Tin mới vụ tai nạn đường sắt làm 3 người chết tại TT-Huế

Ẩn họa luôn thường trực trên rất nhiều đường ngang to rộng, lưu lượng giao thông lớn tại tỉnh TT-Huế, nhưng chưa được ngành chức năng đầu tư gác chắn
Ẩn họa luôn thường trực trên rất nhiều đường ngang to rộng, lưu lượng giao thông lớn tại tỉnh TT-Huế, nhưng chưa được ngành chức năng đầu tư gác chắn
TP - Sáng 21/2, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn TT-Huế hoạt động trở lại sau gần 20 giờ gián đoạn, do vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE2 và xe tải. Vụ tai nạn thêm một lần nữa báo động về sự mất an toàn trên đường ngang dân sinh qua tỉnh TT-Huế, đặc biệt là địa bàn huyện Phú Lộc.

Nhiều giờ sau vụ tai nạn thảm khốc làm 3 người tử vong, nhịp sinh hoạt và lưu thông trên tuyến đường ngang vượt đường sắt ở thôn Phước Hưng (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong các khu dân cư gần hiện trường tai nạn, nỗi lo của người dân khi lưu thông qua đường ngang này vẫn chưa lắng xuống.

Nhiều đường ngang không gác chắn

Anh Phan Tr. (cư trú thôn Phước Hưng) cho biết, chưa bao giờ chứng kiến vụ tai nạn đường sắt nào xảy ra trên địa bàn lại thảm khốc như vậy. Trước đó, Tr cũng như bà con lối xóm từng không ít lần “kinh hồn bạt vía” khi nhìn thấy nhiều trâu bò bị tàu cuốn chết do băng qua đường ngang, cũng tại vị trí vừa xảy ra tai nạn. “Người dân thường xuyên qua lại đường ngang, phía trong núi thì có mỏ khai thác đá, cát sạn khiến xe tải vô ra nhiều lần mỗi ngày. Nguy hiểm là vậy, nhưng dân kiến nghị lắp đặt gác chắn qua đường sắt, mà đợi mãi vẫn chẳng thấy. Giờ chúng tôi lo lắm, đặc biệt là con em đi học”.

Ông Trần Hoán, Giám đốc Cty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thừa nhận, tất cả vị trí đường ngang tại xã Lộc Thủy hiện chưa có gác chắn. Nơi đây chỉ được bố trí các hình thức phòng vệ khác bằng biển báo, chuông tự động, gờ giảm tốc... Trong khi, có một thực tế, những tuyến đường ngang không gác chắn ở xã này và nhiều địa phương khác trong tỉnh TT-Huế vẫn luôn có nhiều xe vận tải, phương tiện cơ giới, người dân, học sinh qua lại mỗi ngày. Nhiều tai nạn đường sắt đã xảy ra hầu như liên tục trong những năm gần đây, tại đường ngang dân sinh dẫn từ Quốc lộ 1 vào các thôn Nam Phước, An Bàng hay Thủy Yên Hạ của xã Lộc Thủy. Gần đây, vào tháng 1/2017, tại đường ngang không gác chắn qua địa bàn thị xã Hương Trà cũng xảy ra tai nạn giữa tàu lửa và xe gắn máy, làm một phụ nữ thiệt mạng.

Ông Trần Hoán cho biết, do căn cứ loại đường, lưu lượng xe cộ và điều kiện kinh phí, nên không riêng địa bàn Lộc Thủy mà nhiều đường ngang khác tại TT-Huế chưa được bố trí gác chắn có người trực hoặc lắp barie đóng mở tự động. “Việc lắp đặt gác chắn ở những loại đường ngang như vừa xảy ra tai nạn, chúng tôi phải hoàn thiện dần dần”, ông Hoán lưu ý. Vị này còn nêu một thực trạng: “Có nơi, nhà cửa che khuất tầm nhìn gây mất an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang, chúng tôi kiến nghị chính quyền di dời, nhưng không có kết quả”.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Liên quan vụ tai nạn thảm khốc, ngày 21/2, Ban An toàn Giao thông tỉnh TT- Huế đã có kiến nghị với ngành đường sắt về vấn đề bảo đảm an toàn của hệ thống đường ngang dân sinh chạy qua đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Bá Trung, Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh, hiện đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh có rất nhiều, do nhu cầu đi lại cao của người dân, trong khi điều kiện để xóa bỏ lại chưa đủ. Tỉnh TT-Huế đề nghị ngành đường sắt khẩn trương nâng cấp hệ thống đường ngang, đường dân sinh bằng việc bố trí người gác chắn, lắp đặt các barie tự động và biển cảnh báo tại những đoạn đường chưa có những hệ thống này. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường làm gờ giảm tốc tại những đoạn đường ngang và có biện pháp mở rộng tầm nhìn cho người đi đường khi lưu thông qua đây.

Một thực tế đáng lo ngại, tại địa bàn tỉnh TT-Huế hiện tồn tại trên 120 đường ngang và đường dân sinh băng qua tuyến đường sắc Bắc - Nam, nhưng chỉ có gần 60 đường bảo đảm tính hợp pháp. Tại hàng chục đường ngang bất hợp pháp, có nhiều điểm thường xảy ra tai nạn chết người. Thông tin từ Cty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, phải đến năm 2019, tất cả các đường ngang hợp pháp giống như ở vị trí vừa xảy ra vụ tai nạn thảm khốc mới được đầu tư hoàn thiện gác chắn tự động. Điều đó đồng nghĩa, những nỗi lo và ẩn họa chết chóc tại các tuyến đường ngang dân sinh chưa bố trí gác chắn ở TT-Huế sẽ vẫn còn tiếp diễn.

MỚI - NÓNG