Trận đầu và mãi mãi

TP - Cách đây 50 năm về trước, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền vùng biển miền Bắc nước ta. Những người lính Hải quân cùng nhân dân miền Bắc đã đem tất cả tinh thần và nghị lực làm nên chiến thắng trận đầu vang dội…

Cách đây 50 năm về trước, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền vùng biển miền Bắc nước ta. Ngoài sử dụng 2 biên đội tàu sân bay Constelltion và Ticonderoga gồm 40 chiếc cất cánh 64 lần bất ngờ tấn công vào các căn cứ hải quân chạy dài 250 hải lý ven biển từ Hòn Gai (Quảng Ninh) đến sông Gianh (Quảng Bình) với âm mưu tiêu diệt toàn bộ tàu chiến của ta trong vòng một ngày. 

Nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và lòng dũng cảm, những người lính Hải quân cùng nhân dân miền Bắc đã đem tất cả tinh thần và nghị lực làm nên chiến thắng trận đầu vang dội…

Kỳ 1: Vẫn nóng hổi thời sự

Cho đến bây giờ sau nửa thế kỷ kể từ khi bộ đội Hải quân Việt Nam đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ rút khỏi vùng biển miền Bắc, những chiến sĩ hải quân chiến đấu trên con tàu 161 ngày ấy giờ đây đã trở thành “người lính già”, nhưng ký ức về trận đầu vang dội thì như mới hôm qua. Câu chuyện về trận đánh tàu địch trên sông Lạch Trường, Thanh Hóa được kể lại qua hồi ức của nguyên Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công trong niềm tự hào…

Mưu đồ thâm độc 


Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên Tư lệnh Hải quân, bây giờ đã trở về với đời thường, nhưng ký ức về trận đánh lịch sử ngày 2/8/1964 thì không thể nào quên. Ông Công quê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Thời trai trẻ, ông khoác áo Hải quân bởi ông yêu biển, đảo và những con tàu. Những ngày tháng chiến đấu cùng đồng đội ở đảo Hòn Mê, Hòn Cát trên sông Lạch Trường, Thanh Hóa theo ông là những tháng ngày đẹp nhất. Chính tình yêu Tổ quốc và tinh thần anh dũng đã làm nên vị Tư lệnh Hải quân tài ba thao lược. 

Ông Công nhớ lại: “Với ý đồ chiến lược tạo cớ đánh miền Bắc nước ta, từ những ngày đầu tháng 8, lực lượng Hải Quân Mỹ liên tục xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Thực chất là chúng dùng chiêu bài khiêu khích để hòng ta mắc lừa. Biết không làm gì được nên sau đó chúng đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc bộ”. Ngày ấy tôi còn là chiến sĩ hàng hải, khi nói đến lái tàu đánh giặc là sướng lắm. Nói đến ra chiến trường đánh giặc đồng nghĩa với gian khổ, nhưng mình là thanh niên, sức trẻ tràn đầy, xá gì chuyện ấy”.

Trận đầu và mãi mãi ảnh 1 Tàu 333, 336, 339 thuộc phân đội 3 trong trận thắng đầu ngày 2/8/1964 tại Vịnh Hạ Long Quảng Ninh, ảnh tác giả chụp lại ảnh tư liệu Lữ đoàn 171

- Câu chuyện ngày ấy diễn ra như thế nào thưa ông?

- Sự kiện này bắt đầu từ sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963. Chúng mở ra kế hoạch xâm lược Việt Nam với ý đồ leo thang đánh chiếm từng địa phương mà trọng điểm là ném bom Hà Nội. Bằng những mưu kế nham hiểm như tăng cường do thám bằng máy bay chiến lược U2, thả biệt kích trà trộn vào các làng mạc, bắt cóc người dân miền Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và tổ chức các cuộc tiến công của biệt kích từ hướng biển. Đặc biệt ngày 2/8/1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục Maddox tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam để làm hậu thuẫn cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4 cũ. Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương ở Sông Gianh, Quảng Bình. Đây là nơi cung cấp lực lượng chiến đấu và lương thực thực phẩm cho chiến dịch. Ngoài vùng biển phía Bắc, bộ đội Hải quân bố trí một số tàu tuần tiễu, tất cả các đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao”.

Để thực hiện mưu đồ thâm độc ấy, đế quốc Mỹ đã vạch kế hoạch bằng mọi cách đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc của ta trong 12 đêm ngày với sự hậu thuẫn của toàn bộ lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ 

Giôn - xơn tuyên bố: Phải mở chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam. Trong hai ngày mồng 1 và mồng 2/8/1964, phải đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng. Tàu khu trục Maddox số hiệu 731 đã tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo. Nhưng tất cả các hoạt động thăm dò tin tức của chúng không lọt được “mắt thần” của các chiến sĩ Hải quân đang canh gác trên vùng biển này. Trước mưu đồ của Mỹ, Quân chủng Hải quân đã hạ quyết tâm chiến đấu và quyết đánh thắng mưu đồ của Mỹ bằng mọi giá”.

Tàu Maddox vi phạm chủ quyền

Để hiểu tường tận về mưu đồ “chiến dịch leo thang” của Mỹ, chúng tôi đã tìm gặp đại tá Anh hùng LLVTND Hoàng Kim Nông, nguyên chiến sĩ hàng hải trên con tàu 187 trong trận chiến tại cửa biển Lạch Trường, Thanh Hóa ngày 5/8/1964. 

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh của vị đại tá đã nghỉ hưu dường như không hề phai nhạt: “Cái ngày ấy, nói đến đánh giặc là hăng hái lắm. Nếu chúng ta không quyết tâm đánh tàu khu trục Maddox của Mỹ, chắc chắn vùng biển dọc các tỉnh duyên hải từ Thanh Hóa, qua Nghệ An, đến Quảng Bình sẽ bị bom Mỹ phá hoại hoàn toàn, và đất nước ta cũng bị chia cắt lâu hơn”, Đại tá Nông khẳng định.

Trận đầu và mãi mãi ảnh 2 Tàu khu trục Maddox của Mỹ xâm phạm lãnh hải Việt Nam.   Ảnh: TL

Để biến “chiến dịch leo thang” của nhà cầm quyền Mỹ thành hiện thực, lúc 0 giờ 30 phút ngày 1/8/1964, 4 tàu biệt kích của Hải quân Việt Nam Cộng hòa từ căn cứ Vùng 1 duyên hải tại Đà Nẵng, vượt vĩ tuyến 17 ra vùng biển miền Bắc để hoạt động phá hoại. Bọn chúng chia làm hai tốp, một tốp hướng đảo Hòn Ngư phía Đông Cửa Hội thuộc tỉnh Nghệ An, một tốp hành quân ra đảo Hòn Mê thuộc tỉnh Thanh Hóa để phá hoại các công trình của ta trên hai đảo này. Nhưng bộ đội Hải quân các tỉnh duyên hải Thanh Hóa, Nghệ An đã chủ động đánh địch ngay từ đầu, làm chúng không thực hiện được ý định, vội vàng bắn mấy loạt pháo rồi rút chạy vào Nam.

Hải trình ngược gió và sóng lớn, song cán bộ chiến sĩ trên ba tàu luôn nêu cao ý chí chiến đấu. Quá trình hành quân là quá trình củng cố lực lượng, bố trí đội hình, chuẩn bị phương án tác chiến, động viên tư tưởng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Đúng lúc đó, kíp trắc thủ radar thuộc trạm 530 ở Đèo Ngang, Quảng Bình phát hiện xuất hiện mục tiêu lạ phía Đông Cửa Tùng, Quảng Trị và đang di chuyển về phía Bắc. Với kinh nghiệm và bản lĩnh nghiệp vụ, các chiến sĩ khẳng định đó là tàu khu trục của địch. Ngay lập tức, trạm trưởng radar C350 Hồ Dư Lập báo cáo về Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng Hải Quân ở sông Gianh và Bộ Tư lệnh ở Hải Phòng. Lệnh báo động chiến đấu cấp 1 được ban hành. Các tàu phóng lôi thuộc Đoàn 135, tàu tuần tiễu, pháo bờ biển sẵn sàng chiến đấu. 

Sáng 1/8, tại các đài quan sát, qua ống nhòm, các chiến sĩ đã nhìn rõ tàu khu trục Maddox của Mỹ có số hiệu 731 đang tiến sát vào bờ biển. Khi đi qua Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Ngư, tàu Maddox vòng đi vòng lại nhiều lần để trinh sát điện tử nhằm phát hiện các công trình quân sự của các đơn vị Hải quân. Khi gặp các tàu hải quân, chúng đã chĩa nòng pháo vào hướng tàu để hù dọa, khiêu khích. Sau đó, chúng tiến lên phía Bắc.

Chiến công đầu tiên

Nắm bắt được ý đồ đen tối của Mỹ và sự ngông cuồng của tàu khu trục Maddox, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Quân chủng Hải quân sử dụng một phân đội tàu phóng lôi đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ. Đó là lúc 21 giờ 15 phút ngày 2/8/1964. Ba tàu phóng lôi có phiên hiệu 333, 336, 339 thuộc Đoàn 135 do phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột và chính trị viên Mai Bá Xây chỉ huy. Ba tàu phóng lôi khẩn cấp rời căn cứ hải trình ra Bắc đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) đánh tàu địch.

Trận đầu và mãi mãi ảnh 3 Chiến sĩ hàng hải Đỗ Xuân Công trên con tàu 161 năm xưa, ảnh tác giả chụp lại ảnh tư liệu Lữ đoàn 171

Hải trình ngược gió và sóng lớn, song cán bộ chiến sĩ trên ba tàu luôn nêu cao ý chí chiến đấu. Quá trình hành quân là quá trình củng cố lực lượng, bố trí đội hình, chuẩn bị phương án tác chiến, động viên tư tưởng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Cựu binh Hải quân, trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng HQ-07, Lữ đoàn 171 ngày nay (năm 1964, Lữ đoàn 171 là Hạm đội 171), kể lại: “Khi cự ly giữa tàu ta và tàu địch rút ngắn dần. Lúc này tàu địch đã phát hiện được tàu ta, nhưng thấy chỉ có 3 tàu phóng lôi nhỏ bé, nên chúng vẫn nghênh ngang giữ nguyên hướng đi cũ. Khi tàu ta đến gần, pháo lớn trên tàu địch bắt đầu phát hỏa. Lúc ấy, anh Nguyễn Xuân Bột vừa quan sát điểm nổ, vừa hạ lệnh cho biên đội vận động theo hình chữ chi để tránh đạn địch, tiếp tục tiến lên. Mặc dù pháo địch bắn xối xả, song ba tàu vẫn thẳng tiến và tăng tốc. Anh Bột vẫn cho tàu 336 bám chặt tàu địch. Lúc này, máy bay của địch đã dùng rốc két và đạn 20mm bắn xuống đội hình tàu ta. Pháo thủ tàu 339 trúng đạn hy sinh, khoảng 1 phút sau, thuyền trưởng tàu 336 cũng bị trúng đạn hy sinh tại chỗ. Đêm 2/8, cả ba tàu sau khi đánh đuổi được tàu Maddox rút khỏi vùng biển, đã hành quân về đất liền. Đó là chiến công đầu tiên của hải quân trong trận đánh này”.

Đón đọc kỳ tiếp

Một bên là vũ khí thô sơ và lòng dũng cảm với ý chí quyết tâm đánh giặc đến cùng. Một bên là vũ khí hiện đại tối tân với đội quân thiện chiến nhà nghề được trang bị từ chân đến răng. Cuộc chiến đấu giữa cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc với 2 biên đội tàu sân bay Constelltion và Ticonderoga gồm 40 chiếc cùng hàng ngàn binh lính Mỹ ngày 5/8/1964 thực sự là một cuộc “kiến đấu voi” . Chiến thắng luôn thuộc về chính nghĩa…

MỚI - NÓNG