Trái tim hóa giải hận thù

Ông Trần Bá Phúc (ngoài cùng bên phải) và Tổng Bí thư Ðỗ Mười.
Ông Trần Bá Phúc (ngoài cùng bên phải) và Tổng Bí thư Ðỗ Mười.
TP - Hơn ba mươi năm trước, tin vào trực giác của mình, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị khi quyết định giới thiệu và sắp xếp cho một Việt kiều từng đứng đầu một tổ chức ở hải ngoại gặp Tổng Bí thư Ðỗ Mười và đoàn đại biểu cấp cao của Ðảng, Nhà nước. Và, ông đã không lầm… 

Lạc đường

Một chiều cuối năm, trong một quán cà phê nhỏ giữa thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc Trần Bá Phúc ngồi lặng lẽ nhìn hàng cây dầu đang thay lá. Ông bảo Sài Gòn vẫn thế, lộng lẫy và kiêu sa. Từng hàng cây, góc phố, những lối xe qua đã khắc sâu vào ký ức tuổi thơ của ông…

Vậy mà có một ngày ông dứt bỏ tất cả. Hồi ức buồn gần nửa thế kỷ trước bất chợt ùa về. Ông Phúc nhớ lại: Tôi rời Việt Nam, bỏ lại cha mẹ già và các anh chị em để tìm cuộc sống mới chỉ với mong muốn kiếm thật nhiều tiền giúp đỡ gia đình. Hồi ấy đất nước quá khó khăn. Bữa cơm nào cũng độn bo bo, khoai mỳ.

Gần 200 người chen chúc trên một chiếc ghe nhỏ, mệt lả, say sóng, đói khát. Mạn ghe cách mặt biển non một thước, mỗi khi trời nổi gió lại tròng trành như muốn nhấn chìm hàng trăm con người xuống đáy biển đen ngòm. Nhiều người muốn quay lại vì trước mặt là biển khơi mịt mù.

“Tài công nói cầu trời đừng có sóng, có sóng là chết hết. Ðến gần giàn khoan dầu khí nước ngoài cầu cứu, họ không cho vào. Vùng biển dưới giàn khoan đầy cá mập. Chúng bơi đụng vào lườn ghe làm nhiều người mất hồn. Trên giàn khoan bắn pháo xua đuổi cá mập, quăng xuống một ít lương thực, nước ngọt rồi bắt đi tiếp. Lên đảo, nhiều người đã chết vì kiệt sức và đói khát. Những hình ảnh đó tôi không bao giờ muốn nhớ lại vì quá đau lòng”, ông Phúc kể.

Sau vài tháng ở trại tỵ nạn, ông Phúc được sang Úc định cư. Ông vừa học, vừa làm kiếm tiền mua hàng hoá rồi đóng thùng gửi về tiếp tế cho gia đình. Ðể có thời gian đi học, ông Phúc đến các nông trại xin làm việc vào các ngày cuối tuần và trong thời gian được nghỉ hè. Sau này, ông may mắn xin được một việc làm bán thời gian. Ca làm việc bắt đầu từ 16 giờ 30 chiều kéo dài đến tận nửa đêm.

Trái tim hóa giải hận thù ảnh 1 Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc.

Ông Phúc tham gia phong trào sinh viên học sinh và các hoạt động cộng đồng tại Úc. Năm 1987, ông được bầu làm chủ tịch cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại bang Victoria, một trong những cộng đồng có người Việt Nam đông nhất tại liên bang Úc. Trong vai trò lãnh đạo của tổ chức cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, ông nhận thấy có một số người trong các tổ chức chính trị của người Việt Nam ở hải ngoại lợi dụng cơ chế cộng đồng để tuyên truyền vì lợi ích chính trị cá nhân, đi ngược lại nguyện vọng của cộng đồng và những người Việt Nam yêu nước chân chính nên đã rời bỏ tổ chức này.

“Tôi luôn tự hỏi vì sao những người dân trên đảo Trường Sa có quyền sống trên đất liền đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn quyết chọn nơi đầu sóng ngọn gió? Mình đang sống sung sướng, nếu như không làm một điều gì đó thì thật vô cảm. Không chỉ người dân trong nước, cộng đồng kiều bào ở nước ngoài cũng phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo”. 

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc

“Hồi ấy Lý Thái Hùng (một phần tử phản động) sang Úc đưa cương lĩnh chính trị cho tôi đọc. Tôi phản đối kịch liệt vì chủ trương hận thù, giết chóc. Cộng đồng bầu tôi làm chủ tịch là cần một người có khả năng trong hoạt động phát triển và hội nhập của cộng đồng cùng am hiểu về xã hội Úc để hỗ trợ bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi muốn cộng đồng người Việt hội nhập vào xã hội đa văn hoá Úc, quảng bá những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của Việt Nam chứ không phải gây mâu thuẫn và chia rẽ bà con ở trong nước và hải ngoại”, ông Phúc nói.

Sự thật nghiệt ngã càng làm ông Phúc trăn trở, u uất. Con đường trở về quê hương dường như ngày càng mịt mù. Ðến bây giờ, mỗi khi nhắc về cha, ông Phúc vẫn còn nhức buốt. Ông kể: “Ngày cụ nhắm mắt, tôi không về chịu tang. Lúc ấy, thông tin liên lạc rất hạn chế. Muốn nhắn gửi phải viết thư và mất gần hai tháng người thân ở Việt Nam mới nhận được”. 

Trái tim hóa giải hận thù ảnh 2 Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nối một nhịp cầu

Ông Trần Bá Phúc đã tổ chức các hoạt động quảng bá tinh hoa văn hoá và bản sắc dân tộc như tổ chức các phiên chợ tết, các lễ hội truyền thống văn hoá Việt Nam tại Úc. Ông tham gia vận động chính quyền sở tại tăng cường hợp tác kinh tế và mở rộng giáo dục đào tạo cho người Việt Nam tại Úc trong những năm ông Nguyễn Thanh Châu là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Úc. Ông Phúc nhớ lại: “Anh Châu là một nhà ngoại giao có tài, có tâm. Chính từ anh, cách nhìn của tôi về đất nước đã thay đổi sau nhiều năm thiếu thông tin. Có lần, đang là chủ tịch Hội đồng Úc - Việt, tôi lên tiếng bênh vực Việt Nam trên các tờ báo của Úc bị những người quá khích lên án và đe dọa. Anh Châu đã gọi điện cho tôi chia sẻ, động viên”.

Năm 1992, Tổng bí thư Ðỗ Mười dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Ðảng, nhà nước thăm Úc và muốn gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào. Khoảng 10 kiều bào tiêu biểu được đại sứ quán Việt Nam tại Úc lựa chọn gặp Tổng Bí thư, trong đó có ông Phúc.

Hơn ba mươi năm nhưng với ông Phúc cuộc gặp ấy dường như mới vừa diễn ra. Ông đã vô cùng xúc động khi được trực tiếp trò chuyện và được Tổng Bí thư lắng nghe, ân cần chia sẻ như một người thân. Ông Phúc nhớ lại: “Tôi nghẹn ngào hỏi bác Ðỗ Mười về những người Việt Nam tự ý ra đi trong giai đoạn đất nước khó khăn, Ðảng và Nhà nước có còn xem họ là con em hay không? Bác Ðỗ Mười nói: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là đồng bào ruột thịt. Ðất nước đang cần mọi bàn tay của người Việt Nam trong và ngoài nước. Nếu vẫn còn tấm lòng đối với đất nước thì hãy trở về góp một bàn tay xây dựng quê hương. Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ vỗ vai tôi: “Tôi mời Phúc về thăm quê hương để chứng kiến sự đổi thay của đất nước”.

Trái tim hóa giải hận thù ảnh 3 Ông Trần Bá Phúc (thứ hai từ phải sang) và Thủ tướng Úc Paul Keating.

Ông Phúc quyết định trở về. “Hôm bước xuống sân bay, tâm trạng của tôi rất khó tả. Tôi rời Việt Nam hơn 20 năm, lúc trở về mới nhận ra sự đổi thay. Ðường phố mọc lên nhiều toà nhà cao vút, ô tô nườm nượp. Tôi càng bất ngờ hơn khi thằng bạn cũ đến tìm tôi trên một chiếc ô tô đắt tiền. Hồi tôi đi, nó là công nhân trục vớt, đi chiếc Honda Dame cũ mèm. Bây giờ nó đang làm giám đốc một công ty nhỏ nhưng cũng đi xe hơi”, ông Phúc nhớ lại. 

Sau này, gặp lại ông Phúc, Ðại sứ Nguyễn Thanh Châu chia sẻ, rằng việc ông sắp xếp cho ông Phúc, một người từng là phó chủ tịch cộng đồng người Việt Nam tại Úc gặp Tổng Bí thư là đã đặt cược cả sự nghiệp chính trị nhưng ông vẫn làm vì tin tưởng ông Phúc là người có khả năng và tâm huyết với quê hương, đất nước.

Ngày thông xe cầu Mỹ Thuận, ông Trần Bá Phúc được mời về dự lễ khánh thành. Ông là một trong những người tích cực vận động hành lang, lấy ý kiến ủng hộ của cộng đồng người Úc gốc Việt góp phần để Chính phủ Úc quyết định xây dựng cây cầu quan trọng này cho Việt Nam bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

Năm 2010, ông Trần Bá Phúc thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA). Hội được cả hai Chính phủ Úc và Việt Nam công nhận. Hội làm cầu nối cho doanh nhân Việt Nam tại Úc với các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, hội có gần 300 thành viên là doanh nhân Việt Nam tại Úc và 100 hội viên liên kết là doanh nghiệp trong nước. Hội kết hợp với đại sứ quán Việt Nam tại Úc và văn phòng thương vụ tham tán thương mại tổ chức các buổi hội thảo xúc tiến thương mại và giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Vừa qua, hội đã phối hợp với văn phòng thương vụ Bộ Công thương tại Úc đàm phán với Chính phủ Úc đưa nông sản Việt Nam vào thị trường Úc.

Ông Phúc đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào Úc và khuyến khích các doanh nghiệp Úc nhập quả vải, xoài Việt Nam. Ông liên kết với tham tán thương mại Việt Nam tổ chức “Ngày vải thiều Việt Nam” tại Úc, hỗ trợ một số tỉnh thành xúc tiến thương mại vào thị trường Úc. Có doanh nghiệp Úc trước kia chỉ nhập tôm Trung Quốc, nay chuyển sang nhập tôm từ Cà Mau với kim ngạch mỗi năm hàng chục triệu đô la.

Trái tim hóa giải hận thù ảnh 4 Thủ tướng Úc John Howard gặp ông Trần Bá Phúc (thứ năm từ phải sang) cùng các lãnh đạo cộng đồng Á Châu.

Nồng nàn một trái tim Việt

Xem phóng sự về những đứa trẻ sống nơi đầu sóng ngọn gió, ông Phúc cả đêm thao thức. Ông triệu tập cuộc họp, vận động các doanh nhân quyên góp xây trường học trên đảo Trường Sa và được mọi người nhiệt tình hưởng ứng với số tiền ủng hộ lên tới hơn 30 nghìn đô la. VBAA còn vận động kinh phí hỗ trợ câu lạc bộ “Vì Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu” do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thành lập. Mỗi lần về Việt Nam, ông Phúc lại tìm đến các điểm trường ở vùng cao, vùng sâu vùng xa các tỉnh biên giới để khảo sát rồi gửi tiền về ủng hộ xây dựng phòng học mới.

Những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Phúc đã đại diện cho VBAA và cộng đồng người Úc gốc Việt viết thư gửi thủ tướng Úc và các dân biểu Quốc hội kêu gọi ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của Việt Nam, hỗ trợ công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Ông Phúc cũng gửi kiến nghị thư cho Hội nghị G20 được tổ chức tại Brisbane (Úc) phản đối hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Ðông.

Hôm gặp mặt hơn 500 kiều bào tại TPHCM, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể lúc ông còn là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đi công tác nước ngoài, đã được một Việt kiều trực tiếp lái xe đưa ông đi tìm đối tác dạy nghề. Câu chuyện của Thủ tướng đã làm ông Trần Bá Phúc lặng người. Ông không ngờ sau ngần ấy năm thủ tướng vẫn nhớ một chuyện rất nhỏ mà ông và một số doanh nhân tại Úc đã làm.

Là một kiều bào tiêu biểu, ông Trần Bá Phúc được tiếp kiến nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Ông kể: “Bác Nguyễn Văn Chi, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đến Melbourne nhờ tôi đưa đi tìm hiểu cuộc sống của bà con kiều bào. Bác quyết định đi bộ một vòng khu kinh doanh của người Việt tại khu Footscray. Ðại sứ Nguyễn Thanh Tân và tôi đưa bác đến một số cơ sở của kiều bào để thăm hỏi về cuộc sống của bà con mình”.

Ngày Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh thăm kiều bào tại Úc, ông Phúc vượt hơn 800 cây số đến địa điểm gặp gỡ và thay mặt bà con đáp từ. “Tổng Bí thư đã đến bắt tay, ôm tôi thật chặt. Tôi nói rằng có những người rời Việt Nam 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí 30, 40 năm nhưng không ai đem trái tim Việt Nam ra khỏi lồng ngực của họ. Trong huyết quản của họ vẫn là dòng máu Việt, kể cả những người quá khích còn chống đối. Ðến một lúc nào đó trái tim Việt Nam sẽ đánh thức họ”, ông Phúc nhớ lại.

Ông Phúc được Trung ương Ðoàn, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục tặng nhiều bằng khen. Toàn quyền Úc và thủ hiến bang Victoria trao giải thưởng xuất sắc đa văn hoá; Huân chương thế kỷ… “Tôi nhận giải thưởng để minh chứng hiểu rằng những công việc tôi làm là vì lợi ích chung cộng đồng và đất nước”, ông Phúc nói. 

Ông Trần Bá Phúc được bầu vào Ủy ban Trung ương MTTQ VN khóa VII (nhiệm kỳ 2009 -2014) và được tái nhiệm khóa VIII (nhiệm kỳ 2014 -2019). Ông được mời về góp ý kiến sửa đổi hiến pháp 2013. Ông đón tiếp rất nhiều đoàn trong nước và tổ chức cho các đoàn gặp gỡ doanh nhân kiều bào nhân dịp sang thăm và làm việc tại Melbourne. Những việc ông làm khiến một số Việt kiều quá khích biểu tình phản đối, quấy phá và hăm dọa.

MỚI - NÓNG