Tranh cãi về Luật Quy hoạch: Liệu có lợi ích cục bộ?

Dự thảo Luật Quy hoạch gây ra nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT.
Dự thảo Luật Quy hoạch gây ra nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT.
TPO - Dự thảo Luật Quy hoạch dù chuẩn bị được QH xem xét thông qua, nhưng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) gần đây một số Bộ trưởng vẫn “nói ngược” nhau. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có lợi ích nên “ai cũng muốn ôm” quy hoạch hay lý do nào khác?  

Lo ngại tác động tiêu cực

Một trong những tranh cãi lớn nhất hiện nay là việc Dự thảo Luật Quy hoạch không quy định về Quy hoạch xây dựng (QHXD). “Bộ Xây dựng muốn giữ lại QHXD, nhưng các chuyên gia đầu ngành cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng hay đất đai, tài nguyên đều cho là phải thay đổi”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói tại cuộc họp gần đây của UBTVQH.

Trước vấn đề trên, không chỉ tranh cãi tại các phiên họp, Bộ Xây dựng còn có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo rõ hơn một số vấn đề trong Dự thảo Luật Quy hoạch.

Bộ Xây dựng khẳng định: “Dự thảo Luật chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Đồng thời việc không quy định về QHXD trong hệ thống quy hoạch tại Việt Nam mà chỉ xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.

Theo Bộ Xây dựng, các nội dung về QHXD vùng và QHXD khu chức năng đặc thù được tích hợp trong nội dung của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (quy hoạch tổng thể) trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi. Điều này dẫn đến thời gian để hoàn thành việc lập một bản quy hoạch sẽ kéo dài hoặc chất lượng nội dung của quy hoạch không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặc thù của từng ngành.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ngay trong việc tổ chức lập QHXD, chỉ khi nào các nội dung nghiên cứu, đề xuất về không gian, kiến trúc cảnh quan cơ bản ổn định thì việc nghiên cứu, đề xuất về các nội dung hạ tầng kỹ thuật và môi trường mới đủ điều kiện để tiến hành.

“Nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch, trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các QHXD đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

 Không phải khớp nối để có “Bộ luật thật to”

Theo các chuyên gia, việc Thủ tướng có chỉ đạo về việc này là hết sức cần thiết.  Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay đang tồn tại rất nhiều bất cập. Nhiều nội dung vướng các luật khác dẫn đến phải điều chỉnh, phải thay đổi.

 “Luật này phải làm thế nào để tạo hành lang pháp lý, từng luật, từng cơ quan pháp lý của Bộ, ngành phải hết sức rõ ràng nhưng phải thống nhất với nhau. Chứ không phải khớp nối vào đây để cho Bộ luật thật to, luật này ôm tất cả luật khác vào”, ông Chính đề nghị.

Cũng theo ông Chính, Luật xây dựng quy định về vấn đề QHXD, từ quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là tiền lệ các nước trên thế giới đều làm lâu nay. Người Pháp làm quy hoạch vùng Paris, người Anh làm quy hoạch đại đô thị London, Nhật có quy hoạch vùng thủ đô Tokyo…

Ông Chính khẳng định, trước nay, Việt Nam cũng làm theo cách đó và có như vậy hôm nay đất nước mới có tất cả những hạ tầng từ con đường tới nhà máy, trường học… Riêng đồ án quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội cũng phải mất 2-3 năm, mời cả chuyên gia quốc tế hỗ trợ mới làm được.

 “Nếu làm được đúng quy hoạch thì xã hội sẽ phát triển, còn duyệt sai thì phải trả giá. Như khu Linh Đàm, một khu đất diện tích 12ha mà cho xây 4 khối nhà cao 40 tầng, không luật nào cho làm thế cả, vấn đề là phải xem duyệt như thế nào”, ông Chính nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho rằng, việc Dự thảo Luật Quy hoạch này ảnh hưởng đến 32 luật, rất nhiều chuyên gia cũng nói rằng không chỉ dừng lại ở 32 luật mà còn lên đến trên 50 luật.

“Một bộ luật phủ lên rất nhiều bộ luật khác, khiến 50 luật khác cần phải thay đổi, dù thay đổi rất nhỏ câu chữ hoặc thay đổi những điều những khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống pháp luật đi theo như Nghị định, thông tư… thì chúng ta phải cực kỳ thận trọng”, ông Hưng nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.