Lần ấy, quốc khách Việt - Bài cuối:

Tổng thống George W. Bush đi cầu nguyện và gặp lại cây đàn bầu

Tổng thống Mỹ G.Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 11/2006. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tổng thống Mỹ G.Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 11/2006. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - 2006 có thể nói là năm ngoại giao hanh thông. APEC-14,  Diễn đàn hội tụ nền kinh tế 21 quốc gia Á Âu đã khai mạc tại Hà Nội chỉ vài ngày sau khi WTO chính thức đồng ý kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 150, trùng hợp với thời điểm đánh dấu 20 năm Đổi mới.

Hàng ngàn đại biểu đến dự hội nghị quốc tế lớn nhất mà Việt Nam tổ chức. Các nguyên thủ Tổng thống Mỹ George W. Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Vladimir Putin thuộc trong số các lãnh đạo quốc tế đã đặt chân đến Việt Nam. Riêng Tổng thống Mỹ George W. Bush nhân dự APEC kiêm luôn việc thăm chính thức hữu nghị Việt Nam.

Mỗi lần đón khách trọng, những đoàn lớn hình như ta học được lắm cái hay? Ngoài việc bồi bổ kinh nghiệm lễ tân ra còn nhiều thứ khác. Như cái tin do ông cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, Stephen Hadley hé trước với các nhà báo rằng, ông Bush “sẽ dự một buổi lễ ở nhà thờ” tại Hà Nội khi ông đến Việt Nam dự hội nghị APEC.

“Buổi lễ sẽ bao gồm cả các tín đồ Công giáo La Mã và Tin Lành”. Rồi hãng tin BBC cùng lấp lửng rằng, địa điểm cầu nguyện có thể là nhà thờ Tin Lành duy nhất ở Hà Nội ở số 2 Ngõ Trạm.

Những tin ấy loang ra trước những gần nửa tháng. Bữa ấy nhăm nhăm tắt qua chợ Hàng Da để đến nhà thờ Tin Lành số 2 Ngõ Trạm. Bao năm tá túc ở Hà thành là thế nay mới biết cái con phố ngắn tủn chỉ hơn 200m có nhà thờ Tin Lành là trụ sở Hội Thánh Tin Lành miền Bắc. Phố ấy thời Pháp mang tên một ông cố đạo tên là Bounet. Mà tịnh chẳng thấy việc sửa sang hay chuẩn bị cho một cuộc đón quốc khách? Lại bất ngờ đụng nhau thân ái với một nhóm an ninh chỗ quen biết. Được biết, họ cũng chỉ đáo qua Ngõ Trạm mà động thái ấy chỉ nằm trong vô vàn những việc không tên của cái tên chung là chuẩn bị hậu cần!

Bên quán nước bên hông chợ Hàng Da, ngồi chuyện với M. trưởng nhóm, thấy lạ. Cứ như chỗ tôi biết thì anh này vốn ít ngó ngàng chuyện sách vở này nọ. Gia đình lại không có ai theo tôn giáo nào ấy thế mà biết ông Tổng thống Bush theo đạo Tin Lành. Lại vanh vách đạo Tin Lành và Thiên Chúa giáo y sì nhau nhưng khác nhau mỗi một điểm bé tẹo. Mà điểm bé tẹo ấy như cách nói của M. rằng Tin Lành hoành tráng (!?) hơn đạo Thiên Chúa bởi con chiên được cứu rỗi hoàn toàn nếu có đức tin chứ không như bên Thiên Chúa, con chiên phải có sự góp phần công đức của người đó. Chính vì là một tín đồ Tin Lành chính hiệu nên ông Bush từng thẳng băng trong một lần trả lời phỏng vấn với câu hỏi rằng chính khách hay nhà tư tưởng nào có ảnh hưởng lớn nhất đối với ngài? Thì ông nói ngay, chỉ có Đức chúa  Trời!

Không biết M. trúng trúng trật trật tới đâu nhưng thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên lẫn khen ngợi thì M. cười thành thực rằng là cả tuần nay đơn vị anh được học vấn đề này rất kỹ!

Công sức học hành tìm hiểu của anh bạn an ninh M. tiếc hơi bị uổng. Vì đùng cái ông Tổng thống Bush không đến trụ sở Tin Lành số 2 Ngõ Trạm mà tới Nhà thờ Thiên Chúa giáo Cửa Bắc.

May vị linh mục nhà thờ Cửa Bắc là chỗ thân thiết với Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang, Giám mục địa phận Thái Bình, tôi đã gặp cũng như viết bài về ngài. Mà cha Nguyễn Quốc Khánh - Linh mục ở nhà thờ Cửa Bắc - vốn là học trò của  Đức Giám mục Sang. Giám mục nói sẽ điện cho cha Khánh và việc đến thăm cha xin cứ tự nhiên, chớ ngại!

Bữa ấy đến nhà thờ Cửa Bắc đã thấy mấy cái xe mang biển APEC đậu ở sân. Băng qua khuôn viên nhà thờ rộng thênh bước vào khu vực giáo đường đã thấy một tốp người Tây lẫn ta.

Bõ nhà thờ cho tôi biết là người của bề trên về để coi xét việc mai kia vợ chồng ông Tổng thống Mỹ đến đây dâng lễ.

… Ngồi hầu chuyện cha Khánh cứ dài mãi ra về lịch sử nhà thờ Cửa Bắc.

Nhà thờ được dựng năm 1927. Toàn bộ hồ sơ thiết kế đang lưu tại nhà MEP (dòng Thừa sai) bên Paris. Nhà thờ được xây để tưởng niệm một cố bị chặt đầu do chính sách cấm đạo từ thời Tự Đức. Nhà thờ có tên là Nữ Vương các thánh sau này gọi tắt là nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội. Nhà thờ do kiến trúc sư tài năng tên là Paxkier. Ngoài Cửa Bắc, cùng thời điểm, Paxkier còn thiết kế khu nhà của Bộ Tài chính tức Bộ Ngoại giao bây giờ cùng với Bảo tàng Lịch sử ngày nay.

Mấy năm nay nhà thờ cũng như giáo xứ Cửa Bắc thêm phấn khởi là Nhà nước đã cho nhượng phần đất trong khuôn viên nhà thờ trước đây làm nhà mẫu giáo để nhà thờ xây nhà Giuse lấy địa điểm này dùng làm nơi bồi bổ giáo lý cho giáo xứ...

Nhà thờ Cửa Bắc, sáng 19/11/2006 các hàng ghế trong giáo đường đã đông chật các tín hữu Thiên Chúa giáo lẫn đạo Tin Lành. Họ tề tựu đông đủ từ 6 giờ sáng. Ngoài cha xứ Nguyễn Quốc Khánh, còn có Đức Giám mục Ngô Quang Kiệt thay mặt cho Giáo hội Công giáo Việt Nam và Mục sư Huyến - Đại diện cho Giáo hội Tin Lành.

Đúng 7 giờ 40, Tổng thống Mỹ G.W.Bush trong sắc phục màu xám sáng, cà vạt nâu đỏ cùng phu nhân nền nã trong bộ đồ màu tro xuất hiện và ngồi vào ghế phía trước. Không một lời giới thiệu lẫn thủ tục đón rước nào ngoài cái bắt tay của Tổng thống với hai đại diện của hai tôn giáo Việt Nam.

Thoáng nhanh ý nghĩ, hồi năm ngoái trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải được cận gần ngài ở cái phòng có lò sưởi Tổng thống tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải, năm nay sắc diện ngài vẻ tốt tướng hơn? 

Âm thanh của kinh nguyện thoát ra từ lồng ngực của mấy trăm con chiên làm hàng chữ tít trên trần vòm giáo đường cao vòi vọi dường như cũng rung rinh? Regina-Martyrum-Ora-Pro-Nobis (bữa trước cha Khánh có giải thích đại để nghĩa của dòng chữ là Kính Nữ Vương các Thánh, hãy cho chúng con bình an).

Sau này mới biết chưa có tiền lệ ở Việt Nam chiên Tin Lành và Kito lại ngồi chung với nhau mà cầu nguyện như thế?  Sự mến và chiều khách của người Việt mình hơi bị hay?

Gần một năm sau, trong chuyến thăm Mỹ tháng 6/2007, Chủ tịch nước đã quyết định tặng ông Bush chiếc đàn bầu. Khi nghe lễ tân tiết lộ chuyện đó, ông Bush đã phá thông lệ ngoại giao thông thường của Nhà Trắng (không công bố công khai món quà tặng)

Tôi chợt nhớ câu chuyện của cha Khánh bữa trước là ông Bush theo đạo Tin Lành. Mà Tin Lành có đâu như hơn hai trăm dòng. Dòng của ông Bush thuộc Baptis chi đó có nhiều lời răn lẫn kinh kệ dùng chung với Kito giáo.  Từng nghe, ông Bush vốn là người mộ đạo. Viên Thư ký Nhà Trắng bao giờ cũng phải ghi cái câu cuối cùng trong tất tật những  bài diễn văn của ông là Xin Chúa chúc lành cho nước Mỹ!

Không hẹn mà nên, đây là cơ hội hiếm có để hai tôn giáo chung một đức tin ngay tại nhà thờ Cửa Bắc? Giai điệu bài kinh Xin cho con biết lắng nghe dậy lên trầm ấm... Xin cho con biết lắng nghe? Ca từ bài kinh đã hàm súc nhưng độc đáo có lẽ là thông điệp nhân văn chung cho cả Đạo và Đời?

30 phút cầu kinh chung ở một nhà thờ bình yên như Cửa Bắc mà ông Bush đã cùng nước Mỹ mất đứt gần nửa thế kỷ để đến đây! Trước khi ra xe, ông cùng bà Laura vừa thong thả theo chân một linh mục vừa khẽ cúi đầu chào những người dự lễ.

Hiện diện của Tổng thống G. Bush cùng phu nhân  là quốc khách Việt trong chuyến thăm chính thức vừa là khách trọng của APEC-14 có nhiều chuyện ấn tượng mà truyền thông trong, ngoài nước đã phản ánh.  Và không ít những chuyện ngoài lề người ta truyền tai nhau cứ như giai thoại. Chuyện con xe Cadillac khủng mang từ Mỹ sang dành riêng cho Tổng thống trong thời gian thăm Việt Nam và dự APEC chẳng hạn. Công năng hiện đại tiện ích vô số nhưng cũng rườm rà nhiêu khê. Mỗi khi xe chở nguyên thủ tới vị trí danh dự ở trước Hội trường nhà họp quốc gia Mỹ Đình thì nhân viên cảnh vệ tiến tới mở cửa mời khách. Nhưng riêng cái cánh cửa chiếc Cadillac của Tổng thống Bush cảnh vệ vừa rờ vào còi hụ trên xe đã rú ầm ĩ. Sau mới biết chỉ có thiết bị đặc biệt do nhân viên an ninh đặc biệt tháp tùng Tổng thống mới sử dụng được mà thôi!

Rồi cả chuyện Tổng thống Bush cầu kỳ cẩn thận yêu cầu đổi bộ đồng phục APEC của nước chủ nhà chuẩn bị cho các nguyên thủ. Hình ảnh truyền thông từng ghi lại Tổng thống Bush xúng xính khá vừa vặn bộ đồng phục APEC cổ tròn bên cạnh Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và các nguyên thủ.

Và đêm chiêu đãi của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân với các phu nhân phu quân 21 nguyên thủ quốc gia có tiết mục đàn bầu. Nghệ sĩ chơi đàn đêm ấy tôi quên tên nhưng khá xuất sắc.  Và ít ai biết đó là lần đầu ông Bush thưởng thức một chương trình đàn bầu trọn vẹn.  Ông chăm chú và từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi cây đàn có một dây mà réo rắt bay bổng từ giai điệu của các bài dân ca Mỹ, các bản nhạc tango, nhạc Mỹ Latinh, nhạc châu Âu cổ điển…

Bất đồ ông đứng dậy xăm xăm đi lên sân khấu. Tưởng ông lên tặng hoa nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng không. Ông hỏi han nghệ sĩ gì đó làm lễ tân phải lật đật xúm lại. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng phải vội lên theo.

Thì ra ông Bush sau một lúc hỏi han về cây đàn đã đòi… chơi đàn bầu. Những âm thanh bật bông đã làm thực khách đêm tiệc ngỡ ngàng thích thú. Những cung bậc cười vui vẻ khi ông lớn giọng:  “Làm sao tôi có được cây đàn bầu này?”. 

Cũng chưa rõ vì sao sau thời điểm ấy ông Bush lại chưa có ngay cây đàn bầu?

Còn chuyện này tôi nghe trực tiếp ông Hùng Dũng ở Liên đoàn bóng đá kể cho nghe.

Gần một năm sau, trong chuyến thăm Mỹ tháng 6/2007,  Chủ tịch nước đã quyết định tặng ông Bush chiếc đàn bầu. Khi nghe lễ tân tiết lộ chuyện đó, ông Bush đã phá thông lệ ngoại giao thông thường của Nhà Trắng (không công bố công khai món quà tặng) và đề nghị xem ngay món quà.

Ông Bush đến bên cây đàn và cố nhớ lại lần chơi thử… Nhưng ông đã quên nên có động thái cầm đàn bầu đứng lên và… kéo như cây cello. Sau khi được hướng dẫn và trực tiếp thưởng thức tài nghệ của nghệ sĩ Việt, ông Bush vui lắm. Bất ngờ ông tuyên bố phải học đàn và nghiêm chỉnh đề nghị  xin Việt Nam cử chuyên gia sang để giúp ông học đàn bầu.

Hồi mới nghe chuyện ông Hùng Dũng, định bụng lúc nào rảnh đánh bạo hỏi bên Bộ văn hóa xem việc này được thực hiện chưa?

Nhưng bẵng quên đến bây giờ.

MỚI - NÓNG