‘Tổng Công ty Đường sắt xem thường lợi ích Nhà nước’

Lô đất vàng 80 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Lô đất vàng 80 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
TPO - Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện hoạt động tại Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Kết luận chỉ ra hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng tại tổng công ty này trong những năm qua.

Định bán đất vàng với giá rẻ

Việc quản lý sử dụng hai lô đất vào diện đắc địa ở Thủ đô hiện nay (80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu) là một trong những nội dung quan trọng được Thanh tra Chính phủ làm rõ.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, thời điểm tháng 1/2013, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng 2 thửa đất này. Về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước và chưa có thủ tục thuê lại, thửa đất 22 Phan Bội Châu còn thời hạn thuê 2,5 năm.

Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, ĐSVN có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Đối tác được lựa chọn là Công ty TNHH MTV Hà Thành và đã được sự thống nhất của Bộ GTVT để xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết ĐSVN không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Đồng thời, thuê thẩm định giá, đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỉ đồng thiếu cơ sở, trong khi ĐSVN thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỉ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, 6 tháng cuối năm doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỉ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ĐSVN quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu, có giá trị trên thị trường là rất lớn. Bản chất là ĐSVN kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác.

“Do đó phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất. Tuy nhiên, ĐSVN đã thực hiện thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. Đối tác được lựa chọn chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn” – Thanh tra Chính phủ xác định.

Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, ĐSVN đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá. Đến nay Dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì ĐSVN đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của ĐSVN trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27.9.2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015 (chấm dứt việc đầu tư ngoài ngành).

Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ kết luận: “Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đầu thầu” .

Mua vật tư giá cao bất thường, thừa năng lực vẫn đầu tư

Sai phạm tại nhiều dự án, kế hoạch đầu tư khác cũng đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ cho thấy sự trì trệ trong hoạt động của ĐSVN trong những năm qua.

Đơn cử, ĐSVN mua gần 8.000 thanh ray của Áo với giá “cao bất thường” (từ dùng trong kết luận thanh tra). Cụ thể, giá ray Áo được mua với giá hơn 34 triệu đồng/tấn; trong khi ray cùng loại của Nga chỉ có giá hơn 26 triệu, ray Trung Quốc là hơn 24 triệu đồng/tấn gây thất thoát hàng tỷ đồng. Số ray Áo này được bán lại cho các công ty con không qua đấu thầu trái quy định.

‘Tổng Công ty Đường sắt xem thường lợi ích Nhà nước’ ảnh 1

Dù là doanh nghiệp chủ đạo của ngành đường sắt, được kỳ vọng và có một số nỗ lực nhưng ĐSVN vẫn chưa thoát ra khỏi trì trệ, có nhiều sai phạm mang tính chủ quan.

Một trường hợp khác cho thấy cách điều hành mang dáng dấp của “ngành đường sắt” chưa được thay đổi là dự án đóng mới 300 đầu máy toa xe. Theo đó, Cty Đầu máy Tư Dương (của Trung Quốc) được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp (với giá trị 14,5 triệu USD) nhưng không có kế hoạch đấu thầu.

Sự lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước được chỉ ra ở dự án đầu tư, lắp ráp hệ thống thông tin. Theo đó, hệ thống cáp thông tin được Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc bàn giao cho đường sắt Việt Nam dư thừa sử dụng (công ty này đã cho thuê 8/12 sợi quang dọc tuyến bắc Nam). Tuy nhiên, ĐSVN vẫn quyết đầu tư lắp mới 12 cáp quang treo đoạn Vinh – Nha Trang, vượt 7 lần nhu cầu thực tế.

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Tổng Cty ĐSVN và các cơ quan đơn vị tập trung xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm. 

MỚI - NÓNG