Rẻo cao Đăkrông Quảng Trị:

'Trắng' 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Không ít người dân ở Đắkrông phải lấy nước sinh hoạt từ suối, sông không đảm bảovệ sinh. Ảnh: H.T
Không ít người dân ở Đắkrông phải lấy nước sinh hoạt từ suối, sông không đảm bảovệ sinh. Ảnh: H.T
TP - Chủ tịch UBND huyện Đắkrông Lê Đắc Quỳ ngày 27/11 cho hay, trong tổng số 19 tiêu chí cần hoàn thành để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện vẫn còn 8 tiêu chí “trắng” là hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, môi trường, hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu-phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.

Trường học xập xệ, giáo viên thiếu

Chủ tịch UBND xã Pa Nang Hồ Văn My nói rằng, tại 3 điểm trường lẻ Ngược, Cốc, Bù của Trường Mầm non xã Pa Nang cách đây không lâu, các cháu phải nghỉ học bởi không có cô giáo. Trường đã phải điều tạm hai cô giáo ở điểm chính lên bản Ngược, Bù để đứng 2 lớp mẫu giáo 33 cháu, còn các cháu 2 lớp 2-4 tuổi ở đây và 27 cháu độ tuổi mẫu giáo bản Cốc thì vẫn ở nhà… đợi cô giáo.

Không chỉ thiếu giáo viên, các trường học ở Đắkrông đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là tại các xã vùng sâu vùng xa, các điểm trường lẻ. Theo số liệu của Phòng Giáo dục&Đào tạo Đắkrông, toàn huyện có 61 điểm trường lẻ, song đa phần rất xập xệ. Cơ sở vật chất trường học chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân khiến 200/366 học sinh Trường phổ thông cơ sở Dân tộc nội trú Pa Nang phải ở nhờ nhà dân vì thiếu chỗ ở. Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Chí Cường cho biết, hiện trên địa bàn xã mới chỉ có trường tiểu học số 1 đạt chuẩn, còn nhiều điểm trường xuống cấp không có tiền sửa chữa. “Đợt mưa to mới đây nước dâng cao làm điểm Trường Mầm non Khe Hiên sập hỏng toàn bộ. Một lớp học kiên cố vẫn còn là ước mơ của nhiều điểm trường lẻ của xã và huyện chúng tôi”, ông Cường nói.

Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắkrông nói, trong những năm qua, huyện đã nỗ lực vận dụng, huy động các nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp 92 cơ sở trường học và nhà ở giáo viên, tập trung nguồn lực để đưa 4/35 trường học đạt chuẩn.

Đường chưa xong đã hỏng

Trong 5 năm, từ 2011 - 2015, huyện Đắkrông làm mới và sửa chữa, nâng cấp 117km đường giao thông nông thôn với kinh phí 220 tỷ đồng. Trong đó số cây số đường xã, liên xã đạt chuẩn là 96%; đường liên thôn, trục thôn xóm làm được 63% với 6/13 xã đạt chuẩn; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt chuẩn 61%... Song với điều kiện khắc nghiệt, địa hình đồi núi dốc gây nên tình trạng xói lở, phá hủy các công trình giao thông công cộng. Nhiều con đường chưa làm xong đã hư hỏng như ở xã A Vao, A Bung, A Ngo. “Kinh phí eo thắt trong khi khả năng đối ứng vốn từ người dân không thể thực hiện được là một thách thức không nhỏ trong lộ trình phấn đấu xây dựng NTM đối với tiêu chí về giao thông của huyện chúng tôi”, Chủ tịch huyện Lê Đắc Quỳ nói. 

"Trắng" hộ nghèo

Đắkrông hiện có 12/13 xã “không đạt” tiêu chí hộ nghèo. Chủ tịch xã Pa Nang Hồ Văn My nói, xã có 9 bản 554 hộ dân song có tới 406 hộ nghèo, chiếm 73,28%. 100% hộ dân xã Pa Nang là đồng bào dân tộc thiểu số, sống nhờ vào rừng và có một ít diện tích sắn, lúa. Năm 2014, Pa Nang có trên 200 hộ nghèo. Năm 2015, khi điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo ở đây tăng lên gấp đôi. Chuyện thoát nghèo đối với địa phương này là vấn đề nan giải bởi tập quán canh tác, kỹ năng sản xuất của đồng bào vẫn theo lối tự cung, tự cấp lạc hậu.

Hướng Hiệp là xã trải dọc theo Quốc lộ 9 rất có điều kiện để phát triển,  và còn là xã điểm NTM của huyện Đắkrông, song cái đích đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo theo NTM vẫn còn xa vời. Chủ tịch xã Hồ Chí Cường cho hay, 56% dân số của xã hiện là hộ nghèo, trong đó có những thôn như Pa Loang, Kreng hộ nghèo chiếm 71%.

Nguyên do của tình trạng “nghèo bền vững”, theo lý giải của Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắkrông Trần Văn Chạy, đa phần là do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Ông Chạy cho biết, thực tế các xã trên địa bàn huyện  đều nhận được khá nhiều dự án, chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón... của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng quan tâm thực hiện các chương trình khuyến lâm, khuyến nông, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế có lợi thế phát triển, song hầu hết các mô hình hỗ trợ người dân đều chỉ duy trì được một thời gian. “Như ở xã Hướng Hiệp, cách đây không lâu được dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (BCC) hỗ trợ một nhóm hộ làm vườn ươm giống cây rừng trồng ở thôn Hà Bạc, rồi dự án làm nấm sò ở thôn Xa Rú, song hiện không có mô hình nào được duy trì hay nhân rộng bởi dự án hết vốn đầu tư thì mô hình kinh tế vừa xây dựng cũng... tiêu theo”, ông Chạy kể. 

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay huyện Đắkrông (là 1/61 huyện nghèo nhất nước) vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn. Hộ nghèo ở đây đang chiếm 55,56%, chiểu theo tiêu chí NTM về hộ nghèo dưới 5% thì việc giảm nghèo ở huyện rẻo cao này là điều không dễ. 

MỚI - NÓNG