Tỉnh chỉ đạo “đóng cửa” nhà máy gỗ dăm trái phép, huyện phớt lờ?

Xưởng gỗ dăm hoạt động trái pháp luật của Cty Minh Long (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn ngang nhiên tồn tại không bị xử lý
Xưởng gỗ dăm hoạt động trái pháp luật của Cty Minh Long (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn ngang nhiên tồn tại không bị xử lý
TPO - Mặc cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo “xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận”, nhưng huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có động thái cụ thể.

Hoạt động trái phép kéo dài

Theo thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện có 28 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép, chỉ tính riêng địa bàn huyện Tĩnh Gia đã tập trung đến 6 nhà máy, những nhà máy này thuộc sở hữu của  Cty TNHH đầu tư Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Cty Cổ phần Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), Cty TNHH Thành Tiến (xã Hải Thượng), Cty TNHH Minh Long, Cty TNHH Việt Trung (đều ở xã Trường Lâm).

Để chấn chỉnh tình trạng “nhờn luật” này, ngày 11/5/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa y đã triệu tập một cuộc họp với 5 sở, ban, ngành để tìm hướng giải quyết.

Chủ trì cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, tình trạng hoạt động trái phép của các nhà máy gỗ dăm đã làm phá vỡ quy hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, thất thoát trong hoạt động thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng rừng...

"Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu cần chấn chỉnh hoạt động, xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận", ông Quyền ra tối hậu thư.

Theo đó, ông Quyền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; sau khi giải tỏa các cơ sở hoạt động trái phép, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực dăm gỗ. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương tăng cường quản lý hoạt động các doanh nghiệp sau đầu tư về mặt quy mô, công nghệ; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư có năng lực. “Đối với UBND các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ cần quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình trạng hoạt động trái phép tiếp tục diễn ra”, ông Quyền nói.

Vẫn ngang nhiên hoạt động

Trở lại huyện Tĩnh Gia sau cuộc họp ngày 11/5, ghi nhận của phóng viên cho thấy các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép vẫn vô tư hoạt động công khai, bất chấp quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trước đó. Theo đó, hằng ngày, xe chở nguyên vật liệu, dây chuyền sản xuất của các xưởng gỗ dăm như Minh Long, Việt – Trung và các xưởng khác trên địa bàn huyện Tĩnh Gia vẫn ngang nhiên hoạt động.

Phản ánh việc này đến ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia vào ngày 30/5/2016, song ông Dũng chỉ nói ngắn gọn, cán bộ phụ trách về vấn đề này đang đi công tác, khi nào cán bộ này về sẽ xếp lịch trả lời.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hà, Phó BQL Khu kinh tế Nghi Sơn khẳng định, BQL KKT chỉ có thể xử lý các doanh nghiệp được cấp phép nhưng làm sai phép. Còn các xưởng không phép thì phải do chính UBND huyện Tĩnh Gia xử lý.

Sáng 1/6, Phó BQL Khu kinh tế Nghi Sơn Lê Thanh Hà đã ký văn bản số 995/BQLKKTNS-XTĐT gửi Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia về việc xử lý các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép trên địa bàn KKT Nghi Sơn. Theo đó, BQL KKT Nghi Sơn đã phối hợp với Sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh tình hình hoạt động các cơ sở gỗ dăm trên địa bàn KKT Nghi Sơn, phát hiện 5 cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép. Các công ty này đều thuê đất của các hộ dân để hoạt động và đến nay cũng chưa có biện pháp xử lý của cấp có thẩm quyền.

“Để chấm dứt tình trạng sản xuất gỗ dăm trái phép trên địa bàn KKT Nghi Sơn, Ban đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở chế biến chế biến dăm gỗ trái phép nêu trên”, văn bản số 995 đề xuất.

Điều đáng nói, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Tiến Dũng từng là Phó trưởng BQL Khu kinh tế Nghi Sơn trước thời điểm 2015. Khi ông Dũng chưa sang làm Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia thì ngay trong KKT Nghi Sơn do ông quản lý đã mọc lên nhiều xưởng gỗ dăm trái phép như Công ty TNHH thương mại và đầu tư Nghi Sơn và Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát. Đại diện Ban quản lý KKT Nghi Sơn xác nhận, cả hai xưởng này đều xây dựng và hoạt động từ năm 2013.

Được biết, nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi có cuộc họp chỉ đạo ngày 11/5 thì đích thân Chủ tịch các huyện này đã "ra tay" xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép. Tuy nhiên, riêng huyện Tĩnh Gia thì vẫn để tồn tại tình trạng trên.

Xã bất lực, huyện làm thinh?

Ngày 7/10/2015, UBND xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia) có văn bản số 56/TB-UBND thông báo về việc đình chỉ sản xuất gỗ dăm của Công ty TM Minh Long do ông Trần Ngọc Thịnh làm giám đốc.

Đến 16/10/2015, xã Trường Lâm đã có báo cáo số 55/BC-UBND gửi đến UBND huyện Tĩnh Gia, nêu rõ: “Ngày 7/10/2015, UBND xã Trường Lâm đã ra thông báo số 56/TB-UBND yêu cầu ông Trần Ngọc Thịnh dừng ngay việc sản xuất gỗ dăm, nhưng ông Trần Ngọc Thịnh vẫn không chấp hành mà vẫn tiến hành tổ chức sản xuất. Với chức năng thẩm quyền ở cơ sở còn có hạn, vậy UBND xã Trường Lâm báo cáo UBND huyện Tĩnh Gia xem xét kiểm tra và giải quyết theo thẩm quyền”.

Sau đó, công ty Minh Long lại chuyển “đại bản doanh” sang một vị trí khác vẫn tại thôn Hòa Lâm xã Trường Lâm. Đáng chú ý, lần này công ty Minh Long còn san phẳng khoảng 5.000m2 đất rừng sản xuất để làm xưởng băm dăm trái phép mà chưa bị xử lý. Trong khi xã Trường Lâm dường như bất lực, tỉnh cũng đã chỉ đạo “xóa sổ” song UBND huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có động thái gì.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.