Triệt hạ cây xanh để đòi vỉa hè: 'Không có vấn đề gì'

Cây xanh bên đường bị chặt ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.
Cây xanh bên đường bị chặt ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.
TP - Không chỉ có xã Cẩm Yên chặt hàng loạt cây xanh hai bên đường liên thôn, liên xã trong đợt ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) mà theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, một loạt xã khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Lãnh đạo huyện cho rằng, “không có vấn đề gì”.

Dọc con đường liên xã nối từ Đại lộ Thăng Long về trung tâm huyện Thạch Thất phải đi qua 4 xã: Đồng Trúc, Hạ Bằng, Tân Xã, Bình Yên. Tuyến đường dài chưa đến 10 km nhưng những ngày này đang râm ran về tình trạng chặt cây xanh hai bên đường để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Thấy phóng viên, nhiều người dân ở đây chủ động trò chuyện, đặt vấn đề dọc con đường đi qua 4 xã này cũng bị chặt cây xanh giống như ở xã Cẩm Yên.

“Thảm sát” hàng trăm cây xanh

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc con đường liên xã tại xã Đồng Trúc, một số cây xanh bị chặt hạ, có những cây đường kính thân lên tới vài chục phân. Theo nhiều người dân nơi đây, cách đây khoảng hơn một tuần, chính quyền xã đi chặt cây. “Người ta chặt xong đào luôn gốc rồi”, một phụ nữ có nhà bên đường nói. Theo chỉ dẫn của người này, phóng viên tìm đến một bãi đất ven đường vẫn còn một đống gỗ rất to, trong đó nhiều khúc gỗ có đường kính vài chục phân.

Đến xã Hạ Bằng, người dân khu chợ Hạ Bằng tỏ ra bức xúc vì hàng loạt cây xanh hai bên đường cũng bị thẳng tay chặt hạ. Chị Nguyễn Thị Hiếu, 36 tuổi, có cửa hàng ở mặt đường nói rằng, đoàn công tác của xã đi chặt cây vào khoảng ngày 8/3. “Họ bảo là có đi tuyên truyền trước nhưng tôi không biết. Họ cứ đến là chặt thôi, dù cây ở trước cửa nhà tôi ở trong, không sát mép đường”, chị Hiếu nói. Trong khi đó, nhà anh Nguyễn Văn Tuân cũng bị chặt mất một cây bàng lớn trồng từ năm 1988. “Họ bảo là vướng vào hành lang đường, lấn chiếm vỉa hè nên chặt. Tôi còn mất thêm tiền để trả cho họ nữa”, anh Tuân nói. Một hộ dân bị chặt mất cây đa lâu năm sát mép nhà cũng phản ứng: “Cây trồng ở sát mép nhà, với lại đây cũng không phải là khu phố để có vỉa hè mà phải dẹp. Hơn nữa, cũng không cần phải chặt đi. Bây giờ mùa hè đến nơi rồi, không có bóng mát nữa”, người này nói. Đáng chú ý là tại một số bờ mương giáp cánh đồng, nhiều cây xanh to ngang vòng tay người ôm cũng bị chặt một cách không thương tiếc.

Không chỉ ở xã Đồng Trúc, Hạ Bằng, mà cả xã Tân Xã, Bình Yên, dọc theo con đường liên xã cũng bị chặt nhiều cây xanh. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục cây xanh ven đường ở hai xã này đều bị chặt hạ. Anh Trần Văn Lãm, nhà ở xã Tân Xã, cho biết, quanh nhà anh có gần chục cây xanh, chủ yếu là do người dân tự trồng bị chặt trong đợt ra quân vừa rồi. “Cây của chúng tôi lùi sâu cách đường vài mét tại sao lại chặt?”, anh Lãm đặt câu hỏi. Tại xã Bình Yên, nhiều cây xanh cũng bị đốn hạ. Một chủ nhà gần trụ sở xã bị chặt bụi tre vài trăm cây. Anh này cho rằng, chính quyền chặt nên anh không dám ý kiến gì. “Chặt cách đây mấy hôm rồi. Bụi tre hôm trước đẹp lắm. Vài trăm cây cơ mà. Chính quyền chặt xong, tôi cho người dân lấy về làm củi bớt rồi đấy. Họ bảo là lấn chiếm hành lang đường và vỉa hè”, anh nói.

Triệt hạ cây xanh để đòi vỉa hè: 'Không có vấn đề gì' ảnh 1

Cây xanh vỉa hè bị chặt ở xã Hạ Bằng. Ảnh: Trường Phong.

“Không có vấn đề gì”

Chiều 24/3, trả lời phóng viên Tiền Phong về tình trạng này, ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất nói rằng, đoàn công tác của các địa phương chỉ xử lý một số “cây bông, cây biếc” để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. “Chúng tôi giải tỏa hành lang giao thông thì mỗi chỗ Cẩm Yên là chúng tôi phải suy nghĩ thôi, còn chỗ khác thì anh em làm giải tỏa, lấy ý kiến dân hết rồi. Người dân đồng ý hết mà. Chỗ giải tỏa toàn cây bông, cây biếc ấy mà. Anh em kiểm tra lại hết. Về vướng hành lang lưới điện phải giải tỏa hết nhưng không nhiều”, ông Hoàn nói. Theo ông Hoàn, ngoài sự việc ở Cẩm Yên, những chỗ khác không có gì. “Yên tâm. Làm chặt chẽ không vấn đề gì”, ông Hoàn khẳng định. Theo ông Hoàn, sự việc ở Cẩm Yên đang cho khắc phục, UBND huyện đã chỉ đạo giao kế hoạch, rà soát, tiến hành trồng ngay cây thay thế. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, căn cứ thông tin báo chí phản ánh, sẽ yêu cầu huyện báo cáo, đồng thời tiếp tục cử đoàn công tác xuống các địa phương xảy ra sự việc, nếu có hiện tượng như Cẩm Yên sẽ xử lý nghiêm.

Liên quan sự việc ở xã Cẩm Yên, theo báo cáo của Sở Xây dựng, thống kê tại hiện trường có tổng số 138 hố, gốc cây đã bị chặt hạ, phá bỏ. Trong đó, số gốc cây còn lại hiện trường là 103. Trong số này, cây có đường kính thân 30- 50 cm là 53 gốc, trên 50 cm là 8 gốc, còn lại là cây có đường kính dưới 20 cm. Số hố trống do đã dịch chuyển cây hoặc đào bỏ gốc cây là 35. Căn cứ các quy định, Sở Xây dựng Hà Nội kết luận, việc UBND xã Cẩm Yên không thông báo mà tự ý chặt hạ và dịch chuyển các cây xanh vi phạm quy định của thành phố về việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội. UBND xã Cẩm Yên giải thích việc chặt hạ hàng loạt cây xanh là do cây đe doạ hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, qua khảo sát thì cây xanh bị chặt hạ đều nằm ngoài phạm vi đường bê tông 3m. Trong hồ sơ cung cấp, UBND xã không thống kê được số lượng cây xanh ảnh hưởng an toàn giao thông như lý do đưa ra khi làm việc. Ban Chỉ đạo 197 huyện Thạch Thất trong quá trình triển khai thực hiện đã thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra dẫn đến việc UBND xã Cẩm Yên chặt hạ cây xanh với số lượng lớn nhưng không phát hiện, đình chỉ, khiến vụ việc trở thành điểm nóng.

Sở Xây dựng nhận định, để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm thuộc về Ban Chỉ đạo 197 huyện Thạch Thất, tập thể Đảng ủy, UBND xã Cẩm Yên, Ban ATGT xã Cẩm Yên, cá nhân các lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Cẩm Yên. Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo các phòng, ban liên quan của huyện và UBND xã Cẩm Yên xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Có phương án trồng thêm cây xanh ở những vị trí thích hợp. Giải quyết các bục, bệ, gốc cây còn lại gây ảnh hưởng an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.