Tín nhiệm thấp, phải từ chức

TP - Ngày 22/10, thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội (QH), một số ĐB nhấn mạnh, cần quy định làm rõ hơn vai trò, bản lĩnh của ĐBQH - người đại diện cho cử tri, nhân dân, đại diện cho lợi ích của đất nước, dân tộc. Đồng thời cần quy định, người không còn tín nhiệm phải từ chức và nên giảm số lượng ĐB thuộc các cơ quan hành pháp.
Tín nhiệm thấp, phải từ chức ảnh 1

Phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh của đại biểu Quốc hội luôn là vấn đề cử tri quan tâm. Ảnh: Hồng Vĩnh

“Có thể” hay “phải” từ chức

Dự thảo luật trình ra QH kỳ này bổ sung một điều quy định về lấy phiếu tín nhiệm, quy định về đối tượng lấy phiếu, hệ quả của việc lấy phiếu. Còn thời điểm, thời hạn, trình tự lấy phiếu tín nhiệm do QH quy định cụ thể trong văn bản khác. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nêu rõ:

Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị cần quy định rõ hơn và nên thay đổi cụm từ “không tín nhiệm có thể từ chức” thành “phải từ chức”. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu ý kiến, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 phiếu đánh giá tín nhiệm thấp thì được quyền từ chức và QH không cần thiết phải thông qua bước “bỏ phiếu tín nhiệm” nữa.

Liên quan nội dung này, ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) và một số ĐB đề nghị không cần đợi đến 2/3 tỷ lệ phiếu thấp mới bỏ phiếu hay cho từ chức mà chỉ cần 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp, người được lấy phiếu cũng nên từ chức. Nếu họ không chủ động từ chức, sẽ thực hiện xử lý theo quy định.

ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) kiến nghị, dự thảo nên quy định lấy phiếu 2 mức là tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp (thay vì 3 mức như hiện hành), đồng thời ở giai đoạn bỏ phiếu cũng nên 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Cả 2 giai đoạn lấy phiếu, bỏ phiếu nếu số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% hoặc số phiếu không tín nhiệm cao hơn 50% phải cho người đó từ chức, hoặc xử lý theo quy định” - ông Vinh kiến nghị.

Tín nhiệm thấp, phải từ chức ảnh 2

Đại biểu QH cần bản lĩnh và dám tranh luận đến cùng. Ảnh: Như Ý

Quyền vận động bỏ phiếu tín nhiệm

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu, dự thảo luật quy định QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn khi có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số ĐBQH; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của QH.

“Vậy ĐB có quyền vận động các ĐB khác, tập hợp chữ ký để thực hiện quyền này không? Trình tự thủ tục như thế nào? Bao nhiêu phần trăm ý kiến của các thành viên của Ủy ban QH, Hội đồng Dân tộc thì được coi là kiến nghị của Ủy ban của QH, Hội đồng Dân tộc?” - ông Sinh đặt vấn đề.

ĐB Sinh cho rằng, đây là vấn đề quan trọng nhưng dự thảo luật chưa quy định cụ thể. Cần nghiên cứu quy định để ĐBQH có thể thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình được thuận lợi.

ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) chỉ rõ, nên quy định rõ trường hợp nào được kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, trường hợp nào là bỏ phiếu bất tín nhiệm để bảo đảm tính khả thi hơn.

Tín nhiệm thấp, phải từ chức ảnh 3

ĐB Dương Trung Quốc

Thể hiện bản lĩnh, dám tranh luận đến cùng

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), phẩm chất hàng đầu của ĐBQH là tính đại diện cho dân. Vì là đại diện, là đại biểu dân cử, nên rất cần ĐB phải có trí tuệ, trung thực, có bản lĩnh, dám nêu chính kiến và có thể nhận diện được cái đúng, cái sai.

“ĐB phải nghe được tiếng nói của dân, của cử tri và phải có thời gian dành cho công việc của đại biểu. Anh phải dám tranh luận đến cùng những vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền lợi của người dân” - ĐB Quyết Tâm phát biểu.

Lưu ý cần có quy định, đảm bảo tính độc lập của ĐBQH, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng phải hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của ĐBQH. Điều quan trọng nhất ĐB phải được cử tri tín nhiệm, tin tưởng bầu vào QH để phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của cử tri.

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, thực tiễn đã xuất hiện những vấn đề bất cập đối với ĐB có nhiều vai. Cử tri không biết khi nào các vị này hoạt động với cương vị ĐBQH, khi nào là người của cơ quan hành pháp, nhất là khi có những vấn đề liên quan tới bộ ngành mình.

“Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ có chất vấn, giám sát Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng khác hay không? Một vị lãnh đạo ngành ở địa phương làm ĐBQH sẽ thực hiện công tác giám sát của mình như thế nào ở địa phương?” - ĐB Sinh đặt câu hỏi và đề xuất phải nâng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách ít nhất là 50%.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) và một số ĐB kiến nghị, không những cần nâng số ĐBQH chuyên trách cao hơn mà phải có quy định về tỷ lệ ĐBQH không phải là cán bộ, công chức, nhằm đảm bảo tính độc lập, đảm bảo ĐB có điều kiện thể hiện bản lĩnh.

Nên công khai việc bấm nút

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, điều 96 dự thảo Luật Tổ chức QH quy định về biểu quyết tại phiên họp toàn thể nên có hình thức công khai ý kiến của đại biểu. Công khai việc biểu quyết, tức là công khai ý kiến ĐBQH để cử tri nắm được.

Cách đây khoảng 10 năm, ĐBQH biểu quyết bằng tấm phiếu, giơ lên trước thanh thiên bạch nhật, trước mọi người. Bây giờ việc bấm nút vô hình trung đánh mất tính công khai, những kết quả hiển thị trên màn hình thật vô hồn, chẳng khác nào bỏ phiếu kín.

Vì vậy, nên quy định có hình thức để hiển thị kết quả cụ thể hơn ý kiến đại biểu trên bảng điện tử đó.

Không ai có quyền hạn chế đại biểu

Ngày 22/10, trả lời Tiền Phong bên lề Quốc hội (QH), Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH TPHCM) nhấn mạnh: “Trong điều kiện dân chủ của xã hội nói chung và của QH nói riêng, chắc chắn không có vị bộ trưởng nào có quyền hạn chế hoặc răn đe các ĐBQH là thuộc cấp của mình”.

Trước việc Bộ Y tế vừa đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế giải trình về ý kiến chất vấn chất lượng thuốc và đấu thầu thuốc của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM), ĐB Nghĩa cho biết, ông chưa nghe nói đó là ý kiến Bộ trưởng Bộ Y tế, nhưng nếu là công văn của Bộ Y tế phản ứng về việc đại biểu Phạm Khánh Phong Lan có ý kiến chất vấn thì không nên.

Trong điều kiện hiện nay, dân chủ của xã hội nói chung và của QH nói riêng chắc chắn không có vị bộ trưởng nào có quyền hạn chế, răn đe các ĐBQH là thuộc cấp của mình, nếu họ thực thi quyền đại biểu của mình.

“Tôi tin rằng, các Bộ trưởng đều hiểu rõ nếu như trong ngành của mình có ĐBQH thì đó là ưu thế, thế mạnh của ngành ấy. Nên tốt nhất, các Bộ trưởng hãy đối xử đối với các vị ĐBQH không chỉ thuần túy họ là cán bộ cấp dưới của mình mà nên đối xử với cả hai cương vị”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra trước một số trường hợp như, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật) và một số trường hợp khác cũng từng bị làm khó khi chất vấn, phản ánh vấn đề nóng của một đơn vị nào đó.

Theo ĐB Nghĩa, có những đại biểu làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ, bên cạnh nhiệm vụ ĐBQH; có người là thành viên trong hệ thống hành chính nhà nước hoặc trong tổ chức của đảng, đoàn thể. Thực tế này khiến nhiều ĐBQH phải xử lý mối quan hệ giữa các nhiệm vụ, các yêu cầu đôi lúc mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau.

Những đại biểu cùng lúc gắn nhiều nhiệm vụ như vậy phải hết sức bản lĩnh, có dũng khí. Nhưng là ĐBQH phải làm tốt nhiệm vụ dân cử, không phải vì những nhiệm vụ khác mà hy sinh.

Nguyễn Tuấn ghi

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.