Vụ sản xuất phân bón không phép “made in USA”:

Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 niêm phong kho xưởng của Cty Thuận Phong. Ảnh: Ban 389
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 niêm phong kho xưởng của Cty Thuận Phong. Ảnh: Ban 389
TP - Sau khi bị Đoàn kiểm tra liên ngành 389 lập biên bản niêm phong toàn bộ kho hàng, Cty CP SX&TM Thuận Phong (Cty Thuận Phong) gửi Ban chỉ đạo 389 Quốc gia văn bản (mà doanh nghiệp này) nói là Công hàm của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM. 

Theo đó, Cty Thuận Phong được chỉ định là nhà phân phối độc quyền các dòng sản phẩm của Cty Bio Huma Netics từ tháng 12/2013. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết đã yêu cầu Cty Thuận Phong cung cấp hợp đồng với đối tác, nhưng hơn một tháng qua vẫn không thấy hồi âm.

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cho hay, việc Cty Thuận Phong sản xuất (đóng gói) và lưu thông trên thị trường Việt Nam sản phẩm mang nhãn hiệu “Huma Gro” kèm theo ký hiệu chữ R trong vòng tròn sẽ gây hiểu sai lệch (rằng nhãn hiệu trên đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam). “Hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn quyền sở hữu công nghiệp”, văn bản do Cục trưởng Trần Việt Thanh ký, khẳng định.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, Cty Thuận Phong có trụ sở nhà máy sản xuất phân bón trong khu đất do một đơn vị quản lý. Hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón giả nhiều năm, nhưng không bị xử lý. Doanh nghiệp này tuyên truyền trên hệ thống thông tin là sản xuất phân bón cao cấp, nhưng khi kiểm tra thực tế chỉ thấy nhà xưởng tạm bợ, máy móc cân đo, sang chiết…

Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy đề nghị các cơ quan chức năng liên quan làm rõ “một tổ chức làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng trong nhiều năm” gây nhức nhối lại không bị xử lý và đề nghị truy tố vụ việc. Qua sự việc cho thấy, cần làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT) để doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phân bón giả, không phép trong nhiều năm.

MỚI - NÓNG