Làm gì với loa phường - Kỳ 4:

Tính hợp lý của loa phường

Nhiều người cho rằng, loa phường là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Ảnh: Như Ý
Nhiều người cho rằng, loa phường là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Ảnh: Như Ý
TP - Góc nhìn tư pháp, cụ thể là quan điểm của luật sư Trần Anh Dũng (công ty Luật BKL Việt Nam) về loa phường, nhất là tác động của nó đối với môi trường.

Một số người dân không nghĩ rằng họ có thể có ý kiến, chứ đừng nói tới yêu cầu dỡ bỏ loa phường. Theo luật sư, có cơ sở pháp lý nào để người dân thể hiện quyền làm chủ trước loa phường cũng như các đối tượng gây tiếng ồn không mong muốn khác?

Điều 8 Quy chế hoạt động thông tin cơ sở (Ban hành kèm theo Quyết định 52/2016/QĐ-TTg) quy định: “UBND cấp xã quy định cụ thể nội dung chương trình, thời điểm, địa điểm, thời lượng, âm lượng phát thanh, truyền thanh phù hợp với đặc điểm riêng có của từng địa phương, cơ sở; bảo đảm các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của hệ thống thông tin cơ sở; đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trên địa bàn; phù hợp với quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan”. Như vậy, về quy định thì “loa phường” có cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân (UBND) có thể triển khai. Tuy nhiên, việc áp dụng loa phường phù hợp “quy định pháp luật liên quan” lại không rõ ràng.

“Theo điều 48 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, chính UBND các cấp là cơ quan chủ yếu có thẩm quyền xử phạt và giải quyết vi phạm về ô nhiễm môi trường bên cạnh một số cơ quan chuyên ngành khác. Tuy vậy, người dân vẫn có thể khiếu nại về ô nhiễm tiếng ồn của loa phường đến chính UBND theo quy định pháp luật về khiếu nại tố cáo”.       

Luật sư Trần Anh Dũng

Đã có nhiều ý kiến về việc loa phường là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Thực tế, Luật Bảo vệ Môi trường cũng đề cập ô nhiễm tiếng ồn nhưng các quy định dường như tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp và cá nhân hộ gia đình chứ không đề cập cơ quan quản lý. Trong khi đó, UBND cũng chính là cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý ô nhiễm môi trường (bao gồm cả tiếng ồn), do đó việc để “người thổi còi” tự giác điều chỉnh việc “đá bóng” thì khó bảo đảm sự hợp lý.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng như các văn bản trước đó đều có quy định cụ thể mức phạt về mức độ ồn trong khu dân cư, tuy nhiên chỉ thấy doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị phạt mà thôi. Mặc dù quy định chưa rõ ràng thì loa phường vẫn có thể bị coi là nguồn gây ô nhiễm thuộc điều chỉnh của Luật Bảo vệ Môi trường. Vì thế, người dân có thể khiếu nại yêu cầu UBND thực hiện thông tin cơ sở phù hợp với pháp luật về môi trường.

 Luật sư có thể cho biết luật trong nước có điều khoản nào quy định về tiếng ồn và quyền riêng tư có thể áp dụng để xác định tính hợp lý của loa phường?

Tính hợp lý của loa phường ảnh 1

Photo: ..

Thực ra mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân với quản lý công cộng là câu chuyện không có hồi kết chứ không chỉ ở Việt Nam. Ví dụ ở một số nước phát triển, họ tiến hành lắp CCTV (truyền hình mạch kín hay còn gọi là camera giám sát- PV) ở nhiều nơi để quản lý an ninh nhưng cũng vô tình làm mất sự riêng tư của cư dân, người dân cũng đã khiếu nại về việc xâm phạm quyền cá nhân của họ và yêu cầu triển khai CCTV hợp lý.

Cơ sở pháp lý của “loa phường” theo Quyết định 52 nêu trên chính là để cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của nhà nước và kiến thức thiết yếu về đời sống. Như vậy, về bản chất, loa phường mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng nhất là ở những nơi thiếu thông tin. Nhưng với tốc độ phát triển xã hội hiện nay- các kênh thông tin đa dạng, linh hoạt và văn minh, thì loa phường không còn giá trị thiết thực mà lại biến thành thứ gây khó chịu và thiếu văn minh. Và khi loa phường trở thành nguồn gây ô nhiễm thì người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu chấm dứt theo quy định về môi trường. Còn để biến loa phường thành một kênh thông tin văn minh thì sẽ tốn tiền để đầu tư mà chúng ta đều biết người dân sẽ không lựa chọn để nghe, như vậy sẽ càng lãng phí và bất hợp lý hơn.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG