Thảo luận Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước, đại biểu Ngô Văn Minh:

“Trình Quốc hội khi mọi việc đã đâu vào đấy”

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), ĐBQH cho rằng, khi Quốc hội đưa dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách ra thảo luận thì “mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi”.

Sáng 17/4, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Các đại biểu đề nghị cần bổ sung vào trong Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước các cơ chế để bảo đảm công khai, minh bạch, chấm dứt cơ chế xin - cho ngân sách.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, lâu nay người dân rất quan tâm đến việc Quốc hội (QH) quyết định ngân sách là thực chất hay hình thức? Và thực tế chỉ ra rằng, khi QH đưa dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách ra thảo luận thì “mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi”.

“Trước đó các địa phương đã lục tục kéo về Hà Nội gặp Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để bảo vệ dự toán có lợi cho mình. Đến khi trình ra QH thì mọi việc đã xong rồi”, ông Minh nói và đề nghị cần phải thay đổi quy trình lập dự toán ngân sách sao cho thực chất hơn.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, khi xây dựng Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi lần này phải bàn bạc để làm sao QH kiểm soát được ngân sách. Còn nếu QH mà không kiểm soát được thì “quyền lực nhà nước cấp cao đến thế nào thì cuối cùng cũng không có gì là cao cả”. Theo ông Lịch, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở để cho QH kiểm soát ngân sách, vấn đề còn lại là QH có muốn làm hay không?

 “Ngân sách có tầm rất quan trọng. Một năm chúng ta dành bình quân 60 ngày làm việc cho 2 kỳ họp, liệu chúng ta có dành 10 – 15% quỹ thời gian đó để bàn ngân sách không? Kỳ họp giữa năm chúng ta bàn nhiệm vụ chi và kỳ họp sau cũng không cần họp tổ mà họp hội trường 3-4 ngày để quyết cái khung mà chúng ta làm. Bởi vì tôi thấy cái gì đưa ra QH thảo luận minh bạch thì mọi thứ tốt, còn cái gì mà cứ dấm dúi thì không tốt chút nào cả”, ông Lịch nói.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng cho rằng, đã gọi khoản chi của quốc gia thì phải do QH quyết. “Ngay cả chi cho quốc phòng an ninh hiện nay chúng ta cũng không giấu được. Với cơ chế mở, với một thế giới phẳng như hiện nay, ta chi gì thì cả thế giới đều biết, thậm chí thế giới biết trước QH, đại biểu QH. Vì vậy, chúng ta không nên duy trì cơ chế này. Người dân, cử tri yêu cầu phải công khai”, ông Nam nói.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng xác định rõ: khoản thu nào là của địa phương để HĐND quyết cho thực chất, chứ không để HĐND đi quyết cái mà Bộ Tài chính đã quyết.

Thứ hai, phần hỗ trợ của Trung ương do QH quyết định và QH phải chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả. “Chúng ta đang duy trì cơ chế ngân sách lồng ghép, không rõ ràng giữa Trung ương và địa phương nên mới dẫn đến chuyện xin - cho. Lần này cần phải sửa”, ông Lịch đề nghị.

MỚI - NÓNG