Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải có cơ chế trị tận gốc tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải có cơ chế trị tận gốc tham nhũng
TP - Ngày 6/12, tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII tại quận Tây Hồ, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tham nhũng đang diễn ra rất trắng trợn, nhưng sẽ có cơ chế để trị tận gốc quốc nạn này.

> Quốc hội yêu cầu rà soát quy trình xả lũ, án oan sai
> Phải xử lý hình sự gian lận khai khoáng

Việc xét xử tham nhũng đang diễn ra rất nhanh

Các cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng tình hình tham nhũng khiến dân rất lo lắng, có những vụ việc để kéo dài quá lâu, xét xử còn nhẹ ở mức phê phán, nhắc nhở. Các cử tri cũng cho rằng việc kê khai tài sản phải thực chất hơn. “Thậm chí người về hưu cũng phải kê khai tài sản, không để sau khi hạ cánh an toàn rồi về làm nhà rất to, làm cái nọ cái kia khiến dư luận hỏi nhau tiền ở đâu ra mà làm thế?”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vấn đề chống tham nhũng là vấn đề hết sức nhức nhối. Đảng và Nhà nước đã làm hết sức hết lòng với quyết tâm rất cao, với nhiều biện pháp để phòng chống. Từ luật pháp, từ cơ chế chính sách, quy định đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm người đứng đầu, thành lập ban Nội chính... Mặc dù đã đẩy lui được phần nào tham nhũng nhưng rõ ràng vẫn còn rất nhức nhối.

 Bây giờ, chúng ta đang chỉ đạo Chính phủ cụ thể hóa và làm tốt khâu kê khai tài sản. Vừa rồi kê khai nhưng người ta cho rằng rất hình thức, không minh bạch, khai thế mà trên thực tế không phải thế 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Nhức nhối ở hai điểm. Có nhiều vụ án lớn phức tạp, nhưng phát hiện chậm, xử lý kéo dài, cũng có trường hợp xử đầu voi đuôi chuột. Ở một cực khác phần đông diễn ra dưới cơ sở, mà các cụ các bác đã nói như ngứa ghẻ rất khó chịu, cứ ra tới phường, tới xã là đòi hỏi bôi trơn, lót tay, nếu không thì không được việc, rất trắng trợn. Đó là một thực tế”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư khẳng định ở thời nào cũng thế, còn quyền lực là còn tham nhũng. Chỉ có ít hay nhiều, trắng trợn hay ngấm ngầm. Tham nhũng của chúng ta khó chịu là nó khá phổ biến. “Tham nhũng thành đường dây, nó có tổ chức chứ không phải từng người ăn mảnh một mình. Chúng tôi nói là lợi ích nhóm, chúng cấu kết với nhau. Cho nên rất khó. Nên phải có cơ chế trị tận gốc”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư khẳng định dư luận rất bức xúc, Quốc hội cũng không hài lòng, dù chưa được như mong muốn nhưng phải kiên trì làm, quyết tâm làm.

Tổng Bí thư cho biết xung quanh việc phòng tham nhũng, tốt nhất là để nó đừng xảy ra. Phòng trước, ngăn chặn trước, răn đe trước. Chính sách bố trí cán bộ, các cơ quan kiểm tra, thanh tra thường xuyên để không dám tham nhũng, không thể tham nhũng.

“Bây giờ, chúng ta đang chỉ đạo Chính phủ cụ thể hóa và làm tốt khâu kê khai tài sản. Vừa rồi kê khai nhưng người ta cho rằng rất hình thức, không minh bạch, khai thế mà trên thực tế không phải thế”, Tổng Bí thư cho biết.

Còn về chống, lâu nay chúng ta vẫn không hài lòng vì khâu xét xử không nghiêm, làm chậm. Vừa rồi, sau một năm hoạt động, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng (PCTN) cũng đang hoạt động quyết liệt làm với tinh thần là nói ít hơn làm.

Gần đây nhất, trong khi Quốc hội đang họp đã xử hai vụ án tham nhũng, có một vụ án mà hai án tử hình. Thống kê cho thấy từ khi chúng ta xử án tham nhũng tới nay cũng chưa có vụ nào xử nặng thế. Sắp tới sẽ xử các vụ lớn như Bầu Kiên, Dương Chí Dũng...

Thông báo về kết quả của 7 đoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư Phòng chống tham nhũng đi kiểm tra 11 địa phương, 4 cơ quan T.Ư (kiểm tra chính các cơ quan đi làm nhiệm vụ chống tham nhũng), Tổng Bí thư cho biết đã phát hiện thêm các vụ tham nhũng. Sang năm sẽ đưa vào diện Ban chỉ đạo T.Ư PCTN trực tiếp chỉ đạo hơn mười vụ. Bên cạnh đó, giao cho Ban Nội chính T.Ư khoảng 14 đến 15 vụ, giao các địa phương 41 vụ tham nhũng trọng điểm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định thời gian vừa qua, việc xét xử tham nhũng đang diễn ra rất nhanh, vừa khởi tố tháng 5 năm ngoái thì tháng 12 năm nay đã xử. Trước kia có những vụ phải 5 đến 6 năm mới xử. Mức án xử nghiêm, vận dụng khung hình phạt cao nhất đối với tội tham nhũng, cao nhất là tử hình, 20, 30 năm tù. Chúng ta cũng chỉ đạo các tòa án tất cả các cấp hạn chế tối đa vận dụng cho hưởng án treo, kiểm điểm hành chính.

Đại từ “tôi” và trách nhiệm cá nhân

Cử tri Nguyễn Kim Thành nhận xét chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội cho thấy trách nhiệm cá nhân chưa thể hiện đúng mức vì “không thấy người trả lời dùng từ “tôi” mà dùng Chính phủ, bộ, ngành, chúng tôi”. Theo cử tri, khi chưa nhận rõ trách nhiệm, chưa mạnh dạn dùng từ tôi thì tình hình sẽ còn muôn vàn phức tạp.

Về trách nhiệm cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đã có nhiều cơ chế quy trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt thì khen, làm dở thì phạt. Trên tinh thần trách nhiệm cá nhân cho rõ ràng, tránh tình trạng công thì nhận về mình, còn trách nhiệm thì của tập thể.

Tổng Bí thư chia sẻ vấn đề giải quyết khiếu kiện là vấn đề bức xúc, dai dẳng. Người đi khiếu kiện cũng không thích thú gì khi đi khiếu kiện. Nhưng phải oan ức gì, có việc làm không đúng của chính quyền bà con mới bức xúc đi khiếu kiện. Tất nhiên có những việc giải quyết được ngay, cũng có những việc rất khó. Đảng và Nhà nước cũng rất cố gắng hết sức tìm mọi cách để giải quyết, thay đổi luật, cơ chế chính sách. Các bộ phận tiếp dân của T.Ư Đảng, của Chính phủ, của VPQH cũng đang hoạt động tích cực.

Đánh giá về kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư khẳng định đây là kỳ họp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong một tháng đã giải quyết những công việc rất lớn, quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đó là thông qua Hiến pháp, Luật Đất đai. “Kỳ họp vừa qua, dù khó tính nhất cũng phải thừa nhận thành công tốt đẹp”, Tổng Bí thư nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG