Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng về độc quyền SGK

Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng về độc quyền SGK
"Nếu ở cương vị Bộ trưởng Giáo dục, tôi dứt khoát xoá bỏ độc quyền, mở rộng đấu thầu in ấn sách giáo khoa. Việc Bộ muốn giữ độc quyền cho NXB Giáo dục chẳng qua cũng chỉ vì lợi ích, đâu phải vì học sinh". Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng cho biết.
Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng về độc quyền SGK ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Dũng. Ảnh: VnExpress.

Thủ tướng vừa chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ sự độc quyền của NXB Giáo dục. Theo ông, sự độc quyền của NXB Giáo dục trong thời gian qua có ảnh hưởng như thế nào tới quyền lợi của phụ huynh học sinh?

Tại các kỳ họp trước của QH, tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề sách giáo khoa. Việc in ấn sách hiện nay là sự đầu cơ công cụ giáo dục. Đằng sau đó là sự độc quyền. Mỗi năm QH phải duyệt chi đổi mới sách giáo khoa hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền mà xã hội chi để mua sách cũng tương đương như vậy.

Đầu tư lớn, nhưng sách giáo khoa vẫn sai sót nhiều. Hiện nay, sách in cả phần bài tập, học sinh làm luôn bài vào sách nên học sinh lớp sau không dùng được sách của lớp trước. Năm nào các em cũng phải mua sách mới. Đấy là cách làm của nhà kinh doanh luôn mong làm sao kiếm được tiền. Tôi gọi điều đó là thương mại hóa giáo dục..

Cũng có ý kiến cho rằng, giao việc in ấn sách giáo khoa cho NXB Giáo dục (cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT) để đảm bảo tính chuẩn mực. Ông nghĩ sao?

Đó chỉ là sự ngụy biện của ngành giáo dục. Tính chuẩn mực phụ thuộc vào phần biên soạn sách. Còn chuyện in ấn thì có thể đấu thầu. Không nhất thiết cứ phải NXB Giáo dục mới in được đúng như bản thảo. Tôi cho rằng, lý lẽ trên để kéo tất cả sự độc quyền về cho NXB Giáo dục.

Thời gian qua, NXB Giáo dục còn in hàng loạt sách tham khảo để bán. Tất cả những cái đó đều là lợi ích kinh doanh cả.

Đại biểu QH Nguyễn Bá Thanh: QH nên ra Nghị quyết chống độc quyền sách giáo khoa

Tôi đề nghị QH lần này nên ra một Nghị quyết về việc biên soạn và in ấn sách giáo khoa. Vấn đề độc quyền sách giáo khoa kéo dài đã được xã hội nói nhiều, kỳ họp QH nào cũng nêu đi nêu lại mà chưa thấy sửa.

Nếu lần này QH có nghị quyết về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh chống độc quyền trong in và xuất bản sách giáo khoa thì sẽ có lợi hơn cho xã hội.

Nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế là sách giáo khoa hiện nay giá không cao, thậm chí là khá thấp so với các loại sách khác bán trên thị trường (có cùng số trang, chất lượng giấy). Ông giải thích thế nào?

Nếu đấu thầu thì giá sách giáo khoa có thể còn giảm nữa. Một cuốn sách NXB Giáo dục in giá 5.000 đồng thì các NXB khác có thể lấy giá 4.000 đồng, dù số lượng ấn bản như nhau.

Còn nếu NXB Giáo dục vẫn độc quyền thì họ đưa giá bao nhiêu thì người dân cũng phải chấp nhận. Họ không biết được giá sách còn giảm được nữa không.

Có ý kiến cho rằng, NXB Giáo dục là doanh nghiệp nhà nước, phần lợi nhuận in ấn sách thuộc về nhà nước. Nếu xã hội hóa thì doanh thu lại rơi vào các doanh nghiệp tư nhân?

NXB nào cũng vậy, tất cả đều làm gia công. NXB Giáo dục cũng phải nộp thuế, phần lãi còn lại cũng chia nhau. Cách làm của chúng ta lỏng lẻo nên người ta cứ muốn ôm lấy độc quyền để chia nhau lợi ích.

Nếu ở cương vị Bộ trưởng GD&ĐT thì tôi dứt khoát sẽ không cho làm điều đó. Tôi sẽ mở rộng đấu thầu để nâng cao cạnh tranh. Tăng cường công tác quản lý chương trình cũng như hoạt động của các cơ quan trực thuộc. Điều đó sẽ khắc phục được những tiêu cực.

Theo quan điểm của ông, tại thời điểm hiện nay, nên giải bài toán in ấn sách giáo khoa như thế nào để vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo quyền lợi của phụ huynh, học sinh?

Tất cả độc quyền đều sinh ra cửa quyền. Theo quan điểm của tôi, đã đến lúc xoá độc quyền, cho đấu thầu rộng rãi. NXB nào in ấn theo yêu cầu đó mà giá thành rẻ hơn sẽ trúng thầu. Tất nhiên chương trình chuẩn thì do Hội đồng biên soạn sách giáo khoa duyệt và không nên thay đổi chương trình theo từng năm một.

Tại kỳ họp này, nếu có cơ hội chất vấn hoặc phát biểu ý kiến xung quanh vấn đề sách giáo khoa thì ông sẽ nói gì?

Tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và đề nghị ông ấy làm ngay 3 việc. Một là, phải tăng cường chỉ đạo để đưa sách giáo khoa về đúng chuẩn. Đó là cái cốt lõi nhất của giáo dục.

Hai là, lượng kiến thức phải phù hợp với trí tuệ và sức khỏe của học sinh.

Ba là, nên mở rộng cơ chế phát hành, in ấn để nhiều người có thể tham gia vào cạnh tranh.

Theo Việt Anh
VnExpress

MỚI - NÓNG