Tiêu cực, phản cảm tại các lễ hội: Bộ chủ quản phải lên tiếng rõ ràng

Cảnh thanh niên nhảy xuống ao cướp phết tại xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ chiều ngày 9/2. Ảnh: Nguyễn Hải.
Cảnh thanh niên nhảy xuống ao cướp phết tại xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ chiều ngày 9/2. Ảnh: Nguyễn Hải.
TP - Làm việc tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng ngày 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng im lặng của cơ quan quản lý trước hiện tượng tiêu cực, phản cảm, lợi ích nhóm tại nhiều lễ hội. “Thủ tướng có nói rằng, nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng”, ông Dũng lưu ý.

Lễ hội phản cảm khi tranh cướp lộc

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1/2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Bộ VH, TT&DL 282 nhiệm vụ, trong đó đơn vị đã hoàn thành 158 nhiệm vụ, chỉ có 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Tỷ lệ quá hạn không nhiều, thể hiện sự cố gắng rất lớn của Bộ. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng có truyền đạt một số vấn đề yêu cầu Bộ cần giải trình, khắc phục.

“Những việc đó liên quan tới ý thức của người dân, công tác giáo dục ý thức, nhưng cần sự lên tiếng của cơ quan quản lý nhà nước, song bộ không lên tiếng, không phản hồi. Nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo, nhưng bộ không có bất cứ báo cáo nào”. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Điển hình như về công tác quản lý lễ hội, Thủ tướng đã yêu cầu phải bắt tay  vào làm việc ngay từ giờ đầu, ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, không được sử dụng xe công, không sử dụng giờ hành chính đi lễ hội. Cùng với đó, người dân không đồng tình với nhiều hiện tượng phản cảm, biến tướng tại lễ hội, như việc tranh cướp lộc…, nhiều lễ hội bị thương mại hóa, có biểu hiện lợi ích nhóm. “Những việc đó liên quan tới ý thức của người dân, công tác giáo dục ý thức, nhưng cần sự lên tiếng của cơ quan quản lý nhà nước, song bộ không lên tiếng, không phản hồi. Nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo, nhưng bộ không có bất cứ báo cáo nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.

Tiêu cực, phản cảm tại các lễ hội: Bộ chủ quản phải lên tiếng rõ ràng ảnh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, kiểm tra việc thực hiện các quy định như cấm dùng xe công đi lễ hội, cấm đi lễ hội giờ hành chính… để chấn chỉnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu báo cáo về tiến độ triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Cụ thể, giải quyết vấn đề khách đến không muốn quay trở lại, vấn đề hướng dẫn viên, chất lượng dịch vụ, hạ tầng, giải quyết tình trạng “chặt chém” du khách… ra sao. “Rất phản cảm khi nơi này nơi khác ghi rõ là không tiếp khách Trung Quốc, điều đó không thể chấp nhận được trong thời hội nhập, mở cửa. Vậy thì cơ quan quản lý Nhà nước phải lên tiếng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tổ chức chọi trâu vì lợi ích kinh tế

Giải trình về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho rằng, các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội năm nay cơ bản đã được điều chỉnh, giảm hơn trước như lễ hội Ném Thượng, cướp phết đã không còn bạo lực, lễ hội đập đầu trâu ở Phú Thọ đã bỏ, không còn treo trâu cho tới chết... Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo để xảy ra các hoạt động phản cảm. Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL Vũ Xuân Thành thanh minh rằng, đối với lễ hội cướp phết, Bộ muốn phối hợp với Tổng cục Thể thao tổ chức như một hình thức thể thao nhưng người dân không đồng ý.

Một lý do nữa được ông Thành nêu ra là các địa phương vẫn tổ chức lễ hội chọi trâu vì có lợi về kinh tế. “Bộ đã có chỉ đạo nhưng các địa phương vẫn tổ chức. Như Yên Bái vừa rồi vẫn tổ chức chọi trâu. Thanh tra Sở Văn hóa xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng Phó Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban nên làm khó lắm!”, ông Thành than. Thực tế theo phản ánh của ông Thành, doanh nghiệp đầu tư phối hợp với địa phương bán vé, bán thịt trâu thu lời tương đối nên vẫn “ham” tổ chức lễ hội.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, đã khuyến cáo không tổ chức lễ hội chọi trâu nhưng địa phương phản ứng vì phong tục, tập quán.  Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, muốn giải quyết triệt để các tiêu cực trong lễ hội cần có nhiều giải pháp.“Quan điểm của chúng tôi là năm sau tốt hơn năm trước, còn khắc phục triệt để, không còn tồn tại nào thì rất khó. Mong muốn của chúng tôi là những hiện tượng phản cảm, trục lợi phải giảm bớt, tất nhiên nếu không còn thì là tốt nhất”, Bộ trưởng Thiện nói.

Tuy đồng tình với nhiều giải trình trên, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh lại chỉ đạo của Thủ tướng muốn Bộ phải lên tiếng rõ ràng: Lễ hội nào tốt hay không tốt, lễ hội nào cho phép, cái nào không. “Khi đã có tiếng nói rõ ràng mà địa phương vẫn để tồn tại thì địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.