Luật sư Trương Trọng Nghĩa

“Trên trong sạch thì dưới nghiêm ngay”

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hộ. Ảnh: Như Ý.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hộ. Ảnh: Như Ý.
TP - Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, chống tham nhũng trước hết phải chống từ trên xuống dưới, trên mà “trong sạch” thì dưới cũng sẽ “sạch trong” theo.

Sớm triển khai trong thực tế

Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Chính trị ban hành quy định kiểm tra, giám sát tài sản đối với các cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý?

Đảng viên và nhân dân cũng đang rất chờ đợi quy định trên sẽ nhanh chóng được triển khai trong thực tế, nhất là ở những nơi đang có dư luận phản ánh về tài sản “khủng” bất thường của quan chức.

Thực tế lâu nay, các nghị quyết của Đảng, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ, công chức cũng đều đã có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trong thời gian qua chưa được đến nơi, đến chốn. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị của mình cũng chưa được nghiêm.

Bên cạnh đó, việc kê khai, tài sản chúng ta cũng đã quy định. Nhưng kiểm tra, giám sát xem kê khai có trung thực hay không lại rất hạn chế, mang nặng tính hình thức, đối phó. Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là hết sức cần thiết.

Có nghĩa là nếu chúng ta kiểm tra, giám sát, làm nghiêm ở cấp trên thì sẽ tạo ra sự chuyển động ở cấp dưới?

Đúng là như thế. Theo như đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói, số cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hiện có khoảng 1.000 người. Hầu hết những người này đều đang giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy, từ trung ương cho đến địa phương. Như vậy nếu chúng ta kiểm soát trong nội bộ trung thực, chính xác sẽ tạo ra sự lan tỏa, hiệu quả từ cấp trên xuống cấp dưới.

Lâu nay, cử tri và nhân dân vẫn thường nói, muốn chống tham nhũng thì phải chống từ trên xuống dưới, làm quyết liệt từ trên xuống dưới. Đây chính là quy luật, thế giới cũng đều làm thế. Ở nhiều nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra vi phạm trong đơn vị, dù không có lỗi trực tiếp, không tham ô, tham nhũng, họ vẫn phải từ chức để nhận trách nhiệm chính trị.

Ngăn ngừa tẩu tán tài sản

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại với tình trạng che giấu, tẩu tán tài sản dễ dàng như hiện nay, có kiểm tra, giám sát cũng khó mà phát hiện ra tham nhũng?

Đúng là có thực trạng đấy. Nhưng trong hoàn cảnh chúng ta chưa có cơ chế để kiểm soát được tài sản thu nhập của toàn xã hội thì việc kiểm tra, giám sát những người đứng đầu vẫn là hết sức cần thiết. Kiểm tra và giám sát cứ làm từ trên chặt chẽ xuống dưới. Nội bộ có chặt chẽ, nghiêm khắc, không nể nang thì mới tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, giám sát thì phải làm rõ tài sản đó là hợp pháp hay không hợp pháp. Ví dụ, cán bộ cấp cao đứng tên một cái nhà, nhưng vợ và con làm công chức bình thường mà lại có tài sản hàng trăm tỷ thì là điều bất bình thường. Vậy cũng phải phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ số tài sản đó từ đâu ra mà có. Có phải chuyển tài sản cho vợ con đứng tên hay không?

Tiến tới chúng ta cũng cần phải sửa đổi các quy định để bảo đảm làm sao kiểm soát tài sản của toàn xã hội?

Cái này chúng ta phải tính và hướng đến điều đó. Có như thế mới hạn chế, ngăn chặn được tình trạng đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản cho người thân, bạn bè. Bên cạnh đó, cũng cần phải có quy định để  giảm chi tiêu về tiền mặt. Có kiểm soát sự dịch chuyển của các dòng tiền thì chúng ta mới kiểm soát được tài sản của toàn xã hội.

Thứ hai là muốn chống tham nhũng được hiệu quả chúng ta cũng phải nghiên cứu sửa đổi các quy định đưa và nhận hối lộ. Thực tế hiện nay, người dân và doanh nghiệp biết hết những ai là người ăn hối lộ, cái chính là họ không dám tố cáo vì sợ khép vào tội đưa hối lộ. Ngày trước, khi bàn về Luật Phòng chống tham nhũng, tôi cũng đã có ý kiến là cần phải tách bạch theo hướng, nếu cố ý dùng tiền để mua chuộc, đưa hối lộ để trục lợi thì phải bị xử lý hình sự, còn nếu bị “ép buộc” đưa hối lộ thì nên miễn trừ. Ví dụ doanh nghiệp xin giấy phép nhưng cơ quan quản lý không cấp, hoặc bị nhũng nhiễu, hành hạ buộc phải đưa hối lộ thì ở đây họ là nạn nhân nên cần được miễn trừ trách nhiệm hình sự.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG