Tôi đi làm phu đá - Bài cuối: Trách nhiệm, tít mù vòng quanh

Phu đá khoan hàm ếch vào chân núi. Vách đá có thể sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Q.N
Phu đá khoan hàm ếch vào chân núi. Vách đá có thể sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Q.N
TP - Đa số mỏ đá đều sai phạm, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua. Nếu chính quyền có tổ chức hội nghị triển khai quy định về an toàn lao động, mời doanh nghiệp họ cũng không thèm tới.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hà Thị Cớm, Chánh văn phòng Sở LĐ - TB&XH Thanh Hóa cho biết, việc quản lý lao động trong các mỏ đá, Sở đã phân cấp giao cho UBND huyện Yên Định. “Với chức năng quản lý nhà nước, Sở có nhiệm vụ đôn đốc, giám sát huyện thực hiện. Mỗi năm Sở tổ chức thanh tra một lần về các mỏ”. 

Ông Lưu Vũ Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định thừa nhận, việc giám sát hoạt động mỏ đá còn nhiều bất cập. Cấp phép, quản lý khai thác, sử dụng vật liệu nổ do tỉnh cấp phép, quản lý, trong khi huyện và xã cùng giám sát. 

Theo ông Lâm, nhiều doanh nghiệp khai thác đá tại địa phương chưa làm đúng quy trình, như quy định về giám đốc điều hành mỏ, nhiều khi chỉ có tên mà không có người.

“Chúng tôi nhiều lần cho đoàn kiểm tra về hợp đồng lao động, an toàn, vệ sinh môi trường nhưng đến mỏ chỉ có công nhân, đốc công nên không xử lý được. Thậm chí, khi đoàn lập biên bản sai phạm, nhưng không có giám đốc công ty cũng đành chịu”, ông Lâm nói. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, lúc kiểm tra phát hiện việc doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, không đảm bảo an toàn, huyện lập biên bản gửi về chủ tịch huyện ra quyết định xử phạt với mức cao nhất là 20 triệu đồng. 

Tuy nhiên, vị này cho biết thêm, trụ sở của đa số doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn nằm ở TP Thanh Hóa, hằng năm, huyện tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp nhưng mời họ không tới cũng đành chịu.

Ông Lương Đức Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật và An toàn Công nghiệp (Sở Công Thương Thanh Hóa) cho biết, thợ sử dụng vật liệu nổ phải có chứng chỉ, được đào tạo; giám đốc điều hành mỏ phải tốt nghiệp đại học mới được cấp phép khai thác mỏ… 

“Khi chúng tôi kiểm tra, nếu phát hiện doanh nghiệp sử dụng lao động không có chứng chỉ theo quy định sẽ thu hồi giấy phép”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, khi hỏi việc kiểm tra có phát hiện tình trạng sử dụng lao động không bằng cấp, chứng chỉ tại các mỏ đá, xử lý thế nào? Ông Tùng không trả lời vào câu hỏi, cũng không nói có hoặc không. “Đó (dùng lao động không chứng chỉ - PV) là cách làm của một số đối tượng theo kiểu ăn xổi. Nếu bị phát hiện, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm”, ông Tùng nói. 

Về quản lý việc sử dụng vật liệu nổ, ông Tùng nói: Việc giám sát sử dụng vật liệu nổ thuộc về doanh nghiệp và toàn xã hội. Ngoài ra, hiện quy định đã giao cho công an xã giám sát và xử lý việc sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn. 

“Tỉnh không thể kiểm tra gắt gao đến từng mỏ. Cả phòng tôi 5 người, nhưng tỉnh rộng tới 11 nghìn kilômét vuông với hơn 3,8 triệu dân làm sao mà quản lý, theo dõi hết được”, ông Tùng nói. 

Tuy nhiên, ông Đoàn Quang Phi, Trưởng Công an xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) lại nói: Công an xã chỉ quản lý về an ninh trật tự, hành chính, xử phạt đối tượng mang vật liệu nổ ra đường... “Việc quản lý vật liệu nổ công nghiệp trong các mỏ thuộc chức năng của cơ quan cấp trên”, ông Phi nói.

Có chứng chỉ nổ mìn nhưng mù chữ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trịnh Đình Xuân, Giám đốc Cty TNHH Xuân Trường (Yên Định, Thanh Hóa) khẳng định, đội ngũ thợ khai thác mỏ của công ty đều có chứng chỉ khoan nổ mìn đầy đủ. Chỉ huy nổ mìn trong mỏ của công ty là ông Lê Thanh Cường và một kỹ sư mỏ ông Xuân chỉ nhớ tên là Toàn. Khi phóng viên muốn gặp 2 kỹ sư này, ông Xuân nói rằng họ đang đi công tác.

Nói về tai nạn mìn nổ khiến phu đá Đinh Quang Quýnh (quê Như Thanh, Thanh Hóa) tử vong ngày 28/3/2014, ông Xuân cho biết, anh Quýnh nhận hợp đồng khoán việc khoan mỏ cho công ty và có chứng chỉ sử dụng vật liệu nổ. Tuy nhiên, sau đó, ông Xuân “lỡ lời” tiết lộ anh Quýnh là người không biết chữ. 

Để tránh nguy cơ sập mỏ đá, quy định hiện hành yêu cầu đơn vị khai thác phải thực hiện từ trên đỉnh núi xuống. Tuy nhiên, khảo sát thực địa tại các mỏ đá khu vực Yên Định, Ngọc Lặc hầu hết các mỏ đều khai thác từ dưới lên, đào hàm ếch vào chân núi để đánh sập xuống. 

“Nhà nước quy định quy trình thiết kế vậy nên chúng tôi vẫn phải lừa nhà nước. Ban hành thế chứ, làm gì có ai leo trên đỉnh xuống mà cắt được”, ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc Cty TNHH Chế biến Đá tự nhiên Nam Thái Sơn nói. 

Ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở TN&MT Thanh Hóa) cho biết, tháng 7/2013, sở có tổ chức đoàn kiểm tra các mỏ đá tại xã Yên Lâm. Kết quả, có 21/23 đơn vị khai thác không đúng thiết kế, xử phạt mỗi đơn vị 8 triệu đồng, và yêu cầu
khắc phục.   

Những vụ sập mỏ thảm khốc

Năm 2014, xảy ra nhiều vụ sập mỏ đá chết người: mỏ đá Trại Sơn A (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chết 5 người (ngày 1/8); mỏ đá xã Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) chết 2 người (25/6).

Năm 2013, sập mỏ đá xã Đông Quang (Đông Sơn, Thanh Hóa) khiến 3 người chết và 1 người bị thương nặng (ngày 7/6).

Đặc biệt, ngày 1/4/2014, sập mỏ đá Lèn Cờ (Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) xuống khiến 18 người chết, 7 người bị thương.

MỚI - NÓNG