Trung Quốc bất ngờ xả lũ: Nước xa, họa gần

Hiện trường sau lũ trên sông Thao ngày 11/10. Ảnh: Lực Toán.
Hiện trường sau lũ trên sông Thao ngày 11/10. Ảnh: Lực Toán.
TP - Mùa lũ, nước thượng nguồn phía Trung Quốc xả gây nguy hiểm ở hạ nguồn. Mùa khô Trung Quốc lại ngăn dòng, tích nước khiến hạ du có thể gặp hạn. Theo các chuyên gia, những thông tin về xả lũ phía Trung Quốc rất hạn chế, cần làm việc với họ để có cơ chế trao đổi thông tin kịp thời. Cùng đó, Việt Nam cần nghiên cứu về công trình điều tiết nước trên sông Thao, nhằm hạn chế thiệt hại.

Ẩn họa khôn lường

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Nguyễn Hồng Giang-Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, phía thượng nguồn sông Thao, Trung Quốc có những hồ rất lớn gần biên giới với Việt Nam. “Tôi từng có dịp đến một số hồ bên Trung Quốc, như hồ Mã Lộc Đường, cách biên giới chỉ khoảng 30km, đập cao tới 160m, sức chứa lớn. Tôi cũng có thông tin thượng nguồn sông Đà và sông Thao bên Trung Quốc”- GS Giang nói.

Tuy nhiên, GS Giang cho biết, với nhiều công trình, hồ chứa lớn phía thượng nguồn các con sông ở Việt Nam, các chuyên gia đã cảnh báo hai tình huống Việt Nam gặp bất lợi, bị động. Vào mùa khô, Trung Quốc hạn chế xả nước xuống hạ du, vì họ tích nước cho hiệu suất điện cao hơn, nên Việt Nam phải chịu hạn hán mùa khô. Còn mùa lũ, do họ tích nước thủy điện cao rồi, khi lũ về họ xả để bảo vệ đập, gây lũ lớn dưới hạ du ở Việt Nam.

Theo GS Giang, vừa rồi lũ xảy ra trên sông Hồng, chính là do phía Trung Quốc xả nước mùa lũ. Họ xả ồ ạt xuống hạ du và chúng ta phải gánh chịu hậu quả. “Tuy nhiên, lần xả vừa rồi, mức xả chưa gây hậu quả lớn, nhưng cũng cảnh báo chúng ta phải hết sức đề phòng, sẽ có những trường hợp, tình huống họ xả mà chúng ta trở tay không kịp”- GS Giang nói.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, mực nước sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 30,68m vào 12 h ngày 12/10, dưới báo động (BĐ) 2 là 0,32m và đã xuống chậm. Lúc 11h ngày 13/10, mực nước tại Yên Bái ở mức 29,59m- dưới BĐ 1 là 0,41m. Theo dự báo, mực nước tại Yên Bái sẽ xuống nhanh. Sáng 14/10, mực nước tại Yên Bái có khả năng xuống mức 28,60m (dưới mức BĐ 1 là 1,4m).

GS Giang cũng cho biết, hiện vẫn chưa có ràng buộc gì giữa Việt Nam và Trung Quốc khi xả lũ. Phía Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin và có quan điểm sông là sông quốc gia, đoạn sông nào trên nước họ thì việc chặn sông, làm công trình, xả nước… là quyền của họ, không cần tham vấn nước láng giềng. Đây là tình huống rất đáng lo ngại.

Còn theo GS Hà Văn Khối (Đại học Thủy lợi), khi Trung Quốc xả lũ, gần như họ không cần tham khảo ý kiến của Việt Nam ở hạ du. Nếu cung cấp họ cũng cung cấp nhỏ giọt, không đầy đủ. Vùng xả lũ của họ là núi cao, dân cư hai bên sông không đông đúc như ta, nên thiệt hại không lớn.

GS Khối cho biết, ở Việt Nam, hạ du sông Hồng; quy định tại hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, mỗi lần xả, mỗi cửa xả, không cách nhau 6 giờ nhằm tránh sốc, trở tay không kịp cho hạ du. Lúc đóng cửa xả cũng phải theo quy trình, nếu đóng cửa xả đột ngột, sẽ gây sạt lở cho hạ du.

Cũng theo GS Khối, trên sông Đà và sông Lô có một số đập như Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang. Nếu thông tin dự báo tốt về mưa lũ, xả lũ của Trung Quốc, có thể xả bớt nước trong hồ, trước khi bên Trung Quốc xả, nhằm điều tiết, làm giảm lượng nước về hạ du. Tuy nhiên, trên sông Thao, do chưa có hồ chứa nào, nên chúng ta vẫn bị động khi Trung Quốc xả lũ.

Các chuyên gia cho rằng, những khu vực dọc theo sông Thao, nếu Trung Quốc xả lũ đột ngột, có thể gây thiệt hại cho công trình, nông nghiệp như vùng Yên Bái, Phú Thọ và vùng hạ du phía dưới.

Đề xuất quy trình vận hành hồ liên quốc gia

Liên quan đến đợt lũ bất thường vừa qua, TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, giữa Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, trong đó có thể xây dựng một quy trình vận hành liên hồ chứa xuyên quốc gia. Đây là điều mà các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ đã làm để đảm bảo hoạt động trên lưu vực các dòng sông xuyên quốc gia được đảm bảo ổn định.

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng trong cả mùa lũ và mùa cạn, nhưng đó mới là quy trình vận hành các hệ thống hồ đập phía Việt Nam. Sông Hồng là một thể thống nhất có diện tích 169 nghìn km2, trong đó 48% diện tích ở phía Trung Quốc, 51,85% diện tích ở Việt Nam. Lưu lượng nước ở Việt Nam là 61%.

Phía thượng nguồn Trung Quốc có hơn 50 hồ đập, trong đó có 19 đập thủy điện lớn. Ở nhánh sông nối với sông Hồng chảy qua địa phận Lào Cai có 2 đập thủy điện lớn với dung tích khoảng  800 triệu m3. Phần hạ du ở Việt Nam cũng có hệ thống nhiều hồ đập. Vì thế, cần xây dựng một hệ thống vận hành liên hồ chứa trên cả dòng sông.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, Bộ TN&MT Việt Nam cùng cơ quan chức năng Trung Quốc có ký kết trao đổi số liệu khí tượng thủy văn với nhau. Từ ngày 1/6 đến 15/10 hằng năm, phía Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam số liệu mùa lũ của một số trạm thủy văn sát biên giới Việt Nam. Việt Nam cũng cung cấp số liệu cho phía Trung Quốc ở một số trạm. Tuy nhiên, ngoài việc thông báo lưu lượng nước theo thời gian quy ước, phía Trung Quốc không cung cấp thông tin về xả lũ, vận hành hồ thủy điện.

GS Nguyễn Hồng Giang cho rằng, chúng ta ở phía hạ du nên bất lợi. Do vậy, cần kiên trì, thuyết phục phía Trung Quốc về cơ chế trao đổi thông tin. Còn về lâu dài, cần nghiên cứu công trình điều tiết trên sông Thao, để tránh lũ sốc, gây thiệt hại nặng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng cho rằng, Bộ TN&MT là cơ quan được giao quản lý về vấn đề trên, cần xem xét rà soát lại cơ chế phối hợp thông tin. “Theo tôi nắm được, hiện chúng ta đã có quy chế, nhưng thời gian, khoảng cách trong mưa lũ giữa phía bạn và chúng ta là hơi xa, phải có cơ chế cụ thể là thông báo trước bao lâu”- ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, Việt Nam cần tăng cường mạng lưới quan trắc, đo đếm sát biên giới để khi nhận được những thông tin sẽ phản hồi với phía bạn và cảnh báo với phía hạ du để có giải pháp kịp thời ứng phó.

Ông Đào Trọng Tứ cho rằng, giữa Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong đó có thể xây dựng một quy trình vận hành liên hồ chứa xuyên quốc gia.  Đây là điều mà các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ đã làm để đảm bảo hoạt động trên lưu vực các dòng sông xuyên quốc gia được ổn định.

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG