Tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than: Kiểm soát và tái sử dụng thế nào?

Bãi tro xỉ Nhiệt điện Duyên Hải 1 được phun nước làm ẩm và giám sát thường xuyên. Ảnh: Hoàng Tuyết
Bãi tro xỉ Nhiệt điện Duyên Hải 1 được phun nước làm ẩm và giám sát thường xuyên. Ảnh: Hoàng Tuyết
TP - Việc thu gom tro, xỉ thải trong quá trình vận hành để xử lý, tránh ô nhiễm môi trường, công tác phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tái chế tro, xỉ thành vật liệu xây dựng đang được các nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai như thế nào?

Kiểm soát ô nhiễm từ tro, xỉ

Trong bối cảnh nhu cầu điện đang tăng trưởng mạnh, nguồn thủy điện đang dần cạn kiệt, năng lượng tái tạo giá thành quá đắt,... phát triển nhiệt điện than là yêu cầu tất yếu, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đang khiến dư luận lo ngại về vấn nạn ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, theo đánh giá, hiện đa số các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đều chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

Báo cáo từ EVN cho biết, hiện các NMNĐ than trực thuộc EVN đều đang xử lý tốt khối lượng tro, xỉ, đảm bảo không phát tán, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực. Với NMNĐ Duyên Hải 1 - Nhà máy đang được dư luận đặc biệt quan tâm - kết quả phân tích thành phần tro, xỉ và bùn thải do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) thực hiện cho thấy, các thành phần nguy hại trong các loại chất thải rắn này đều nằm trong giới hạn cho phép (theo QCVN 07:2009/BTNMT và QCVN 50:2013/BTNMT).

Theo ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, để đảm bảo tro, xỉ không phát tán ra môi trường, tro bay được thu gom trong Nhà máy, đưa ra 3 silo tro bay bằng hệ thống đường ống kín. Sau đó, tro và xỉ được vận chuyển từ silo ra bãi thải xỉ bằng xe tải chuyên dụng, được quây kín. Tại silo, trước khi xả xuống xe để vận chuyển ra bãi thải, tro, xỉ được phun nước tạo ẩm (15-20%) và phủ kín để hạn chế tối đa việc tro, bụi phát tán ra môi trường. Bên cạnh đó, bãi thải xỉ được lu lèn và thường xuyên phun nước, tạo ẩm để tránh tro, xỉ phát tán khi có gió lốc. Khi tro, xỉ được lu, lèn đạt đến độ cao cho phép, Nhà máy sẽ triển khai phun vữa xi măng để phủ kín bề mặt.

Đánh giá về công tác xử lý tro, xỉ tại MNĐ Duyên Hải 1, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Tổng thư kí phụ trách khu vực phía Nam Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay, Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Theo quan sát trực quan khu vực quanh Nhà máy, hiện nay chưa thấy có hiện tượng phát tán bụi từ bãi thải tro, xỉ.

Tái sử dụng tro xỉ

Tháng 9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện trực thuộc EVN cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị để tái sử dụng tro xỉ. Điển hình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại bán được trên 400.000 tấn tro, xỉ/năm, chiếm khoảng 65 – 70% tổng khối lượng tro, xỉ thải ra mỗi năm. Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cũng đã kí hợp đồng tái sử dụng tro xỉ làm gạch không nung với 3 doanh nghiệp: Liên doanh Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật và Thương mại Hoàng Quý - Công ty CP Việt Long, Công ty TNHH Hoàng Sơn, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất, thương mại Nguyễn Trình, với tổng khối lượng thu mua khoảng 1.260.000 tấn tro, xỉ/năm (toàn bộ lượng tro xỉ thải ra của Nhà máy)…

Tuy nhiên, so với lượng tro, xỉ thải ra hàng năm của các NMNĐ, số lượng được tái sử dụng hiện còn khiêm tốn. Nguyên nhân là cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư để xử lý tro, xỉ làm vật liệu xây dựng còn thiếu và chưa đồng bộ; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xử lý tro, xỉ làm vật liệu xây dựng chưa hoàn chỉnh dẫn đến khó khăn trong thực hiện...

PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho rằng: “Để biến tro, xỉ trở thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, bởi đó là một quá trình liên hoàn, chỉ riêng ngành Điện hay ngành Vật liệu xây dựng không làm được”.

Hiện nay, EVN đang phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) nghiên cứu sử dụng tro, xỉ của các nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải làm vật liệu gia cố nền móng, công trình. Dự kiến, sẽ triển khai thí điểm trong năm 2017 và sau đó nhân rộng, ứng dụng cho các NMNĐ trong toàn Tập đoàn.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".