Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết

Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết
Ý định sử dụng không quân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã được Bộ Tổng tham mưu đặt ra trước khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh
Trận đánh bom Tân Sơn Nhất - Những điều chưa được biết ảnh 1
Tổng bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay khen ngợi phi đội Quyết Thắng lập công xuất sắc

Theo hồi ức từ năm 1985 của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất chủ trì cơ quan Bộ Tổng tham mưu trong chiến cuộc Xuân 1975 (lúc này Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng đang chỉ huy ở chiến trường) đã kể, thì ý định sử dụng không quân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã được Bộ Tổng Tham mưu đặt ra và trao đổi với Bộ Tư lệnh ở chiến trường B2 trước khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh, là: Trước đó Hải quân ta đã phối hợp tác chiến với Bộ đội Quân khu V kịp thời giải phóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa và các đảo khác thuộc lãnh hải Việt Nam, còn Không quân nên sử dụng để hiệp đồng với Lục quân và Phòng không tham gia chiến dịch như thế nào, cần đặt ra và suy nghĩ kỹ để đề đạt với Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị - đó là Bộ Thống soái trong chiến tranh đặt đại bản doanh tại khu A Thành cổ Thăng Long - Hà Nội.

Trong khi Bộ Tổng Tham mưu đặt vấn đề như vậy, ngay từ đầu tháng 4/1975, thì ngày 7/4, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền – Phó Tổng tham mưu trưởng lúc này cùng với Đại tướng Văn Tiến Dũng đang trực tiếp ở chiến trường chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, điện ra báo cáo vừa qua sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung, ta đã thu được một số máy bay  chiến đấu của địch loại phản lực ném bom A37, đề nghị Bộ phái cán bộ và nhân viên kỹ thuật của không quân vào tiếp thu, nghiên cứu để sử dụng dùng máy bay địch đánh địch.

Tiếp theo, ngày hôm sau 8/4, Bộ Tổng Tham mưu lại nhận được tin Trung uý phi công Nguyễn Thành Trung - một đảng viên cơ sở binh vận của ta cài vào hoạt động bí mật trong lực lượng không quân nguỵ từ trước, đã lái máy bay F5E của địch bất ngờ đánh bom dinh Tổng thống Sài Gòn rồi bay về hạ cánh an toàn xuống vùng giải phóng ở sân bay Phước Long.

Trên cơ sở những thông tin mới nhất đó, Bộ Tổng Tham mưu sau khi trao đổi, đã báo cáo với Quân ủy Trung ương - nhân lúc địch đang hoang mang rối loạn, ta kịp thời dùng máy bay địch đánh một số mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn - như căn cứ Tân Sơn Nhất, thì sẽ tạo ra tác động lớn càng  gây hoảng loạn tinh thần của chúng.

Trong khi đó, tại Bộ Tư lệnh chiến dịch ở chiến trường, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng đã đề cập vấn đề này, và đề nghị giao cho Nguyễn Thành Trung phụ trách số phi công và nhân viên kỹ thuật của không quân Sài Gòn đã sang hàng ngũ ta hướng dẫn kỹ thuật lại cho các phi công ta sử dụng máy bay A37 và F5E để đánh địch.

Được biết, ý kiến này của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ chiến trường điện ra, Bộ Tổng Tham mưu rất tâm đắc, đã kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương và được sự nhất trí của Quân ủy về chủ trương đó.

Theo chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, để triển khai ý định này, Thiếu tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng đã truyền đạt cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân cử ngay phi công và nhân viên kỹ thuật vào sân bay Đà Nẵng tiếp nhận máy bay và tiếp thu kỹ thuật để sử dụng loại máy bay địch mà ta vừa thu được. Đồng thời triệu tập Thiếu tướng Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng đến “Nhà con rồng” - Tổng hành dinh để trực tiếp nhận lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh chuẩn bị sử dụng phi đội A37 sẵn sàng nhận lệnh xuất kích do Bộ Tư lệnh chiến dịch sẽ ra lệnh trực tiếp.

Bàn về cách đánh, Bộ Tổng Tham mưu đã thảo luận đồng thời trao đổi với Bộ Tư lệnh chiến dịch và chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Theo đó, ta sử dụng phi đội A37 với số lượng như đội hình không quân nguỵ vẫn thường áp dụng.

Từ sân bay Thành Sơn bay thấp ở độ cao khoảng 300m, vào đến Xuân Lộc - Vũng Tàu rồi nâng dần độ cao để tiếp cận mục tiêu ở căn cứ Tân Sơn Nhất - chủ yếu là khu để máy bay quân sự của địch.

Sau khi oanh tạc xong khi quay về cần nghi binh để đánh lạc hướng địch trước khi hạ cánh trở lại sân bay Thành Sơn. Để đảm bảo chiến đấu, Cục Tác chiến sẽ thông báo cho các đơn vị phòng không mặt đất dọc địa phận từ Phan Rang trở vào chú ý theo dõi máy bay A37 ta xuất kích để không bắn nhầm.

Sau khi nhất trí giữa Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh chiến trường, tại Sở chỉ huy chiến dịch, ngày 24/4 Đại tướng Tư lệnh Văn Tiến Dũng đã lệnh cho Đại tá Hoàng Dũng ( lúc bấy giờ là Bí thư quân sự của Tướng Dũng - NV) điện cho Đại tá Hoàng Ngọc Diêu -  Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân từ Đà Nẵng vừa vào sân bay Thành Sơn, ngày 25/4 có mặt tại Sở chỉ huy chiến dịch để nhận nhiệm vụ khẩn cấp.

Nay Thiếu tướng Hoàng Dũng (sau năm 1975 ông là Thiếu tướng, Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu - hiện đang nghỉ hưu ở TP. Hồ Chí Minh) hồi tưởng lại: Chiều 25/4/1975 tại Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch Hồ Chí Minh ở Bến Cát, trong cuộc họp gồm Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tá Hoàng Ngọc Diêu và Đại tá Hoàng Dũng, sau khi nghe Đại tá Diêu báo cáo tình hình tiếp quản sân bay và kết quả phi công ta học lái máy bay A37 của địch ở Đà Nẵng, Tướng Dũng cũng phân tích và chỉ thị nhiệm vụ: “Tôi đã suy nghĩ và trao đổi nhất trí với Chính ủy Phạm Hùng, cũng như đã thống nhất chủ trương tác chiến với Bộ Tổng tham mưu.

Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng máy bay A37 do phi công ta lái để đánh bom thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất và giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức thực hiện. Đây là một biện pháp tích cực, chủ động để khống chế căn cứ không quân địch và hiệp đồng tác chiến với bộ binh ta tấn công vào nội đô Sài Gòn.

Đây còn là sự thể hiện phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra chỉ đạo chiến dịch này. Trận đánh bom Tân Sơn Nhất sẽ tạo thêm sự rối loạn của địch và cảnh báo cho chúng biết rằng khi không quân ta đã xuất kích ở đây, thì không phận miền Nam không còn là của chúng, mà đang thuộc về chúng ta kiểm soát.

Còn đối với ta, sẽ tăng thêm sĩ khí các cánh quân trên bộ đang áp sát và hình thành thế hợp vây chiến dịch để tấn công vào Sài Gòn trong trận quyết chiến lược cuối cùng. Riêng đối với bộ đội không quân, thì đây là cơ hội tốt để các phi công ta trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử này, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến để huấn luyện xây dựng lực lượng không quân trong tương lai. Nhưng về thời gian thì rất gấp, chỉ mấy ngày tới là phải thực hiện kế hoạch, vậy việc chuẩn bị có kịp không?”.

Nghe tướng Dũng hỏi vậy, Đại tá Diêu trả lời ngay: “Báo cáo Tư lệnh, chúng tôi xin kiên quyết chấp hành mệnh lệnh và thực hiện bằng được sự nỗ lực cao nhất. Xin phép cho tôi trở ra sân bay Thành Sơn ngay trong tối hôm nay, và đề nghị Tư lệnh chỉ thị Thiếu tướng Lê Văn Tri cho phi công và thợ máy vừa tập huấn ở sân bay Đà Nẵng di chuyển ngay vào sân bay Thành Sơn trong ngày mai 26/4”.

Khi thân mật bắt tay tạm biệt, Đại tá Diêu, Tướng Dũng niềm nở động viên và nhắc lại quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch: “Chúng tôi tin tưởng trận đánh bất ngờ của không quân ta sẽ thành công và có tác dụng lớn. Cần hết sức khẩn trương, táo bạo, nhưng phải chắc thắng. Nếu đến ngày 28/4 mà không thực hiện được kế hoạch, thì coi như không quân ta không còn cơ hội nào nữa để lập công trong chiến dịch lịch sử này đâu. Các đồng chí chỉ còn một lần này và một hai ngày chuẩn bị nữa thôi. Chúc thành công”.

Vừa giao xong nhiệm vụ cho Đại tá Diêu, ngay chiều cùng ngày hôm đó (25/4), Bộ Tư lệnh chiến dịch đã điện về báo cáo Tổng hành dinh. Sau đó, theo chỉ thị của Tướng Hoàng Văn Thái, Cục Tác chiến đã truyền đạt chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Tham mưu lệnh cho Thiếu tướng Lê Văn Tri dẫn đầu Tổ chỉ huy đặc biệt và điện đài, cơ yếu, đáp máy bay vào ngay sân bay Thành Sơn.

Vậy là trong ngày 26/4, hai đồng chí Tư lệnh và Phó Tư lệnh đã gặp nhau tại sân bay này cùng các phi công, hoa tiêu, thợ máy - trong đó có cả Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung. Tại đây, Đại tá Hoàng Ngọc Diêu đã báo cáo lại Tư lệnh Lê Văn Tri mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, sau đó quán triệt cho tất cả những người vinh dự được chỉ định tham gia trận chiến đấu này.

Tiếp theo trong ngày 27/4, một phi công đội A37 gồm 5 chiếc (đã kiểm tra) được thành lập, đặt tên là “Phi đội Quyết Thắng” do 5 phi công trực tiếp lái, gồm: Ngoài Nguyễn Thành Trung còn có Từ Để, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Văn Vượng và Hán Văn Quảng - là những phi công đang lái máy bay chiến đấu MIG vừa chuyển sang tập huấn sử dụng máy bay A37 được 5 ngày ở Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có Trung úy Trần On, nguyên là hoa tiêu huấn luyện A37 của không quân ngụy đã trình diện, nay xin tình nguyện tham gia chiến đấu.

Ngay hôm sau, khi nhận được báo cáo của Tư lệnh Lê Văn Tri từ sân bay Thành Sơn gửi về Tổng hành dinh Hà Nội đồng thời báo cáo vào Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đang đặt sát cửa ngõ Sài Gòn - về công tác chuẩn bị trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu đã nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương: Đến ngày 27/4, một quyết tâm mới rất táo bạo đã hình thành và đang được triển khai tổ chức thực hiện với sự nhất trí cao giữa các anh trong Bộ Tư lệnh chiến dịch và Bộ Tổng tham mưu.

Bằng trí thông minh và trình độ kỹ thuật cơ bản về không quân vốn có, các phi công ta đã nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt được kỹ thuật sử dụng loại máy bay chiến đấu của địch, chắc chắn sẽ tạo nên một đòn đánh bất ngờ lớn đối với quân ngụy - cũng như không quân ta đã từng làm cho giặc lái Mỹ bất ngờ và thảm bại khi chúng leo thang ra đánh phá miền Bắc những năm trước đây.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG