Tôi đi làm phu đá

TP - Vì hai bữa cơm và 200 ngàn đồng/ngày công, bất chấp hiểm nguy, những thợ khai thác đá vẫn ngày đêm khoét núi, nổ mìn dù không được đào tạo, không hợp đồng, không bảo hộ lao động.

Nếu rủi gặp tai nạn, những khối đá lở xuống đè nát người phu đá, gia đình cũng chỉ được chủ mỏ chi cho vài chục triệu đồng để “yên lặng”. Trong vai một lao động phổ thông, PV Tiền Phong thâm nhập vào khu mỏ đá tại 2 xã Yên Lâm (huyện Yên Định) và Cao Thịnh (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) xin việc.

Bài 1: Ba phút sinh tử

Ba phút - thời gian để phu đá bò khỏi hang, tìm chỗ nấp trước khi mìn nổ. Nếu chẳng may trượt chân, hoặc bò chậm người thợ xem như mất mạng.

Tôi đi làm phu đá ảnh 1

Thợ đá chui vào hang chật chội với nhiều hiểm nguy rình rập (ảnh lớn); Thợ đá chân đất, không găng tay khoan đá; Thợ đá chuẩn bị kíp nổ (ảnh nhỏ). Ảnh: Q.N

Khoét hang nổ mìn như đào huyệt mộ

Yên Lâm và Cao Thịnh được xem là những khu mỏ tấp nập nhất xứ Thanh. Từ xa đã nhận ra khu mỏ với những vách núi dựng đứng, trơ đá bạc, bụi mù mịt. Càng đến gần, tiếng máy nổ, tiếng xẻ đá, khoan… càng rõ. Đi dọc đường vào khu mỏ, chốc chốc một chiếc xe tải không đèn, không gương, vỡ kính lại ì ạch cõng từng khối đá lớn “bò” qua, theo sau bụi tung trắng xóa.

Sáng 25/8, chúng tôi theo phu đá Quách Văn Hùng và Bùi Văn Khánh (quê Cẩm Liên, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) tới khu mỏ của Cty Thương mại Tổng hợp Minh Hương (xã Cao Thịnh). Anh Hùng và Khánh được thuê đào một chiếc hang nhỏ sâu vào lòng núi 30m để đặt mìn phá đá. Sau gần nửa tháng đào, chiếc hang nằm cách chân núi gần 100m đã sâu hơn 20m, rộng khoảng 70cm.

Tôi đi làm phu đá ảnh 2 Thợ đá chân đất, không găng tay khoan đá. Ảnh: Q.N
Trang phục bảo hộ của các anh là bộ quần áo sơ mi cũ màu xanh đã chuyển trắng bạc vì bụi đá, đôi dép tổ ong, chiếc khẩu trang một lớp được các anh “bồi” thêm lớp bông phía trong mong cản bớt bụi. Chỉ vậy, với bàn tay trần đã chai sần, bong tróc, các anh thoăn thoắt bám vào từng ụ đá leo lên cửa hang để tiếp tục đào bới. Chiếc hang quá nhỏ, để vào được anh Hùng chỉ dẫn tôi nằm rạp người và dùng tay lết vào.
Mới bò được mấy mét hai khuỷu tay tôi đau nhừ, bàn tay một số chỗ rớm máu, đầu gối đau điếng vì đè phải những viên đá nhỏ sắc nhọn. Phía trước, anh Hùng vẫn bò thoăn thoắt.

Vào sâu, thấy tôi sợ vì khó thở. Anh Hùng động viên: “Lần đầu vào hang ai cũng vậy, lâu rồi cũng quen”. Tôi hỏi, nếu chẳng may đá rơi chặn cửa hang thì phải làm sao? Anh Hùng bảo: “May thì có người tới cứu, không thì đành bỏ mạng”.

Tới cuối hang, anh Hùng khoan từng lỗ nhỏ trên vách đá để đặt mìn. Sau 2 giờ liên tục, anh Hùng khoan được 2 lỗ sâu khoảng 30cm. Sau khi đã đặt thuốc nổ, anh Hùng cắt đoạn dây cháy chậm khoảng 50cm. 

“Chừng này cháy khoảng 3 phút là nổ, mình đủ thời gian để ra khỏi hang và tìm chỗ nấp”, anh Hùng nói, tay tỉ mẩn dùng chiếc que nhỏ chọc lỗ vào giữa bọc thuốc nổ rồi cẩn thận luồn dây cháy chậm và bỏ vào lỗ khoan. Chỉ một sai sót nhỏ ở công đoạn này cũng có thể mất mạng vì mìn sẽ phát nổ.

Tôi đi làm phu đá ảnh 3 Thợ đá chuẩn bị kíp nổ để chui vào hang. Ảnh: Q.N
Mọi thứ chuẩn bị xong, anh Hùng bảo tôi ra trước. Khi tôi và anh Khánh đã tìm chỗ nấp an toàn, trong hang anh Hùng châm lửa và lồm cồm bò ra. Vừa ra cửa hang, anh bật mình lao về chỗ nấp đã định trước cạnh cửa hang.
Anh vừa ngồi xuống, bùm – tiếng nổ vừa dứt, bụi và những viên đá nhỏ từ cửa hang bay thẳng ra ngoài, anh Hùng thở phào ngồi phịch xuống nền đá, từ đầu tới chân bụi bám trắng xóa, mặt chỉ còn lộ hai con mắt. 

Gỡ vội chiếc khẩu trang, anh khạc nhổ bụi đá dính đầy trong miệng. Thấy tôi nhìn chằm chằm vào đôi tay chai sần, anh Hùng đùa: “Ngày trước bạn gái anh bảo, cầm tay anh cứ như cầm phải đôi sừng trâu ấy”. Đôi dép tổ ong dưới chân đứt gần một nửa, gót chân, ngón chân đầy sẹo do những lần bị đá xén phải. 

“Dây cháy chậm phải đủ độ dài để khi cháy đến kíp nổ bằng thời gian mình bò ra khỏi hang. Tôi thường để dây dài chừng 50 cm, cháy trong tầm 3 phút, để kịp bò ra ngoài”.

 Phu đá Quách Văn Hùng

Ngồi từ miệng hang có thể thấy toàn bộ công trường khai thác đá phía dưới, từng tốp công nhân miệt mài làm việc. Trên những tảng đá to bằng cả ngôi nhà đã được nổ tách khỏi núi, một người thợ đứng trên đỉnh và ghì mũi khoan xuống tảng đá.
Phía dưới, chiếc máy xúc nặng nề cẩu từng khối đá đặt lên chiếc xe tải cũ nát. Xa xa trong nhà xưởng tạm bợ, thợ xẻ lưng trần hì hục xẻ khối đá thành từng viên đá ốp lát. Cạnh đó, dây chuyền nghiền đá vật liệu xây dựng chạy ầm ầm, nhả bụi mịt mù. 

Thấy mặt tôi bơ phờ, anh Hùng an ủi: “Yên tâm. Chỗ này còn dễ làm, mỏ đá bên kia vất vả hơn, lên được hang phải trèo dây”, vừa nói anh vừa chỉ tay về chiếc hang trên vách núi kế cạnh.

Đánh lớn bằng mấy tạ mìn

Để lấy được từng khối đá lớn, cùng với đào khoảng 2-3 chiếc hang phía trên, phu đá sẽ đào thêm một hàm ếch phía dưới chân núi và cho mìn nổ đồng thời, lúc này từng khối đá được bóc khỏi núi. 

Tôi đi làm phu đá ảnh 4 Thợ đá chui rúc trong hang chật chội. Ảnh: Q.N
Nhóm phu đá do anh Bùi Văn Hiệp (quê Cẩm Liên, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đứng đầu, chuyên khoan hàm ếch, gồm 6 người. Để đào hàm ếch, các phu đá phải dùng khoan tạo lỗ sau đó cho thuốc nổ để phá đá. Sau buổi sáng, nhóm anh Hiệp khoan được 29 lỗ đặt mìn (mỗi lỗ sâu khoảng 50cm, rộng 3cm). Sau đó, thợ nhồi thuốc nổ (mỗi lỗ khoan 3 – 5 lạng mìn).

Chuẩn bị nổ mìn, tôi cùng những phu đá nấp sau chiếc máy xúc để tránh đá bay phải. Mìn nổ, đá bay rào rào vào chiếc máy xúc. Có những viên to rơi lên mái chiếc máy nghe bôm bốp ngay trên đầu. Sau một lượt nổ mìn, các phu đá lại xách máy lên khoan những lỗ mìn mới.

Độ sâu, rộng của hàm ếch phụ thuộc vào yêu cầu chủ mỏ. Có hàm ếch sâu đến 30m vào lòng núi. Thông thường, khi hàm ếch và hang đá phía trên sâu tương đương nhau, phu đá sẽ nhồi thuốc nổ vào các hang phía trên (mỗi hang khoảng 1 – 2 tạ). 

Việc nổ mìn này thường thực hiện vào buổi tối, khi công nhân đã về nhà. Sức công phá của hàng tạ thuốc nổ khiến từng tảng đá lớn tách khỏi núi. Những khối đá nhỏ hơn bị sức ép bay ra các phía, nếu phu đá nấp chỗ không đủ an toàn thì không mất mạng cũng thương tật.

Thời gian nghỉ trưa của phu đá chỉ khoảng 1 tiếng, nên họ thuê người nấu cơm dưới chân núi. Manh chiếu rách trải vội, niêu cơm, nồi canh, đĩa rau muống luộc, bát thịt kho đậu, đĩa cá khô, thêm bát muối trắng họ tranh thủ nuốt vội cho sớm xong bữa.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, “đội quân” phu đá khu mỏ này (trực tiếp nổ mìn phá đá) khoảng 50 người, chủ yếu là lao động tự do đến từ các huyện như Cẩm Thủy, Như Thanh, Đông Sơn (Thanh Hóa).

Trưởng nhóm nhận khoán với chủ mỏ theo khối lượng sản phẩm, bình quân khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày. Từ khoan đá tới nổ mìn các phu đều tự học của nhau, người đi trước truyền lại người sau, không giấy phép lao động, chứng chỉ… Khi có lực lượng chức năng tới các phu đá tự tìm đường chạy tháo thân. 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG