Trở lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

Ông Trịnh Lương trước nhà 48 Hàng Ngang.
Ông Trịnh Lương trước nhà 48 Hàng Ngang.
TP - Trở lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) - nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, ông Trịnh Lương - con trai trưởng của cụ Trịnh Văn Bô, chủ nhân ngôi nhà trên đã kể những điều còn ít người biết trong quãng thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại đây.

Vị trí đắc địa của 48 Hàng Ngang

Tôi đến gặp vợ chồng ông Trịnh Lương, đều là nhà giáo nghỉ hưu đã lâu, hiện sống trong căn nhà nhỏ trên đường Xuân La. Nhắc đến nhà 48 Hàng Ngang, ông bồi hồi: “Ngày Bác đến nhà, tôi mới 12 tuổi, vậy mà đã 70 năm trôi qua rồi”. Nghe tôi đề nghị muốn được cùng ông trở lại nhà 48 Hàng Ngang, nhà giáo Trịnh Lương vui vẻ nhận lời. “Đến đó, có cảnh vật cụ thể chắc câu chuyện sẽ sinh động hơn”- ông nói.

Đến nhà 48 Hàng Ngang, ông Trịnh Lương hướng dẫn tôi đi đường cổng sau, tức nhà 35 phố Hàng Cân. Nhà 48 Hàng Ngang được xây 4 tầng, kiến trúc theo lối mới. Trước đây, tầng dưới cùng của ngôi nhà có cửa hàng lớn mở ra phố Hàng Ngang. Sân, nhà kho, nhà để xe đều ở phía sau đi lối cổng 35 Hàng Cân. Tầng 2, 3 có nhiều phòng, trước đây dùng làm nơi tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ của gia đình.

Vào nhà 48 Hàng Ngang, tôi thấy những cán bộ của Ban Quản lý Di tích & Danh thắng Hà Nội đều hồ hởi đón tiếp ông Trịnh Lương như người nhà. Sau đó ông một mình đưa tôi qua các phòng, lặng ngắm nhìn các hiện vật, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. 

Trở lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập ảnh 1 Phòng tiếp khách của Bác tại tầng 2. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Đến bên bản Tuyên ngôn Độc lập được treo tại vị trí trang trọng ở tầng 1, ông Lương cho biết: “Thời gian đó tôi mới 12, nhưng có lẽ đã già trước tuổi vì từng tham gia dán truyền đơn, tiếp xúc với cán bộ Việt Minh. Tuy nhiên, những hiểu biết của tôi khi Bác Hồ đến nhà 48 Hàng Ngang vừa do ký ức thời niên thiếu, vừa do hiểu biết thêm sau này mà có”. Rồi ông kể: Trước khi Bác Hồ lưu lại 48 Hàng Ngang, căn nhà của gia đình đã là một cơ sở của Việt Minh. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ít ngày, các cán bộ đứng đầu của Việt Minh đã họp tại gác hai nhà 48 Hàng Ngang. Vài ngày sau, Bác Hồ được đón đến nhà, nhưng tôi và người làm trong gia đình đều không được biết Bác là ai. Nhưng qua cách thưa gửi, nói chuyện của bố mẹ tôi với Bác, tôi biết cụ già lưu lại nhà mình là một người rất quan trọng. Khi đó, bố mẹ tôi đã thu xếp toàn bộ tầng 2 để Bác tiếp khách và làm việc, đồng thời mời Người lên nghỉ tại tầng 3. Tuy nhiên, Bác muốn ở luôn tại tầng 2 để tiện làm việc, và nhận chiếc giường vải để nghỉ đêm.

Người làm tại nhà ông Trịnh Lương khi đó đều là họ hàng được lựa chọn kỹ trong quê, rất kín tiếng và thạo việc. Tuy vậy, bà Trịnh Văn Bô vẫn cho đầu bếp của gia đình về quê nghỉ một thời gian, khi nào được gọi mới lên. Sau đó, bà cho gọi một người họ hàng khác thật thân tín đang làm đầu bếp tại một cao lâu (hiệu ăn lớn) trên phố Hàng Buồm về thay. “Vậy mà trước khi bưng cơm mời Bác, mẹ tôi đều bớt mỗi thứ một chút để cẩn thận nếm trước”- Ông Lương cho biết.

Đứng trên tầng thượng nhà 48 Hàng Ngang, tôi có thể quan sát toàn cảnh xung quanh một cách dễ dàng. Ông Lương cho biết, ngôi nhà này không những cao nhất phố Hàng Ngang mà còn thuộc diện cao tầng của cả khu vực. Tại đây có thể bao quát xung quanh, từ tầng 2 và 3 có thể bước sang nóc các nhà bên cạnh rồi xuống đường nếu cần. Đó là một lý do nữa Bác chọn nhà 48 Hàng Ngang để ở, để có thể tập trung toàn tâm trí viết Tuyên ngôn Độc lập cho thời khắc lịch sử trọng đại của nước nhà.

Trở lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập ảnh 2 Ông Trịnh Lương bên bản Tuyên ngôn Độc lập treo tại 48 Hàng Ngang.

Nơi Bác viết Tuyên ngôn Độc lập

Tại tầng 3 nhà 48 Hàng Ngang, ông Trịnh Lương chỉ bức tường trước mặt cho biết nơi đây từng có một hốc nhỏ mà mình đã giấu truyền đơn, nay được bịt lại. Năm 1943, giấu gia đình, Trịnh Lương tham gia dán truyền đơn ủng hộ Việt Minh, chống Pháp-Nhật. Do còn nhỏ tuổi, đội của Trịnh Lương khi đó gọi là “sói con”, dưới sự chỉ huy của anh Tạ Văn Lưu, một cán bộ Việt Minh. 

Ông Trịnh Lương kể: “Một lần mang truyền đơn về nhà, do trời nóng nên khi lên phòng riêng tôi bỏ truyền đơn ra bàn. Bất ngờ bố tôi vào phòng khiến tôi sợ cứng người. Nhưng bố tôi nói: Chết thật, con mang truyền đơn về nhà sao không cất ngay. Rồi ông chỉ cái hốc nhỏ bên ngoài để tôi giấu truyền đơn vào trong. Thấy bố ủng hộ việc mình làm, những lần sau tôi tiếp tục giấu truyền đơn vào hốc nhỏ này. Qua nói chuyện với bố, mới hay ông biết việc tôi làm từ lâu nên âm thầm để ý. Tôi thuật lại chuyện này với anh Tạ Văn Lưu. 

Một thời gian sau, anh Lưu đến nhà gặp bố tôi để nói chuyện với tư cách cán bộ Việt Minh. Sau đó, ông Khuất Duy Tiến, một số cán bộ chủ chốt của Việt Minh đến và mời bố mẹ tôi tham gia Việt Minh. Ngày 14/11/1944, bố mẹ tôi chính thức tham gia Việt Minh, và nhà 48 Hàng Ngang trở thành một địa điểm tin cậy cho các bộ chủ chốt của Việt Minh hội họp, gặp gỡ.

Trở lại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập ảnh 3 Vợ chồng ông Trịnh Lương tại nhà riêng.
Khi nói chuyện với ông Trịnh Lương, tôi được một cán bộ của Ban Quản lý Di tích & Danh thắng Hà Nội cung cấp thêm tư liệu về thời gian Bác Hồ đến nhà 48 Hàng Ngang. 

Ngày 22/8/1945, tại 48 Hàng Ngang, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại căn phòng gác 2, cử đồng chí Lê Đức Thọ lên Tân Trào đón Bác. 

Ngày 23/8/1945, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) vinh dự được đón Bác từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Ngày 25/8/1945, đồng chí Trường Chinh đón Bác vào nội thành, xe đi đường đê Yên Phụ, Hàng Than, Hàng Giấy, Hàng Mã rồi đến số nhà 35 Hàng Cân để vào nhà 48 Hàng Ngang. Hôm sau, Người chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thống nhất những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, công bố thành viên Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn tại Hà Nội... Sau đó, trong căn phòng nhỏ tại tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang, Bác bắt đầu khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập. 

Viết xong, Bác tổ chức họp để thông qua Tuyên ngôn Độc lập. Người nói: “Đây là giờ phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã viết nhiều, nhưng viết Tuyên ngôn Độc lập là lúc lòng tôi sung sướng nhất...”.

Ông Trịnh Lương nhớ lại: Ngày 2/9/1945, đội “sói con” của chúng tôi cũng được tổ chức bố trí đến tham gia ngày hội lớn tại Quảng trường Ba Đình. Khi Hồ Chủ tịch đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi tròn mắt kinh ngạc khi nhận ra Người. Nước mắt ứa ra, tôi nhớ chỉ hơn một tuần trước đây thôi, bản thân còn chưa biết ông cụ có cặp mắt sáng, mặc chiếc áo nâu bạc, ngồi trầm ngâm tại gác 2 nhà mình là ai. Đến bây giờ tôi mới hiểu đó là Bác Hồ, và những giờ phút được gặp Người tại 48 Hàng Ngang là những khoảnh khắc vô giá mà mình đã may mắn có được trong đời.

Sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ trở lại nhà 48 Hàng Ngang, cảm ơn và chào gia đình ông Trịnh Văn Bô để đến nơi làm việc mới tại Bắc Bộ phủ. “Tình cảm của Bác khiến sau đó bố mẹ tôi đã không tiếc của cải để đóng góp hàng ngàn cây vàng trong Tuần lễ vàng và những đợt đóng góp khác sau này cho đất nước”- ông Trịnh Lương cho biết.

MỚI - NÓNG