Trẻ làng chài khao khát lên bờ

Nhiều trẻ em không được đến trường.
Nhiều trẻ em không được đến trường.
TP - Mấy chục em nhỏ sống lênh đênh trên mặt hồ thủy điện Đồng Nai 3 (thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đều có chung một ước mơ được lên bờ, được cắp sách đến trường.

Lênh đênh

Làng chài trên hồ thủy điện Đồng Nai 3 vào buổi trưa chỉ có trẻ em, phụ nữ và người già. Những người khỏe mạnh đi xa đánh cá. Nghề nghiệp chính của 50 hộ dân, 96 nhân khẩu ở đây là đi lưới và nuôi cá bè, khiến hầu hết các em nhỏ sống trên nhà bè phải chịu cảnh thất học.

Ở làng chài này sinh hoạt theo tập quán của người dân miền Tây, tự đặt tên cho từng khóm. Khóm Năm Tài có hàng chục hộ dân, nối các bè liền nhau thành làng nuôi cá bè trên sông. Em Võ Thị Thúy Kiều 12 tuổi được coi là trình độ cao vì biết đọc, cũng mới chỉ học hết lớp 2. Gia đình Thúy Kiều có 2 anh em, Kiều được học chữ khi còn ở quê. Từ lúc theo ba mẹ lên sinh sống ở hồ thủy điện, sách vở em đành bỏ xó.

“Trước khi phiêu bạt kiếm sống, ba mẹ em gửi em lại cho ông bà nội chăm nom. Học được 2 năm, ông bà nội vừa nghèo vừa già yếu, bản thân mẹ em lại mắc bệnh không giúp gì được cho ba, em phải bỏ học về đây cùng ba mẹ bắt cá sống qua ngày” - Thúy Kiều kể.

Thèm được đến trường

Công việc hằng ngày của Thuý Kiều ở xóm chài là giúp mẹ nấu nướng, giặt giũ. Mặc dù đã ngừng học nhiều năm nay nhưng sách Toán và tiếng Anh lớp 2 em vẫn cất giữ cẩn thận. Bìa của các cuốn sách còn mới.

Riêng khóm Năm Tài có gần 20 em độ tuổi đến trường. “Ở xóm chài chúng tôi, tivi cũng chỉ có vài hộ có. Còn lại vất vả lắm. Ngày trước, cá còn nhiều, bây giờ cá hết dần. Chúng tôi mong muốn được lên bờ, chính quyền tạo điều kiện cấp đất để định canh, định cư, các con sau này được học hành, có tương lai. Lâu nay chúng tôi không đăng ký hộ khẩu thường trú được vì không có đất ở”, chị Nguyễn Thị Ka (35 tuổi) chia sẻ.

Trời càng về trưa, sức nóng trong nhà bè của anh Nguyễn Văn Diên hấp thêm nhiệt độ từ mái tôn, khiến mồ hôi chúng tôi nhễ nhại. Vợ chồng anh Diên có 3 người con, hai trong số đó bỏ học từ lâu. “Cuộc sống nay đây mai đó, không ổn định. Hai đứa đầu chỉ học đến lớp 4 rồi bỏ hẳn để theo nghiệp cha. Cố lắm vợ chồng tôi mới gửi được đứa con út ra trung tâm xã Đắk Som, cách nhà hơn 10 km để đi học. Cháu đang học lớp 9!”, anh Diên cho biết.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tìm phương án giải quyết nạn mù chữ cho trẻ em trên hồ thủy điện Đồng Nai 3 và định canh định cư cho các hộ dân ở làng chài. “Chúng tôi gặp khó khăn khi vận động con em đến trường, vì họ nay sống Đắk Nông, mai lại di chuyển qua Lâm Đồng. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với chính quyền địa phương tìm cách cho các cháu đến trường, không để các cháu thất học”.

MỚI - NÓNG