Trang mạng ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt những gì ngon ngọt nhất

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)
TPO - “Các trang tin ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt ngon nhất cho mình trong khi họ không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phi Thường nhận định.

Thảo luận về Luật Báo chí sửa đổi sáng 26/11, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đặt vấn đề: Truyền thông có phải là đối tượng để luật điều chỉnh không? Theo ông Thường, sự bùng nổ của internet trong thời gian qua đã làm thay đổi địa vị của báo chí chính thống. Bên cạnh lợi ích, truyền thông xã hội đang gây nhiều tác động về xã hội, đặc biệt với báo chí.

“Chuyên gia truyền thông có nói, truyền thông xã hội mới là xu hướng báo chí trong tương lai. Chỉ cần một điện thoại di động, người sử dụng đã biến chúng thành một tòa soạn, thành tờ báo, trường quay xử lý và thậm chí là một sạp báo. Một công dân được hỗ trợ công nghệ có thể trở thành một phóng viên, biên tập viên, thậm chí là tổng biên tập. Thói quen tiếp nhận tin, tìm tin, mua tin, xem tin đã thay đổi”.

ĐB Thường cũng cho rằng, bạn đọc đang thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngả sang đọc thông tin trên mạng. Việc tham gia không giới hạn của các mạng truyền thông xã hội đã khiến hoạt động của báo chí chính thống ngày càng khó khăn.

“Khi có một vụ việc nào đó, trong lúc báo chí chính thống tuân thủ các định hướng và dừng chưa đưa, thì truyền thông xã hội đưa rất nhiều. Đến khi báo chí chính thống đưa tin thì bạn đọc đâu còn kiên nhẫn để chờ đợi, dẫn đến mất bạn đọc, suy yếu”.

Bên cạnh đó, ĐB Thường cũng nhìn nhận, việc vi phạm bản quyền báo chí rất phổ biến. Mỗi tờ báo điện tử trung bình xuất bản 300 tin, bài mỗi ngày nên "việc hậu kiểm xử lý, khiếu nại vô cùng khó khăn". Nguyên nhân chính là do sự tồn tại phi lý của các trang tin điện tử tổng hợp, loại hình truyền thông mà có ý kiến cho là “quái thai dị dạng”.

“Các trang tin này là ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt ngon nhất cho mình trong khi họ không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào”, ông Thường nói.

Theo thống kê hiện cả nước có hơn 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần các tờ báo điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. “Vậy là có tình trạng người làm thật ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Tốc độ cóp nhặt siêu tốc nên việc quản lý các trang tin rất khó khăn. Thế mới có chuyện sáng đưa, trưa rút”, ĐB Thường nhìn nhận, đồng thời đề nghị Luật Báo chí sửa đổi cần xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp, chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các trang tin mang tính chất báo chí.

Có cùng mối băn khoăn về trang tin điện tử tổng hợp, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, thủ tục đăng ký các trang thông tin tổng hợp tương đối đơn giản, nên trong thời gian qua số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây quá tải trong công tác quản lý nhà nước. Rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ vi phạm bản quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ gây bức xúc rất nhiều cho các nhà báo, tờ báo.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá quyền tác giải báo chí là vấn đề rất quan trọng, tuy nhiên, việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả chưa nghiêm, chưa triệt để, dẫn đến mất quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. “Điều đó làm cho nhiều trang báo mất người đọc, mất luôn cả khả năng tăng doanh thu quảng cáo và các cơ hội kinh doanh khác”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

ĐB Lâm Văn Thành (Lạng Sơn) cũng cho rằng, quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí khó kiểm soát. Tình trạng sao chép bài, tin, ảnh không trả thù lao, trích dẫn nguồn chưa đúng quy định diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho tác giả hoặc phản cảm cho người đọc.

MỚI - NÓNG