Tìm về Giấc mơ Chapi

Nghệ nhân Chamaléa Âu với những giai điệu Chapi. Ảnh: Ngô Bình.
Nghệ nhân Chamaléa Âu với những giai điệu Chapi. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Ngồi bệt dưới gốc cây, giữa núi rừng hun hút của xã vùng cao Ma Nới, tỉnh Ninh Thuận, người đàn ông dân tộc Raglai tuổi ngoài 60, mái tóc lơ thơ bạc gẩy lên những âm thanh trầm trầm, đùng đục của cây đàn Chapi. Đôi mắt ông trầm tư nhìn về một vùng trời xa xăm lo lắng cho số phận cây đàn chỉ còn là “giấc mơ” và cuộc sống khốn khó, ngày ngày phải hái lá rừng, đào củ từ nấu cháo thay cơm.

Người giữ hồn Chapi

Một ngày cuối tháng 4/2015, tôi tìm về quê hương của cây đàn Chapi và cũng là nơi sinh ra bài hát nổi tiếng “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Nằm lọt thỏm dưới thung lũng, bao quanh là những dãy nuối trùng điệp, làng Do, xã Ma Nới, Huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận dần hiện tra trước mắt chúng tôi là những mái nhà tranh, vách nứa, xen kẽ là những ngôi nhà xây đơn sơ, lợp tôn cũ kĩ. Những đứa bé với làn da ngăm đen được chị, mẹ địu trước ngực mớm từng muỗng cháo trắng trố mắt nhìn khi thấy người lạ đến làng. Sau gần nửa giờ tìm đường, chúng tôi tìm được đến nhà ông Chamaléa Âu (SN 1955, dân tộc Raglai), ông được cho là người cuối cùng của vùng đất Ma Nới này còn lưu giữ nét văn hóa chơi đàn và làm đàn Chapi.

Biết có người tìm đến để nghe tiếng đàn Chapi, người đàn ông tuổi 60, mình trần, mặc mỗi chiếc quần đùi với làn da ngăm đen vì cái nắng của miền sơn cước, mái tóc lơ thơ bạc vui vẻ chạy vội vào nhà mặc chiếc áo bạc màu, lấy ra hai cây đàn Chapi. Trên tường nhà Chamaléa Âu  treo kín những bằng giấy khen, chứng nhận từ các sở ngành trao tặng ông về việc bảo tồn tiếng đàn Chapi.

Dẫn khách ra gốc xoài sau nhà, ngồi bệt xuống đất, vén chiếc áo lên ngang tầm ngực, Chamaléa Âu áp một đầu cây đàn vào bụng rồi bắt đầu gẩy lên những điệu nhạc của người Raglai, “Nghe Chapi phải ngồi giữa núi rừng thế này mới đúng” ông Âu giải thích. Rồi ông giải thích tiếp, “Úp một đầu vào bụng để cho tiếng đàn vọng hơn, âm thanh phát ra to hơn đó. Ngày xưa ông bà làm gì có loa vi tính như nay nên phải làm như thế nơi đông người mới nghe được tiếng đàn”.

Hai bàn tay chai sạn ôm lấy cây đàn, hai ngón cái sần sùi bấm vào tám sợi dây cật của ống tre. Những âm thanh trầm trầm, đùng đục vang lên với những điệu hát gắn liền với đời sống thường ngày của người dân Raglai như điệu con ếch. Điệu này sẽ được gảy lên vào những đêm mưa đầu mùa để người người gọi nhau chuẩn bị cho mùa xuống giống. Điệu con chim cu để mọi người báo cho nhau biết quãng thời gian trong ngày hay điệu cúng ông, cúng bà, điệu đám cưới, điệu từ biệt… Những điệu Chapi không nhanh, không chậm mà ung dung, thong thả như nhịp sống tự tại của người Raglai.

Chỉ tay vào cây đàn, Chamaléa Âu  giải thích, đàn Chapi có 8 dây, đại điện cho một gia đình gồm hai dây trầm nhất là dây mẹ, rồi đến hai dây cha, dây con lớn và dây con út. “Khi chơi đàn, dây mẹ phải được gảy đầu tiên, đến dây cha, rồi mới dây con, như thứ tự trong gia đình của đồng bào Raglai vậy đó”, ông Âu nói. 

Nhìn bề ngoài, ai không biết cứ nghĩ cây đàn Chapi được làm khá đơn giản bởi đó chỉ là một ống tre già được rạch ra những sợi dây và khoan vài lỗ để tạo âm thanh. Thực tế, để làm ra một cây đàn, nghệ nhân phải bỏ hằng tháng, thậm chí hằng năm trời để đi tìm tre, làm đàn.

Chamaléa Âu cho biết, để làm được cây đàn, phải mất vài tháng lên rừng tìm tre. “Tre làm Chapi phải là tre trên núi cao, lóng tre phải dài ít nhất là 2 gang tay, lóng càng to thì âm thanh càng hay. Tre già quá thì làm đàn dễ bị đứt dây, non quá thì âm thanh không vang vọng mà phải lựa tre khoảng 2 tuổi mới làm được. Một bụi tre to may ra tìm được một cây và chỉ lấy được vài lóng ưng ý thôi. Chặt tre về mình phơi khô rồi hong trên gác bếp, sau đó dùng dao nhọn rạch đều lấy tám sợi cật làm dây, mỗi dây cách nhau một đốt ngón tay và ở giữa khoan một lỗ để tạo tiếng”, Chamaléa Âu cho biết.

Khi lấy được 8 dây đàn, mỗi cặp dây, người nghệ nhân làm hai chốt tre hai đầu từng cặp dây như một thanh điều khiển độ căng, chùng của dây đàn để tạo âm thanh trầm bổng. Bốn mảnh tre được gọt mỏng liên kết 8 sợi dây thành 4 cặp rồi dùng dùi nung đỏ, khoan bốn lỗ để tạo âm thanh và hai đầu ống tre cũng được khoan hai lỗ để âm thanh được thoát ra.

Tìm về Giấc mơ Chapi ảnh 1 Những cây đàn Chapi vang bóng một thời.
Vắng bóng tiếng đàn

Tiếng đàn Chapi một thời vang vọng núi rừng Raglai, khi mà “ai nghèo cũng có cây đàn Chapi” thế nhưng hiện nay, khi nhắc đến thú chơi Chapi của người dân Raglai, đôi mắt của Chamaléa Âu chợt buồn nhìn về vùng núi xa xăm rồi lắc đầu. “Nay thanh niên ưa nghe nhạc xập xình hơn Chapi, cái bụng chúng nó không còn nhớ Chapi là gì nữa rồi. Dân Raglai nay không ưa nghe Chapi, không ưa chơi Chapi nữa rồi, chỉ sợ rồi sau này Chapi chỉ còn là “giấc mơ” thôi”, ông Âu buồn nói.

Chamaléa Âu cho biết, ngày xưa người Raglai dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng có cây đàn Chapi. Sau này, những nhà có điều kiện không chơi Chapi nữa mà sắm bộ Mã La (một loại nhạc cụ khác của người Raglai). Âm thanh của bộ Mã La  được phỏng theo âm thanh của đàn Chapi. “Trước đây, cả vùng núi này, ai cũng biết làm và chơi Chapi. Chapi được gảy vào mọi dịp, lúc buồn cũng như lúc vui, khi đám cưới hay lúc đám ma... Đàn Chapi đã gắn với người Raglai không biết bao nhiều đời. Thế mà, bây giờ cây đàn Chapi bị quên lãng. Bọn trẻ thích xem truyền hình, nghe nhạc xập xình trên máy hơn là đánh Chapi cho nhau nghe. Không ai thèm làm, thèm gảy đàn Chapi nữa”, người nghệ nhân ngậm ngùi.

Theo Chamaléa Âu, hiện tại ông biết khoảng 15 điệu của đàn Chapi, ngày xưa, người Raglai không biết chữ nên không thể viết, hay thể hiện các giai điệu trên giấy được mà người này dạy người khác, nghe nhiều rồi thuộc lòng từng giai điệu. “Chính vì không có ghi chép nên việc học và chơi Chapi rất khó, giới trẻ bây giờ không chịu nghe chứ nói chi học hay chơi. Những điệu Chapi tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng nó là cả một nét văn hoá lâu đời, kể lại cuộc sống của ông cha ngày xưa. Không biết sau này còn ai chơi Chapi nữa đây”, Chamaléa Âu thở dài.

Tìm về Giấc mơ Chapi ảnh 2

Dân Raglay nhặt lá bép để nấu cháo ăn.

Còn đó những mái tranh nghèo

Cuộc sống của người đồng bào Raglai ở làng Do nói riêng và huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận nói chung sau bao nhiêu năm vẫn đầy khó khăn. Những tháng mùa nắng, các con suối cạn khô, không thể trồng trọt, người dân phải vào hái lá bép, đào củ từ về nấu cháo ăn thay cơm.

Dẫn khách vào căn bếp nhỏ sập sệ, Chamaléa Âu khoe một nồi to củ từ được gọt sạch nấu chín để trên gác bếp và mời khách nếm thử, bên ngoài là một bao lá bép mới được hái trên rừng về để nấu cháo ăn dần. Chamaléa Âu cho biết, gia đình chủ yếu làm rẫy, hiện tại ông có hơn 2ha đất rẫy dùng để trồng ngô là chủ yếu và vài sào đất sát bờ suối để trồng lúa. Tuy nhiên, do mùa nắng kéo dài, đất khô quá nên không thể trồng trọt được gì. “Ngày xưa suối nhiều nước, có cá bắt ăn thoải mái. Nay suối cạn rồi mà dân người ta dùng bình điện ra chích bắt hết rồi. Giờ  xuống suối tìm mỏi mắt mới thấy con cá như ngón tay à”.

Hằng ngày cả gia đình vào rừng đi cạo mủ một loại cây rừng mà Chamaléa Âu cho là cây Cam Liên về bán. Mỗi ngày cả gia đình ba, bốn người cạo được khoảng hơn 1kg, bán được gần trăm nghìn đồng. Theo Chamaléa Âu trước đây khoảng 10 năm, những cánh rừng nơi đây đang bạt ngàn, cây nào cũng to cả người ôm không hết nên mỗi ngày một người có thể lấy được mấy ký mủ về bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây lâm tặc tàn phá khiến những cây Cam Liên lớn bị chặt hết. “Ngày xưa ama đi một ngày được mấy ký lận, thời đó cây to lắm, rừng bạt ngàn. Chứ nay vào rừng tìm mỏi mắt mới thấy được cây nhỏ như cổ chân thì làm gì có nhiều mủ cho mà lấy. Lâm tặc phá hết rồi", ông Âu nói.

Chính vì đất rẫy không thể trồng trọt, cạo mủ cây nhưng cây cũng không còn nên nhiều gia đình làng Do phải lên rừng đào củ từ, hái lá bép về nấu cháo ăn thay cơm. “Lá bép ngày xưa bộ đội ăn nhiều lắm đó. Hái về rửa rạch ngắt nhỏ ra. Nấu cháo chín rồi bỏ lá bép vào, nêm thêm muối, bột ngọt nữa ăn thì ngon lắm. Nếu có tiền mua thêm lòng heo về bỏ vào thì ngon bá cháy luôn”, ông nói.

Nói rồi Chamaléa Âu lại đưa cây đàn lên úp vào bụng, hai ngón tay cái nhịp nhàng gảy từng nốt nhạc của điệu đưa tiễn để tạm biệt khách. Âm thanh trầm trầm vang lên len vào núi rừng Ma Nới, ánh mắt ông buông một cái nhìn xa xăm về những rặng núi xa xa. Rồi ông cất tiếng hát, điệu hát chia tay bằng tiếng Raglai mặc dù nghe không hiểu nhưng ai cũng biết rằng đó là sự lưu luyến, muốn giữ chân khách ở lại.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.