Trân trọng đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Trân trọng đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình đã đánh giá như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng AP về chủ đề người Việt Nam ở nước ngoài. Tiền phong Online xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình: Chúng tôi đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với quê hương đất nước. Hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài là vốn quý, có vai trò quan trọng và đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam về nhiều mặt.

Về kinh tế, kể từ 1988 đến hết năm 2004, có 1630 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vể nước với tổng số vốn đăng ký đạt 630 triệu USD và 3.500 tỷ VND; hàng năm lượng kiều hối người Việt Nam ở nước ngoài gửi về Việt Nam giúp thân nhân trong nước ngày càng tăng.

Do hiểu biết về tình hình, nhu cầu trong nước, đồng thời cũng nắm vững tình hình, kinh tế và phong tục tập quán của các nước sở tại, nên người Việt Nam ở nước ngoài là đầu mối quan trọng giữa các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong nước Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Tôi nghĩ chắc chắn rằng thành tích xuất khẩu đầy ấn tượng của Việt Nam năm 2004 (26 tỷ USD) đã có sự đóng góp không nhỏ của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu để hội nhập quốc tế về kinh tế thì sự hiểu biết của người Việt Nam ở nước ngoài về luật pháp quốc tế, luật pháp của các nước mà họ sinh sống là quan trọng cho các đối tác trong nước. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về nước ngày càng tăng cũng giúp cho du lịch phát triển.

Dù sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn duy trì mối quan hệ gần gũi với quê hương đất nước, mong muốn đất nước phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng. Người Việt Nam ở nước ngoài ở đâu cũng thể hiện và quảng bá lối sống, mặt tốt đẹp văn hóa Việt Nam và làm phong phú văn hóa nước sở tại, góp phần làm cho người dân nước sở tại hiểu biết thêm Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một "cầu nối" bắc nhịp cầu hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hợp tác và tình cảm giữa nước sở tại mà họ sinh sống và Việt Nam.

AP: Theo ông, Chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi gì trong chính sách nhằm thu hút hơn nữa Việt kiều về làm ăn và đầu tư tại Việt Nam? Việt Nam cần có thêm những thay đổi gì để thu hút hơn nữa Việt kiều về Việt Nam?

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình: Chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhất quán. Qua mỗi thời kỳ chính sách đó ngày càng thể hiện rộng mở hơn, và đó chính là lý do vì sao dẫn đến sự thay đổi thái độ nhiều của người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.

Chúng tôi luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh...

Về mặt pháp lý, người Việt Nam ở nước ngoài gia nhập quốc tịch nước nào thì họ là công dân nước đó, nhưng theo tập quán châu Á, thì về quan hệ tình cảm và huyết thống, họ vẫn rất gắn bó với người thân ở trong nước. Chúng tôi rất ủng hộ việc duy trì và phát triển mối quan hệ đó phù hợp với luật pháp nước sở tại mà họ sinh sống. Nhưng bà cũng đã biết, trong hoàn cảnh Việt Nam sau chiến tranh, số người ra đi rất đông và trong số đó có không ít người mang những thành kiến và thái độ tiêu cực với đất nước.

Trong thời kỳ đó, đất nước chúng tôi còn hết sức khó khăn nên chính vì thế mà chính sách lúc đó chưa phải là cởi mở lắm. Trong tình hình đó suy nghĩ và thái độ của người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn, cũng như suy nghĩ của người dân trong nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa phải là thuận lợi.

Nhưng thời gian gần đây, cùng với những đổi thay và phát triển mạnh mẽ của đất nước, chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng rộng mở đã làm cho người Việt Nam ở nước ngoài về với đất nước càng ngày càng đông và đóng góp của họ cho đất nước càng ngày càng nhiều hơn, làm cho quan hệ giữa trong nước và ngoài nước càng ngày càng gần gũi, hiểu biết lẫn nhau.

Vừa qua, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị đối với Chính phủ nhiều chính sách mới đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà thể hiện rõ nhất là Nghị quyết 36 Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã được ban hành ngày 26/3/2004 và kèm theo đó là Chương trình Hành động của Chính phủ, trong đó quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành các địa phương phải khởi thảo xây dựng chính sách mới để làm sao hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là biểu hiện rõ rệt của chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 mặt lớn sau:

1. Đề ra những biện pháp, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước thoải mái hơn, vấn đề xuất nhập cảnh; vấn đề thôi quốc tịch, nhập quốc tịch. Đối với những trường hợp bà con có nhu cầu hai quốc tịch, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết phù hợp với tập quán quốc tế. Chúng tôi sẽ tính đến chính sách cho bà con Việt kiều như quyền thừa kế, tạo điều kiện thật cởi mở cho họ được có bất động sản, mua nhà, sử dụng nhà..., cũng như có những chính sách và biện pháp cởi mở hơn liên quan đến quyền lợi mỗi cá nhân.

2. Đề xuất với Chính phủ các biện pháp và chính sách nhằm tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể về nước làm ăn, đầu tư, buôn bán một cách thoải mái, tạo thuận lợi nhất cho trí thức Việt kiều, các nhà khoa học có điều kiện về nước không những giúp đỡ cho đất nước phát triển công nghệ, mà còn tạo điều kiện cho họ làm ăn, phát triển bằng trí tuệ ở trong nước trên tinh thần "ích nước, lợi nhà".

3. Quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần, tâm linh, văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam cũng như người châu Á đi dâu cũng muốn giữ bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, mối dây liên hệ với người thân và đồng bào ở trong nước.

Vì vậy, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp thường xuyên cho bà con ở nước ngoài những thông tin về tình hình mọi mặt ở trong nước và những sản phẩm văn hóa mà đồng bào chúng tôi ở nước ngoài có thể hưởng thụ được thông qua các kênh thông tin như đài truyền hình, báo điện tử, trang web, sách báo...; đưa các đoàn nghệ thuật trong nước ra nước ngoài biểu diễn.

Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích các hoạt động giao lưu về văn hóa giữa trong và ngoài nước như khuyến khích các nghệ sĩ về nước biểu diễn hoặc nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài biểu diễn phục vụ cộng đồng; tổ chức thi đấu thể thao giữa trong nước và ngoài nước. Tôi tin tưởng rằng những hoạt động giao lưu giữa trong và ngoài nước về văn hóa, tinh thần như vậy sẽ làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

4.Khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ vì hiện nay cha mẹ ở nước ngoài rất lo lắng cho việc học tiếng Việt cho con cái họ, những người ít có điều kiện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Chúng tôi hỗ trợ theo những hướng khác nhau: Hỗ trợ sách giáo khoa, chwơng trình dạy học; phát sóng trên truyền hình các chương trình dạy tiếng Việt; xây dựng trường dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi rất chú ý đến thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm ngoái, lần đầu tiên chúng tôi đã tổ chức cho 90 em là con em Việt kiều về nước dự trại hè trong thời gian hai tuần ở Việt Nam. Tháng 7 năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức trại hè lần thứ hai. Hàng năm, chúng tôi sẽ tổ chức những lớp học hè để làm sao cho con em người Việt Nam ở nước ngoài về nước học ngắn hạn và sau này sẽ khuyến khích các em về nước học dài hạn.

Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ứng rất tích cực sau khi tổ chức trại hè đầu tiên. Phụ huynh và bản thân các em gửi thư, email phản ánh những cảm tưởng về trại hè rất tuyệt vời: Trại hè đã tạo điều kiện cho các em đi từ Bắc đến Nam, hiểu biết được đất nước quê hương của mình mà lâu nay các em chỉ hiểu một cách láng máng. Trại hè giúp các em chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh của đất nước, tìm hiều thêm về nền văn hóa dân tộc, nhận thức được những đổi thay của đất nước trong thời kỳ đổi mới và đồng thời cũng thấy được những khó khăn của đời sống người dân để có thể góp sức mình cho đất nước nếu có điều kiện.

AP: Xin ông cho biết về số lượng Việt kiều về nước làm ăn và du lịch hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình: Số người Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm thân, làm ăn tăng lên từ năm 2000. Năm 1986 (khi chúng tôi bắt đầu công cuộc đổi mới) là 8.000 người, cuối những năm 1990: 250.000 - 270.000 người/năm. Đầu năm 2000 và 2001: hơn 300.000 người; năm 2002-2003: 360.000 - 380.000 người; năm 2004: 430.000 người. Riêng dịp Tết Âm lịch năm 2005 đã có 200.000 người Việt Nam ở nước ngoài về quê ăn tết. Như vậy, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về nước chiếm khoảng 1/6 khách du lịch đến Việt Nam.

AP: Xin ông cho biết về số lượng kiều hối mà người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước hàng năm. Có phải con số kiều hối hàng năm hiện đã lên tới 4 tỷ USD?

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình: Tôi nghĩ những con số kiều hối thống kê trên mạng chỉ mang tính ước đoán. Có lẽ không đến 4 tỷ USD. Những năm trước đây người Việt Nam ở nước ngoài hàng năm gửi về khoảng 2 tỷ USD, hiện nay khoảng 3 tỷ USD. Tôi cho rằng đây là tiền bà con ở nước ngoài gửi về giúp đỡ cho người thân trong nước sinh sống, làm ăn và kinh doanh.

Về gián tiếp, kiều hối cũng giúp cho sự phát triển kinh tế xã hội Việt nam. Chính phủ đã và đang có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân trong nước được nhận tiền từ nước ngoài về và việc chuyển tiền được thực hiện một cách nhanh chóng theo đúng luật pháp Việt Nam và pháp luật sở tại.

AP: Theo ông, liệu còn những trở ngại, thái độ nghi ngại của người Việt Nam ở nước ngoài sau 30 năm chiến tranh kết thúc?

Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình: Tôi nghĩ việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước là khuyến khích mối quan hệ gắn bó giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị mà tôi đã có dịp đề cập.

Chính sách của Nhà nước chúng tôi đối với người Việt Nam ở nước ngoài là: Lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh làm điểm tương đồng, chấp nhận những quan điểm khác nhau miễn là không trái với lợi ích chung của dân tộc; không phân biệt quá khứ, hướng tới tương lai; mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, nguồn gốc xuất thân, lý do ra nước ngoài, hễ ai mong muốn đóng góp vào mục tiêu trên thì đều có chỗ đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Cuộc chiến tranh vừa qua đã gây ra bao nhiêu hậu quả nặng nề cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Những vết thương chiến tranh như chất độc da cam, sự hy sinh, mất mát của biết bao nhiêu con người, sự tàn phá của bom đạn vẫn còn đang gây ra những hậu quả to lớn cho đất nước và con người Việt Nam hiện nay.

Nhưng điều nghiêm trong hơn cả là nó gây ra sự chia rẽ, làm cho một số đáng kể người Việt Nam ở nước ngoài có thành kiến, còn nhìn nhận về đất nước không đúng, không khách quan theo cách của một số người nước ngoài nhìn "Việt Nam như một cuộc chiến".

Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng có những chính sách tốt để tạo ra ấn tượng mới để cho những người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài nhìn Việt Nam là một đất nước đang phát triển, đang khát vọng hòa bình, khát vọng về đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển vươn lên thành một nước giàu mạnh, hiện đại và văn minh. Chính sách của chúng tôi là người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt quá khứ đã làm gì, đứng về bên nào trong chiến tranh, không phân biệt vị trí xã hội hiện nay.

Nói tóm lại, mọi người đều bình đẳng, miễn là có tấm lòng, có thái độ tích cực, xây dựng đối với đất nước thì đều có chỗ đứng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong số hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước hàng năm, thì hầu hết trong số họ là những người đã vượt biên trái phép sau chiến tranh. Theo luật pháp của chúng tôi thì đó là những người vi phạm luật hình sự. Thế nhưng như Chính phủ chúng tôi đã tuyên bố, và trên thực tế do hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam nên những cơ quan hữu trách không bao giờ xử lý về mặt pháp lý những trường hợp đó, mà còn hoan nghênh họ trở về và trên thực tế những người trở về đều cảm thấy thoải mái.

Tôi xin đưa ra một số ví dụ cụ thể: Gần đây, ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống, Thủ tướng chế độ Sài Gòn cũ đã về nước 3 lần và còn môi giới các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người rất nổi tiếng ở châu Âu, hiện đang ở Hà Nội và hôm qua đã dâng hương Mộ tổ Hùng Vương. Có nhiều tăng ni, phật tử người nước ngoài đi theo Thiền sư về nước trong 3 tháng, thăm cả ba miền rất thuận lợi. Chúng tôi tạo điều kiện để cho họ về nước để hiểu thêm tình hình đất nước. Còn về đóng góp của họ đối với đất nước là tùy tâm và hoàn cảnh của mỗi người. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề đó.

MỚI - NÓNG