Tín dụng đen ở Hà Nội

Tín dụng đen ở Hà Nội
Không lồ lộ với cửa hàng bảng hiệu như cầm đồ. Rất sợ... công an biết mình cho vay nặng lãi. Thế nhưng tín dụng đen vẫn có mặt ở khắp nơi: quán nước, chợ búa, khu phố, sới bạc. Trừ... tính mạng và lời hứa, mọi thứ đều có thể mang làm tín chấp để vay tiền...

Tôi gặp lại H. tại cà phê 39 Hàng Hành vào buổi trưa. Người đàn bà với nhan sắc từng làm nghiêng ngả Đồ Sơn casino vài năm về trước vẫn “tóc nâu môi trầm” bởi mỹ phẩm mặc dù mặt đã hằn thêm nhiều nếp nhăn. “Chị còn lên sòng nữa không?”. H. bảo: “Nghỉ chơi rồi, thỉnh thoảng dắt “gà” lên thôi. Chị dạo này ở nhà làm tín dụng với “công ty””.

Cách đây bốn năm khi Vịnh “ngựa”, Vân “xăng”... tự giải tán, cả một tập đoàn đánh bạc Hà Nội đã phải đổ bộ lên casino để tìm chỗ sát phạt. Lẽ đương nhiên, con bạc đi đâu, tín dụng theo đó. Và không biết bao nhiêu số phận đã phải trắng tay trước H.; từ giấy tờ đất cát, nhà cửa, đăng ký ôtô, xe máy... đều lần lượt chui vào cái túi xách chật ních đôla, ngân phiếu của thị. Rõ là H. cầm đồ! Nhưng không ai gọi H. là “con cầm đồ” cả.

Các con bạc gọi những người như H. là “tín dụng” với thái độ căm hận mặc dù luôn phải quị lụy. Ngoài việc “cung ứng” cho các sòng bạc, H. còn làm bảng bóng đá, cáp lô đề, chơi hụi - họ, cho vay nặng lãi. Sự tồn tại nhởn nhơ và xa xỉ của H. cho đến hôm nay chính là bản chất của tín dụng: cho vay nặng lãi, sống nhờ cờ bạc.

Một lần, trong vai con bạc khát..., tôi gọi ĐTDĐ cho H., H. bảo ra ngay Triệu Việt Vương uống cà phê. Tại đây đã có ba “ông” tín dụng khác thuộc hàng “tay to” ở Hà Nội. H. sồn sồn hỏi ngay: “Sổ đâu, đưa chị xem. Thích cầm ngân hàng hay cầm ngoài?”. Tôi chìa bộ giấy tờ nhà cho H.: “Em cầm ngân hàng, lãi rẻ”. H. xem qua rồi bảo: “Nhà không chính chủ, khó đấy. Em về nói chuyện với chủ cũ (đứng tên sổ đỏ), cho nó ít tiền rồi hẹn ra công chứng sang tên. Chị sẽ gọi điện cho bọn công chứng trước. Chi phí chị chịu”.

Theo H., nếu tôi đồng ý cầm ngôi nhà của mình cho ngân hàng (qua H.) thì chưa tới một tuần là có tiền (trong khi cầm trực tiếp với ngân hàng mất từ hai tuần đến một tháng, trường hợp nhà không chính chủ không thể cầm được.). H. cam đoan vay được cho tôi 300 triệu nhưng cắt “phế” 15 triệu (vay 100 triệu mất 5 triệu tiền “cò”, môi giới).

H. bảo “cầm ngoài” (cầm cho tín dụng đen) phải viết giấy bán nhà, giao chìa khóa, đóng cửa không được ở. Cầm ngoài chỉ 200 triệu, sáu tháng không trả được là mất nhà. Nể tình chị em, H. khuyên tôi nên cầm ngân hàng để vay được lâu (36 tháng), lãi rẻ (1%/tháng), lại được ở trong nhà. Theo cách này, tôi sẽ giao giấy tờ nhà cho “công ty” H. để ủy thác vay. “Công ty” sẽ lập hồ sơ ma với ngân hàng (H. tuyệt đối không nói ra tên ngân hàng), để giải trình kế hoạch kinh doanh, phương án trả nợ như một doanh nghiệp thực thụ. Hằng tháng, tôi sẽ mang tiền gốc và lãi cho “công ty” để trả nợ ngân hàng.

“Chân dung” những con nợ

Với lãi suất bóp cổ và thời hạn cho vay ngắn, nếu kinh doanh may ra chỉ buôn... ma túy mới dám vay tiền tín dụng hòng sinh lãi. Thế nhưng các con nợ vẫn liều mạng đi vay. Đa phần là để cờ bạc, số ít vay để làm ăn trong tình trạng quẫn bách. Có con nợ vay chỉ để chơi bời. Dù cho trước khi vay đã cầm chắc hậu quả: mất tài sản, mất niềm tin, thậm chí mất sự nghiệp, gia đình...

H. “văn” (văn vở, bốc phét) đã từng là một sinh viên học đến năm 3 tại một trường ĐH thuộc khối dân sự tại Hà Nội. Nhưng ngay từ năm 1, cậu đã được gắn biệt hiệu này bởi... “văn” là nghề của chàng: “văn” để mượn bạn bè tiền đi đánh lô đề; “văn” để mượn bạn gái xe máy đi cắm; “văn” để cắm thẻ sinh viên thuê xe máy, rồi cầm cố. Cứ vài tháng, bố H. (làm ngành điện lực ở quê) lại phóng xe hơi, mang tiền lên Hà Nội “tổng thanh toán nợ nần” cho con, có lần trả nợ hết 210 triệu.

Nhờ “uy tín” của bố, H. càng làm càn, giấy nợ nhét từng xấp trong ví. H. thường xuyên bỏ học, bắt taxi, “lên xe xuống ngựa” ở hầu hết các vũ trường VIP tại Hải Phòng, Hà Nội. H. nghiện ma túy, rượu, gái và cờ bạc rất nhanh. Cho đến lúc, bố H. không đi trả nợ đậy nữa. Tín dụng, cầm đồ, chủ xe bắt đầu thúc nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con, bòn luôn “lãi cháu”. Giấy vay nợ tới tấp chuyển vào khoa, trường. H. bị đuổi học. Cậu chạy thục mạng về quê để trốn đám côn đồ dọa giết vì bùng nợ. Sợ con phải vào nhà tù, ông bố khổ sở của H. lại phải lên thanh toán hết nợ nần.

Theo chân Tuấn, một “SV cắm”, tôi xuống quận Thanh Xuân tìm một tín dụng đen vay tiền bằng cách cầm thẻ sinh viên. Bỏ qua nghi ngại ban đầu, tín dụng Th. bắt đầu hé lộ cửa làm ăn và đọc ra vanh vách “giá” thẻ SV các trường khối an ninh, quốc phòng quanh Hà Nội: thẻ SV trường sĩ quan L cắm được 60 triệu, thẻ SV học viện C cắm được 80-120 triệu, thẻ SV học viện A cắm được cao nhất - giá 200 triệu. Thẻ càng lâu năm (năm 3, 4, năm cuối) càng cắm được nhiều. Hình thức cầm cắm là tín chấp, viết giấy vay tiền. Th. bảo: “Cầm để tạo điều kiện cho chúng nó chơi chứ thẻ không bán được. Chúng nó không chuộc thì bố mẹ phải chuộc, nếu không trường đuổi học, cho đi tù”.

Thâm nhập sới bạc C, sới bạc lớn nhất tỉnh H hiện nay (giáp ranh Hà Nội), tôi thường xuyên gặp vợ chồng Hùng - Minh. Hùng cắt đầu cua, mặt mũi hiền lành chất phác. Minh tóc nhuộm vàng nhưng mặt lúc nào cũng như mếu, vào sới chỉ để cầm... áo cho chồng (cởi lúc trời nóng) và chạy đi... vay tiền tín dụng. Mới đợt sau tết, Hùng - Minh vẫn được ngồi cạnh cái để “mở bát”, một tiếng bạc ít nhất cũng 30 - 50 triệu đồng.

Tín dụng bu xung quanh như ruồi; một tiếng “anh Hùng”, hai tiếng “anh Hùng”, nước La Vie miễn phí bưng đến tận miệng. Thế rồi, bẵng đi một tháng, tôi gặp lại Hùng khi  đã bị cái “đuổi” xuống ngồi cuối sới (chỗ dành cho khách chầu rìa). Mặt Hùng rầu rĩ: “Nó “thổi” hết rồi!”. Một tay tín dụng đen bảo: “Anh Hùng của mày mới “đóng” (cầm) có hai cái ôtô thôi, điện thoại, xe máy không kể. Còn cái nhà, “động viên” anh mày cầm nốt mà gỡ”. Khi đó, “tổng nợ nần” của Hùng với đội tín dụng đen là trên 500 triệu. Đám tín dụng đen không gọi Hùng là “anh” nữa mà gọi là “thằng”.

100 thằng cờ bạc mà dây vào tín dụng đen thì 99 thằng tán gia bại sản. Kinh nghiệm này được đúc rút bằng máu thịt, nước mắt của nhiều thế hệ con bạc và được “lưu truyền” cho đến giờ. Biết vậy, nhưng đồng tiền tín dụng cứ như có ma. Sợ nhưng con nợ vẫn cần.

MỚI - NÓNG