Trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng chục người ngất xỉu ở BigC được đưa vào bệnh viện điều trị.
Hàng chục người ngất xỉu ở BigC được đưa vào bệnh viện điều trị.
TP - Vụ việc hàng chục khách hàng lẫn nhân viên tại siêu thị Big C The Garden ở Hà Nội bỗng nhiên tím tái, ngất xỉu phải đưa đến bệnh viện cấp cứu đang làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng không khí tại các trung tâm mua sắm, tòa nhà cao tầng đang mọc lên như nấm tại thủ đô.

Đáng chú ý trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện chủ đầu tư tòa nhà (Bitexco) và đơn vị thuê mặt bằng là Big C lại có những nhận định hết sức mâu thuẫn. Bitexco cho rằng do nhân viên làm việc căng thẳng, quá giờ nên dẫn tới tình trạng như trên. Còn Big C thì cho rằng, do hệ thống điều hòa thông khí trục trặc dẫn tới thiếu ôxy. Trong khi đó, lãnh đạo công an quận Nam Từ Liêm thông báo, kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, siêu thị là một tầng hầm thông với tầng hầm để xe và không có hệ thống thông gió, do đó các nạn nhân đã bị nhiễm độc khí CO do xe máy thải ra. Bác sĩ tại BV 198 nơi cấp cứu cho các nạn nhân cũng có nhận định tương tự do ngộ độc khí CO.

Hiện tại siêu thị này đã bị đề nghị tạm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, những hình ảnh trên VTV1 chiếu cận cảnh sự hoảng loạn của các nạn nhân tại siêu thị Big C và tại bệnh viện 198, khiến người tiêu dùng thủ đô hết sức lo lắng. Đáng ra họ được tận hưởng những giờ phút thư thái, mua sắm hoặc vui chơi cùng gia đình mỗi khi bước chân vào các trung tâm mua sắm hay siêu thị, thì thay vào đó lại phải vật vã trên cáng cứu thương lao vào bệnh viện.

Không lo lắng sao được, bởi đến nay theo Thạc sỹ Ngô Quốc Khánh (Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động), thì Việt Nam vẫn chưa hề có tiêu chuẩn không khí trong nhà để làm căn cứ xác định mức độ ô nhiễm. Một nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động tại 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội cho thấy, nhiều thông số về ô nhiễm không khí đều vượt chuẩn quốc tế cho phép. Còn theo một chuyên gia xây dựng, một tòa nhà có hệ thống thông khí đạt chuẩn phải có hệ thống cảm biến đo chất lượng không khí 24/24h, và nếu không đảm bảo chất lượng hệ thống sẽ tự động bơm không khí tươi bổ sung, nếu có trục trặc hệ thống báo động sẽ được lập tức kích hoạt để sơ tán người dân ra khỏi tòa nhà.

Một khi chưa có chuẩn về độ sạch của không khí trong nhà, các cơ quan chức năng lấy đâu ra ngưỡng để kiểm tra, đánh giá một tòa nhà, một trung tâm thương mại đủ điều kiện để hoạt động? Trong hàng ngàn tòa cao ốc và siêu thị ở thủ đô và trên cả nước, liệu bao nhiêu nơi có hệ thống thông gió, lọc khí đảm bảo cho sức khỏe của con người? Các cơ quan chức năng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chúng đã đo, đếm, kiểm định được bao nhiêu trong số đó? Lấy gì đảm bảo để hàng ngàn con người vào mua sắm, vui chơi trong một siêu thị không tái diễn tình cảnh như ở BigC The Garden? 

Hàng loạt câu hỏi dường như chưa có câu trả lời. Dường như “căn bệnh” muôn thủa lại tái diễn: Quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển? Ai chịu trách nhiệm trước sự an toàn và tính mạng của người dân mỗi khi đi mua sắm?

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.