Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc: Trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
TPO - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, khi làm luật, Quốc hội không chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng.

Phát huy tính tranh luận

Tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp chiều 21/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về những điểm nổi bật, thành công nhất tại phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua khối lượng công việc rất lớn. Quốc hội lần này cũng tạo ra một không khí dân chủ, đổi mới, dần chuyển từ phát biểu sang tranh luận.

Tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội đã tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ với thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận với các đại biểu với nhau. Điều này sẽ làm rõ hơn vấn đề tranh luận, giúp đại biểu hiểu sâu hơn vấn đề. Theo ông Phúc, không khí tranh luận sôi nổi này cần phát huy cho các kỳ họp sau.

Cùng với đó, ông Phúc cũng cho rằng, việc điều hành linh hoạt của chủ tọa, căn cứ vào thời lượng, khối lượng, chủ tọa đã kéo dài thêm thời gian, ví dụ phiên họp về kinh tế xã hội, Quốc hội đã tăng thêm 1,5 giờ và kéo dài đến 18 giờ 30 phút mới kết thúc, từ đó đã có thêm 15 đại biểu được phát biểu.

“Đây là lần đầu tiên có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu tại một phiên họp. Việc tăng thời gian cũng góp phần để đại biểu phát biểu nhiều hơn”, ông Phúc cho hay.

Đặc biệt đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trước cũng chỉ có 2,5 ngày thì tại kỳ họp này đã tăng thêm 0,5 ngày. Nhưng thời gian tăng lên để dành cho người hỏi và người trả lời, còn số lượng chất vấn vẫn giữ nguyên với 4 thành viên Chính phủ trả lời chính như trước đây. Cũng theo ông Phúc, việc đổi mới này cần phải phát huy cho các kỳ họp sau.

Luật Quy hoạch “còn nhiều vấn đề”

Trả lời câu hỏi xoay quanh việc gác lại dự thảo Luật Quy hoạch, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Quy hoạch vẫn còn nhiều vấn đề. Luật này mang tính tổng thể quốc gia, liên quan đến 45, thậm chí 95 luật tất cả. Nếu đến năm 2019 luật bắt đầu có hiệu lực, thì trong vòng một năm, có kịp để sửa được các luật liên quan?

Chính vì vậy, Quốc hội đã chưa vội thông qua, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự án để bảo đảm chất lượng, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau. Tương tự đối với Luật Tố cáo sửa đổi cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã quyết định kéo dài sang kỳ thứ 3, giao Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn.

 “Khi làm luật, chúng ta không chạy theo số lượng mà phải chú trọng chất lượng”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc đính chính một nội dung liên quan đến Luật Cảnh vệ vừa được thông qua, Tổng thư ký cho biết, đây là sai sót trong quá trình in nên xảy ra nhầm lẫn. Tuy nhiên, nội dung đính chính đã được gửi đến từng đại biểu Quốc hội trước khi ấn nút thông qua dự thảo luật, nên không ảnh hưởng gì đến chất lượng, nội dung.

MỚI - NÓNG