TPHCM còn quá nhiều lực cản:

Đầu tàu... mắc kẹt

TP - Liên kết vùng lỏng lẻo, nguồn lực phân tán, mạnh ai nấy làm, hạ tầng giao thông chưa kết nối và thiếu đồng bộ… đang thách thức vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hạt nhân của vùng là đầu tàu kinh tế TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2014 cao hơn cả nước 1,5 lần. Tuy nhiên, giữa các địa phương chưa có sự phân công cụ thể, chưa có cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vùng KTTĐPN có vị trí đặc biệt quan trọng với khối lượng vận tải hành khách chiếm 20%, vận tải hàng hóa chiếm 30% và xuất nhập khẩu chiếm 60-70% so với cả nước. 

Những năm qua, Trung ương và các địa phương đã quan tâm đầu tư hạ tầng, nâng cấp cải tạo một số tuyến quốc lộ cũng như đầu tư làm đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. “Vùng chỉ mới có 91 km đường cao tốc so với 763 km cao tốc cả nước là quá ít. Trách nhiệm này là của Bộ GTVT”, ông Đông thừa nhận.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ ra hàng loạt bất cập như quy hoạch đường sắt đã có nhưng chưa làm, chỉ có một tuyến metro (tuyến số 1) đang thi công. Các tuyến đường vào TPHCM xuống các cảng tắc nghẽn thường xuyên và chưa khai thông. 

Đường vành đai 3 tỉnh Bình Dương đã làm đoạn Tân Vạn - Mỹ Phước nhưng chưa thông, xe đi vào nội đô TPHCM gây ùn tắc. Theo ông Đông, lợi thế giao thông thủy chưa được khai thác vì đá ngầm trên sông Đồng Nai và tĩnh không cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn quá thấp. Trong khi quy hoạch sân bay Long Thành đã xác định nhiều năm trước nhưng thủ tục chậm nên chưa làm, bây giờ sân bay Tân Sơn Nhất nghẽn cả dưới đất, trên trời. “Chưa liên kết vùng, chi phí vận tải cao do ùn tắc, lưu thông hàng hóa chậm”, ông Đông nói thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, giao thông trên địa bàn tỉnh bắt đầu quá tải, kẹt xe thường xuyên. Ông Nam dẫn chứng khi đi từ cầu Ông Dầu đến TPHCM họp dù chưa tới chục kilômét nhưng mất 45 phút. “Cầu Ông Dầu ngày nào cũng kẹt, cần mở rộng ngay”, ông Nam đề nghị.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, phát triển TPHCM phải đặt trong tổng thể cả vùng. Đơn cử như công tác chống tội phạm, nếu các địa phương không đồng loạt ra quân, tấn công trấn áp tội phạm thì không khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. “TPHCM ra quân, tội phạm chạy từ nội đô ra vùng ven, làm đồng loạt thì nó trốn qua Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước,… Họp vùng, chúng ta bắt tay thế thôi chứ về anh nào lo việc anh nấy. Nói liên kết vùng nhưng xử lý phân tán. Kết nối vùng trước hết phải kết nối giao thông vì lợi ích của cả vùng chứ không chỉ một, hai địa phương”, ông Thăng nhấn mạnh.

TPHCM phải lo cho “em út”

Theo ông Đinh La Thăng, vùng phải có kết nối cứng và kết nối mềm. Kết nối cứng gồm hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông,… còn kết nối mềm là thể chế chính sách liên thông cho cả vùng. Đây là những yếu tố quan trọng, gắn với chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, là động lực phát triển của cả vùng.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM đã làm đường Đông - Tây 23 km/30 km, đoạn còn lại đang thi công nối với cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đường vành đai 2 đã làm 54 km/64 km. TPHCM đang triển khai 2/8 tuyến metro nối với Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh…

“Cần rà soát quy hoạch. Một số tuyến cần điều chỉnh như nối dài tỉnh lộ 768 qua sân bay Biên Hòa đến Bình Chuẩn để xe không đi vào TPHCM, nâng cấp tỉnh lộ 743 hạn chế dòng xe đi vào Quốc lộ 1K và đường vành đai 2, kéo dài tuyến metro số 1 đến Biên Hòa… Đầu tư các tuyến kết nối, TPHCM lo chi phí xây dựng, các địa phương lo chi phí giải phóng mặt bằng”, ông Cường đề nghị.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang, cần sớm triển khai cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Những địa phương khó khăn về vốn, TPHCM nên hỗ trợ chi phí đầu tư. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình cho rằng, kết nối giao thông không chỉ với TPHCM mà giữa các tỉnh với nhau. Dự án phải có lợi ích địa phương, lợi ích vùng, lợi ích quốc gia. 

Ông Trình đề xuất sớm làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải. “TPHCM là đô thị đặc biệt, làm “chủ xị” là tốt nhất. Không luân phiên nữa. Giao Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu rất khó. TPHCM như anh cả, các tỉnh như em út. Cái gì em út khó khăn quá thì lo cho nó. Nhiều khi em út khó không dám nói”, ông Trình bày tỏ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vốn bồi thường chưa bố trí được, người dân kêu nhiều, nếu làm chậm, năm sau phải làm lại. Đường vành đai 3 vốn đã có nên làm sớm. Cầu Cát Lái nối TPHCM - Đồng Nai đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - thu phí - chuyển giao), nếu nhà đầu tư có điều kiện thì giao phần việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đề nghị nối dài đường cao tốc TPHCM- Chơn Thành thêm 80 km đến Hoa Lư kết nối Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, đồng thời bổ sung đường Đồng Phú - Bình Dương vào quy hoạch giao thông vùng.

Theo ông Đinh La Thăng, cơ chế luân phiên hiện nay không hiệu quả. Chỉ có Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng làm trưởng vùng chứ không phải cứ đầu tàu làm chủ tịch. “Cần cơ chế đặc biệt cho vùng. Chọn nhà đầu tư thì giao cho các địa phương tự chịu trách nhiệm, không trình ra trung ương để rút ngắn thời gian. Đừng nói tỉnh này cần, tỉnh kia không cần. Phải nói vùng cần hay không. Địa phương nào có điều kiện thì lo nhiều hơn”, ông Thăng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG