Trắng đêm trông quất canh đào

Trắng đêm trông quất canh đào
TPO - Để có một vụ đào, quất thắng lợi, những người mang đào, quất hoa cảnh xuống phố vừa thấp thỏm trông trời, trông đất vừa phải ăn sương nằm gió trông… trộm. Họ trắng đêm thức để trông hàng.

Trông… trời cho hoa nở ngày xuân

Những ngày này, dọc dài trên đường Lạc Long Quân, Âu Cơ… (Tây Hồ, Hà Nội) là những cành, chậu đào, cây cảnh to nhỏ đủ sắc xuân. Sau gần cả năm chăm sóc, tỉa tót trong vườn, những ngày giáp tết là dịp thu hoạch thành quả của chủ vườn đào, quất.

Từ những ngày đầu tháng Chạp, nhiều gốc, cây đào đã nhộn nhịp xuống phố, tạo nên “vườn hoa xuân” giữa phố phường đông đúc. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, ủng hộ các chủ vườn đào. Hoa nụ nở khá dày. Đợt rét không quá dài nên các chủ vườn ít phải “tác động” cho mầm nảy lên như năm trước. Tại vườn, hay khi xuống phố, ít cảnh phủ ni lông, thắp đèn sưởi… Nhưng những người trồng đào cũng không khỏi nhấp nhổm trông trời, trông đất…, mong không có đợt rét hoặc nóng bất thường vào những ngày cuối năm.

Dù trong thời tiết tương đối ổn định, nhưng chủ vườn vẫn nhấp nhổm trông những gốc đào to, giá trị. Những hôm rét đậm và mưa, họ phải phủ ni lông kín và thắp đèn sưởi thúc ra hoa, nảy mầm và nụ. Họ phải thức thâu đêm canh… trời, chờ đào nở.

Giá đào năm nay không vênh nhiều so với năm trước và “chắc” giá. Theo ghi nhận từ các chủ hàng, năm nay, đào nở tương đối đồng đều, nhiều nhà trồng và nhiều nơi đưa về. Vì thế, niềm vui đào được mùa nhanh chóng xen lẫn chút ái ngại về giá cả. Một cây đào tạo dáng đẹp nhỏ có giá tầm 600.000 – 800.000 đồng. Một gốc đào đẹp lâu năm cho thuê cỡ 3,5 triệu – 5 triệu.

“Những gốc đào như vậy chủ yếu cho thuê. Có những người mua nhưng chơi xong Tết không có đất trồng để chết thì tiếc lắm” – một chủ vườn đào ở Hà Nội cho biết.

Trắng đêm giữa phố trông đào, quất

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi chủ vườn trên đường Lạc Long Quân được thuê gần 20m để bày bán. Mặc dù đóng phí, nhưng để có chỗ bán không phải đơn giản. Gần 8 năm mang đào bày bán trên đường Lạc Long Quân, anh Sáu Lợi – một chủ vườn đào ở Phú Thượng (Hà Nội) - cho hay: những năm trước, nhiều chủ vườn bày bán bên kia đường. Nhưng nhiều nhà dân có mặt tiền rộng nên cản trở không cho bày bán, đòi phải thuê mặt bằng, dù mình đã làm việc với phường”.

Từ lúc mang đào xuống phố bán cũng là bắt đầu những ngày những người bán đào ăn gió nằm sương canh giữ. Anh Tuấn - một chủ vườn hoa bộc bạch: “Công sức cả năm của mình nên thế nào cũng phải bảo vệ, không mình mất tết”.

“Thay nhau trưa, tối về cơm nước rồi lại ra trông, bán cây. Đêm thì chia ca ra thức” – Anh Sáu Lợi cho hay. Chăn gối, ấm chén… và cả mỳ tôm cũng được đem theo. Tại những dãy bày bán cây tết, họ dựng lều hay đơn giản căng tấm bạt lấy chỗ nghỉ. Mỗi lều có đến hai ba người thay nhau ngồi ngoài trời canh đào, quất. Đêm rét, những đống lửa nhỏ được nhóm lên xua đi cái lạnh. Bụng đói, họ ăn tạm bát mỳ tôm “không người lái”, uống nhanh cốc trà đặc quánh, nóng bỏng cho tỉnh người…

“Thi thoảng phải cầm đèn ra soi các gốc đào. Vừa xem thời tiết thế nào vừa đề phòng trộm cắp. Những năm trước, chuyện một đêm mất mấy gốc đào là bình thường nên chúng tôi phải cẩn thận” – một chủ lều canh đào, quất cho hay.

Không chỉ những chủ vườn đào trắng đêm canh hàng, mà còn có cả những người buôn quất, bán mai. Vợ chồng anh Hải (quê Hưng Yên) hai năm gần đây cất công đánh hẳn ô tô xuống Hà Nội, vừa bán buôn cho một số cửa hàng, vừa tự bán lẻ trên các chợ hoa ở Hà Nội.

Anh Hải cho biết: Ban ngày thì để vợ trông, bán hàng. Đêm thì anh và con trai lớn thay nhau ngủ để trông nom. Trắng đêm nơi đất khách, quê người, họ đủ nỗi lo canh cánh trong lòng, làm sao cho cây ra hoa ngày tết…

> Xem chùm ảnh tại đây

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.