TPHCM: Phải giải quyết kẹt xe bằng phương tiện công cộng

Kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại TPHCM.
Kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại TPHCM.
TP - Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định xe máy, ô tô cá nhân không phải là “thủ phạm” gây kẹt xe ở các đô thị, nhất là ở TPHCM tại tọa đàm “Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân” tổ chức ngày 1/8.

Theo ông Hùng, “thủ phạm” thật sự chính là ý thức, hành vi,… người sử dụng phương tiện tham gia giao thông hiện nay. Ông nêu ví dụ, nếu người tham gia giao thông đi đúng làn, đúng lối, không cắt mặt vượt ẩu, không giành đường,… thì sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Do đó, ông Hùng cho rằng để giảm kẹt xe ở TPHCM không phải cấm xe máy, xe ô tô cá nhân mà nên có quản lý sử dụng phương tiện xe cá nhân phù hợp. “TPHCM cần phải phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng làm sao để thu hút người dân tham gia vào loại hình vận tải này”, ông Hùng đề xuất đồng thời kiến nghị TPHCM cần phát triển ứng dụng hệ thống giao thông thông minh vào quản lý, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm giao thông.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng (ĐH GTVT TPHCM) cho rằng, cần phải phát triển hơn nữa giao thông công cộng để hướng người dân sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, thay vì sử dụng phương tiện cá nhân quá nhiều hiện nay.

Bà Hằng đặt vấn đề là hiện nay rất nhiều người không thích hoặc đã bỏ đi xe buýt, mà chuyển xe đi xe cá nhân bởi lý do là hay kẹt xe trễ giờ làm, an ninh trên xe không tốt. Do đó, TPHCM cần phải thay đổi, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ xe buýt, đồng thời có làn đường ưu tiên để xe buýt di chuyển không bị kẹt như cách TP Hà Nội làm.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, lâu nay chúng ta coi ba loại hình đường sắt đô thị, xe buýt và taxi là vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn. Nhưng ngày nay, chúng ta cũng cần nhìn nhận sự xuất hiện của xe Uber, Grab, xe đạp điện, xe máy điện dùng chung,… như là các loại hình vận tải hành khách công cộng. Hiện TPHCM có khoảng 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó 92% là xe máy. Do đó, việc cấm phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông là không đúng.

“Nhiều nước trên thế giới, họ không cấm xe máy, xe ô tô cá nhân nhưng người dân cũng có sử dụng đâu, họ vẫn tham gia các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm,...” - ông Cường nói.

Trong đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân sẽ không có chuyện cấm. Hai loại hình vận tải này không triệt tiêu nhau, mà cùng tồn tại song song, hỗ trợ nhau phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, TPHCM hướng đến vận tải hành khách công cộng là chủ lực, chiếm khoảng 60%. Để đạt con số 60% người dân đi lại bằng vận tải hành khách công cộng, theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM cần phải làm sao chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng rẻ hơn so với chi phí xe cá nhân và phải đảm bảo an toàn, an ninh. Ngoài ra, phương tiện công cộng đảm bảo đúng giờ để người dân không bị ảnh hưởng công việc, đảm bảo thân thiện môi trường.

MỚI - NÓNG