Tìm cách thoát nghèo dưới núi vàng

Người dân Xê Đăng ở xã Phước Thành (Phước Sơn) vẫn nghèo dưới núi vàng. Ảnh: Nam Cường
Người dân Xê Đăng ở xã Phước Thành (Phước Sơn) vẫn nghèo dưới núi vàng. Ảnh: Nam Cường
TP - Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Nam tổ chức một hội thảo lớn (ngày 31/7), mời hẳn hàng chục chuyên gia kinh tế đầu ngành từ trung ương lên miền biên giơái xứ Quảng để hiến kế, tìm cách giúp 4 huyện vùng cao thoát nghèo.

Theo lãnh đạo tỉnh, dù nằm dưới núi vàng đúng nghĩa, nhưng bao năm qua, dân 4 huyện Phước Sơn; Đông, Nam và Tây Giang nghèo vẫn hoàn nghèo, đặc biệt tỷ lệ nghèo luôn… ổn định, năm nào cũng chiếm 1/2 dân số các huyện, thu nhập dưới 11 triệu/người/năm.

“Phải thay đổi tư duy, mời gọi nhà đầu tư lớn, đánh đúng trọng điểm, là du lịch, nông lâm nghiệp. Phải liên kết với nhau giúp dân thoát nghèo, chứ ăn mãi vào thủy điện, khoáng sản thì không trông chờ già” - PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định.

Nhiều vàng nhất và… nghèo nhất

Theo báo cáo của lãnh đạo 4 huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, vùng tây bắc Quảng Nam, chính là nơi giàu khoáng sản bậc nhất Việt Nam hiện nay. Với những sắt, cát, đất đá xây dựng, uranium, titan, cao lanh… và đặc biệt là vàng, địa bàn 4 huyện trên trở thành nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp khai khoáng cùng những người dân bản địa và tứ xứ đến khai thác trái phép.

Ngoài ra, vùng đất này là nơi rừng tự nhiên đa dạng, có nơi còn che phủ đến 97% như ở huyện biên giới Tây Giang, Phước Sơn. Vùng tây Quảng Nam, với 85% là đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Xê Đăng, Hre, Mã Liềng…, vùng đất này còn là nơi trầm tích văn hóa ngàn đời nay.

Tuy nhiên, 4 huyện trên vẫn nằm trong diện nghèo nhất nước. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cho hay, hiện Phước Sơn có tới 48% dân số thuộc diện hộ nghèo trong khi đó, nơi đây có trữ lượng vàng được đánh giá là cực lớn.

“Như nhà máy vàng Phước Sơn chẳng hạn, không hiểu vì sao càng làm càng thua lỗ mà vẫn không bàn giao. Dân Phước Sơn chẳng được hưởng lợi gì ở chuyện này”. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc, cho hay nói về nghèo, có lẽ cả nước không nơi nào sánh được với người dân Tây Giang, mặc dù ở vùng đất này, có nhiều khoáng sản, tài nguyên cũng như những trầm tích văn hóa theo ông là… không thể tin nổi.

“Có nơi nào có tới 60% là rừng già nguyên sinh mà đến nay còn gìn giữ được? Có nơi nào trong 1,3 triệu cây cổ thụ thì có tới 328 cây di sản, cây có độ tuổi trên ngàn năm? Rồi rừng cây Pơmu nguyên sinh, với hàng trăm cây Pơmu cổ thụ, đường kính mấy người ôm cho đến nay chưa ai có thể đụng đến. Nơi nào mà có những chiếc ché được giới lái buôn trả tới 150 cây vàng? Rồi những câu chuyện về văn hóa mà các chuyên gia, khảo cổ vẫn chưa thể lý giải nổi? Chỉ có vùng đất Tây Giang. Nhưng thật buồn vì đến nay, chưa có cơ chế nào để đánh thức những tiềm năng trên để hái ra tiền, giúp dân thoát nghèo” – ông Bhriu Liếc trăn trở.

Xin cơ chế, mời gọi đầu tư

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, muốn phát triển phải liên kết, chọn doanh nghiệp lớn mời gọi đầu tư. Xác định du lịch và phát triển nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn.

“Muốn như vậy, phải xin cơ chế đặc thù để phát triển, ít nhất cũng phải có cơ chế như Tây Nguyên, vì điều kiện của miền tây Quảng Nam còn khó khăn hơn”. Ông Bhriu Liếc cho rằng, bao năm nay, chưa ai xin cho vùng núi phía tây bắc xứ Quảng Nam một cơ chế khác, dù rằng vùng đất này khó khăn, có vị trí chiến lược chẳng kém Tây Nguyên. “Phải có cơ chế vượt trội thì nhà đầu tư mới mạnh dạn lên đây. Không có doanh nghiệp lên núi thì dân trên này muôn đời khổ”.  

Đề nghị mở rộng Đà Nẵng lên tận biên giới Việt - Lào

Đó là đề nghị của ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tại hội thảo. Theo ông Tiếng, từ hồi còn làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, ông đã cùng các lãnh đạo Đà Nẵng, đặc biệt là cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh từng có nhiều ý tưởng phát triển thành phố bằng cách mở rộng địa lý.

Một trong những ý tưởng đó là xin trung ương cho nhập hai huyện Đông Giang và Tây Giang về với Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng sẽ có đường biên giới với Lào. “Nếu về với Đà Nẵng, cả hai phía cùng có lợi. Phía Đà Nẵng đảm bảo được nguồn nước, chủ động bảo vệ rừng mà Quảng Ninh mới đây là bài học nhãn tiền. Còn phía hai huyện này, sẽ được hưởng nội lực, cơ chế của thành phố loại 1 Trung ương.

Chẳng cần đi đâu xin cho xa. Các cửa khẩu quốc gia thành quốc tế (Đắc Ốc - Nam Giang), cửa khẩu tỉnh thành quốc gia (Tây Giang – Kà Lừm), nhất là sẽ được biết đến như một điểm nhất của Hành lang kinh tế Đông Tây, nằm trong chuỗi liên kết vùng, liên kết quốc tế mà Đà Nẵng là điểm quan trọng” – ông Bùi Văn Tiếng khẳng định.

MỚI - NÓNG