TPHCM siết chi tiêu công, tăng tốc xã hội hóa

TPHCM ngập nặng. Với tình hình ngân sách bị cắt giảm, thành phố đang hướng đến xã hội hóa chống ngập. Ảnh: Huy Thịnh
TPHCM ngập nặng. Với tình hình ngân sách bị cắt giảm, thành phố đang hướng đến xã hội hóa chống ngập. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Cần hàng trăm nghìn tỷ đồng cho bảy chương trình đột phá, trước tình hình ngân sách điều tiết cho địa phương bị cắt giảm (từ 23% giảm còn 18% tổng thu ngân sách), UBND TPHCM đang ráo riết điều chỉnh kế hoạch theo hướng siết chi tiêu công, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm giải quyết bài toán phát triển trong điều kiện nguồn vốn có hạn.

Bỏ xe công, tự chủ tài chính…

Làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành ngày 26/10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu, sắp tới có thể sẽ không còn xe công. Thay vào đó, thành phố sẽ thuê xe phục vụ nhu cầu công tác.

“Không mua xe công thì sẽ không tốn chi phí bảo trì. Sản phẩm công nghệ rất mau lạc hậu, nếu mua sẽ rất lãng phí. TPHCM phải thực hành tiết kiệm”, ông Tuyến nói.

Theo Văn phòng UBND TPHCM, thành phố hiện có 693 xe công, trong đó khối cơ quan hành chính cấp thành phố có 193 xe, cơ quan hành chính 24 quận huyện có 108 xe, các đơn vị trực thuộc sở ngành thành phố có 284 xe và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quận huyện là 55 xe. Theo quy định, các cơ quan hành chính cấp thành phố có tối đa 2 xe, các đơn vị sở ngành, tổ chức, đơn vị trực thuộc sở ngành chỉ một xe nên TPHCM đang thừa 353 xe, tương đương 50% số xe theo quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, đa số xe công ở TPHCM là xe cũ, mua sắm từ trước năm 2007, chi phí bảo trì, bảo dưỡng rất lớn. Từ khi có quyết định của Chính phủ, TPHCM hạn chế mua, năm 2015 chỉ mua một xe.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành ủy TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đề nghị giữ mức điều tiết 21% (giảm 2%) nhưng tinh thần là hết sức chia sẻ với Trung ương, chấp nhận một tỷ lệ điều tiết ngân sách có giảm. Trước tình hình ngân sách bị cắt giảm, TPHCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa.

“TPHCM đang thực hiện thí điểm tự chủ tài chính lĩnh vực y tế, giáo dục. Có rất nhiều trường học đáp ứng tiêu chí này. Thực hiện mô hình tự chủ, ngân sách sẽ không phải trả lương, không còn tình trạng chạy trường, minh bạch, giảm tiêu cực, đời sống giáo viên được nâng lên, chấm dứt nạn dạy thêm,…”, ông Tuyến nói.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho rằng, thực tế có những thứ nhà nước đầu tư không hiệu quả như tư nhân. Chẳng hạn như bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi), nhà đầu tư vừa làm xong thì hiệu quả ngay. Hiện nay, bệnh viện Xuyên Á xây dựng thêm một bệnh viện ở Vĩnh Long, hình thành chuỗi các bệnh viện vệ tinh. 

“TPHCM cần mạnh dạn lấy một hai trường học, bệnh viện thí điểm xã hội hóa. Bệnh viện quận 9 đang “chết lên, chết xuống” vì không có bệnh nhân nhưng vẫn đòi xây thêm trong khi bệnh viện quận 2, Thủ Đức đầu cửa ngõ phía Đông rất mạnh. Bệnh viện Ung bướu đang đầu tư cơ sở 2 và sắp tới còn có bệnh viện của Thành ủy. Chỗ nào yếu thì ngưng đầu tư, cho xã hội hóa. Trường dạy nghề, trung cấp nghề rất èo uột vì không có học sinh, có nơi đã nộp đơn xin giải tán”, ông Hoan cho biết.

Chắt chiu từng đồng vốn

Theo ông Hoan, TPHCM đã có danh mục, dự toán kinh phí các chương trình, dự án cụ thể của từng chương trình đột phá. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì phải cân nhắc lại danh mục và lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, xác định rõ cái nào nhà nước làm, cái nào kêu gọi tư nhân đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, chỉ riêng các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục đã có 92 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 326.000 tỷ đồng (tương đương 14,86 tỷ USD). Để phục vụ bảy chương trình đột phá, sắp tới Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục kết nối các sở ban ngành với các nhà đầu tư để giảm bớt gánh nặng ngân sách”, bà Hoa nói.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, nguồn vốn đầu tư thực hiện 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng trong khi năm 2017 TPHCM chỉ còn được giữ lại khoảng 7.200 tỷ đồng nên sẽ rất khó khăn, nhất các khoản vay viện trợ Quốc hội đang “siết” lại. Trước tình hình này, TPHCM sẽ điều chỉnh, bổ sung, thay đổi hình thức đầu tư từng chương trình, dự án cụ thể và tính toán sử dụng phù hợp vốn ngân sách từng năm. Vốn ngân sách sẽ đóng vai trò là “vốn mồi” để thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Thực tế, TPHCM đã từng làm và cứ mỗi đồng vốn “mồi” huy động được 11 – 14 đồng từ xã hội.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, từ năm 2017, TPHCM phải có kế hoạch huy động vốn trong năm báo cáo Bộ Tài chính để trình Quốc hội. Nếu không tiên lượng và trình kế hoạch thì sẽ không được giải ngân hoặc nếu đưa con số quá cao mà cuối năm không giải ngân được thì phải giải trình trước Quốc hội.

“Khi đăng ký nguồn vay lại năm 2017, tôi đăng ký tổng cộng 4.600 tỷ đồng theo đăng ký của các đơn vị thì Bộ Tài chính thông báo chỉ ghi vốn 1.200 tỷ đồng. Riêng dự án quản lý rủi ro ngập của Trung tâm chống ngập tổng vốn 1.700 tỷ đồng nhưng chỉ đăng ký giải ngân 600 tỷ đồng. Nhiệm vụ của thành phố là phải giải ngân cho được”, bà Thắng lưu ý.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, thực tế chỉ còn hơn 3 năm rưỡi để thực hiện các chương trình đột phá nên cần phải tăng tốc. “Tôi yêu cầu tháng 11 phải hoàn thành chương trình cải cách hành chính để tháng 12 áp dụng, tránh tình trạng như mọi năm, ăn tết xong, đến tháng 2 mới chuyển động”, ông Tuyến nhấn mạnh.    

Theo Sở KH&ĐT, dự kiến nguồn ngân sách chi cho đầu tư công là khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình đột phá là 217.259 tỷ đồng. Khả năng cân đối vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 là trên 120.000 tỷ đồng, đáp ứng hơn 50% nhu cầu.

MỚI - NÓNG