên quan việc máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích, chiều 8/3, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc điện đàm khẩn với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato Sri Anifah Hj Aman. Phó Thủ tướng đã bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm sâu sắc đối với sự lo lắng của chính phủ, nhân dân Malaysia và các nước liên quan cũng như gia đình các hành khách trên chuyến bay. Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ khi nhận được thông tin ban đầu lúc sáng 8/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất quan tâm và yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Malaysia để xác minh thông tin, đồng thời triển khai các lực lượng và phương tiện, biện pháp để tìm kiếm và cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông báo các cơ quan tìm kiếm cứu nạn Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm máy bay. Bộ trưởng Aman bày tỏ lời cảm ơn chân thành của chính phủ và nhân dân Malaysia về sự hỗ trợ kịp thời của Việt Nam.

Ngày 8/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia bị mất tín hiệu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn”.

Thu Loan

MỚI - NÓNG