Tôn vinh những người dám nghĩ dám làm

Tôn vinh những người dám nghĩ dám làm
Tối 1/5, tại Hà Nội, chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ IV tôn vinh các anh hùng, các gương điển hình tiên tiến thời kỳ Đổi mới đã thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo khán, thính giả cả nước.
Tôn vinh những người dám nghĩ dám làm ảnh 1

Các anh hùng lao động thời kỳ đổi mới được tôn vinh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ IV. (VietnamNet)

Trong chương trình này, công chúng cả nước được gặp gỡ, giao lưu với 6 cá nhân là các Anh hùng và điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội .

Tham gia chương trình, chị Nguyễn Thị Nguyệt, kỹ sư Công ty chế tạo máy, thiết bị điện Đông Anh đã thu phục khán giả bằng những công trình nghiên cứu phục vụ ngành điện. 

Được mệnh danh là người phụ nữ vàng của ngành điện, chị và các đồng nghiệp chế tạo thành công máy biến áp 125 MVA-220KV trị giá hàng triệu đôla. Với công trình này, chị đã được nhận giải thưởng trí tuệ thế giới WIPO.

"Vinh quang Việt Nam" IV được thực hiện với sự phối hợp của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Công ty Hữu nghị Á Châu.

Tại chương trình, Công đoàn Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ủng hộ 1,1 tỷ đồng, Tổng Công ty thép Việt Nam ủng hộ 650 triệu đồng, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội ủng hộ 300 triệu đồng.

Cùng được tôn vinh trong chương trình còn có ông Nguyễn Văn Dự, đội trưởng đội Lò Chợ, Mỏ than Hà Lầm (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam). Ông Dự là công nhân khai thác than trực tiếp duy nhất cho đến nay của ngành than được nhận được danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.

Những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, tháo gỡ ở bất kỳ nơi nào trong mạng đường lò chằng chịt này, thì ở đó có anh. Ý chí và nghị lực của đội trường Dự thực sự là chỗ dựa tin cậy cho anh em công nhân. Đến nay, người thợ lò Nguyễn Văn Dự đã có tròn 30 năm gắn bó với hầm mỏ.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Tổng giám đốc Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn không phải là một bác sĩ nhưng ý tưởng thành lập bệnh viện phụ sản tư nhân nảy ra trong một lần ông đưa vợ đi sinh nở, khi thấy được sự quá tải ở bệnh viện công.

Thành lập năm 2000,  ông đã cùng với tập thể y bác sỹ xây dựng mô hình bệnh viện khách sạn với vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng và hoàn toàn bằng vốn trong nước. Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Một mô hình mới trong điều hành hoạt động bệnh viện, với phong cách và thái độ phục vụ vì người bệnh của các y bác sĩ ở đây, đã góp phần mang lại hạnh phúc cho rất nhiều gia đình.

Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ, giao lưu với Giáo sư, tiến sỹ Bùi Chí Bửu, một trong những người đầu tiên gây dựng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đưa cây lúa Việt Nam vươn cao về năng suất, phẩm chất, và mau chóng đến với thị trường các nước.

Ông Trần Hồng Quảng, thương binh nặng1/4, đến từ quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã tâm sự về quá trình thành lập xí nghiệp tập thể Thương binh Quang Minh. Năng động trên thương trường, sâu nặng nghĩa tình với đồng đội, Giám đốc Trần Hồng Quảng đã giúp họ vượt lên thương tật, đóng góp trí tuệ và sức lực vì sự phát triển của đất nước.

Đến từ thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), anh Nguyễn Chí Công, chủ trang trại nuôi lợn gây ấn tượng cho đông đảo công chúng bằng một chi tiết khá thú vị: cho lợn thưởng thức âm nhạc, đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Giải pháp chăn nuôi tiên tiến đang được anh áp dụng: chuồng nuôi trên lồng sắt, một hệ thống ăn uống tự động cho lợn, hoạt động của hệ thống làm mát...

Nhưng câu chuyện thành công nhất của người chủ trại lợn này là khi anh mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong chăn nuôi, trở thành người đầu tiên ở Việt Nam mở ra một phương thức chăn nuôi mới có hiệu quả.

 TTXVN

MỚI - NÓNG