Trước nguy cơ dịch Mers vào Việt Nam: Người dân cứ bình tĩnh

Khu vực cách ly dành cho người nghi nhiễm MERS tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Khu vực cách ly dành cho người nghi nhiễm MERS tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Theo đánh giá của giới chuyên môn tại TPHCM, khả năng bệnh Mers vào Việt Nam là có, tuy nhiên không phải ở mức tràn lan như các bệnh cúm mà chúng ta từng đối phó.

Ngày 9/6, tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố sẽ có 3 nơi cách ly dành cho ca nghi nhiễm MERS-CoV là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2. Ban chỉ đạo cho rằng, cần truyền thông làm sao cho người dân hiểu đúng mức, tránh lo lắng thái quá. Đồng thời, cũng phải quan tâm phòng chống các bệnh dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Hạn chế chuyển viện với ca nghi ngờ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, vào thời điểm chưa có ca bệnh xâm nhập như hiện nay, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố dịch tễ đi, đến từ vùng dịch. Người dân cần bình tĩnh và hợp tác. Nếu đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với lạc đà hoặc có vào bệnh viện ở Hàn Quốc, Trung Đông thì cần cảnh giác cao hơn. Báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được kiểm soát, phát hiện nhanh.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, cần hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân nghi nhiễm về thành phố. Dựa trên quy trình giám sát dịch bệnh của bộ, sở sẽ xây dựng quy trình giám sát các ca nghi ngờ hoặc liên quan yếu tố dịch tễ theo hướng mở rộng các đối tượng.

“Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên yêu cầu đầu tiên với các bệnh viện là tăng cường ngay các hoạt động phòng chống lây lan giữa nhân viên y tế và người bệnh, giữa nhân viên y tế với nhau. Đặc biệt, các bệnh viện sẽ tái huấn luyện và giám sát trở lại quy trình chống nhiễm khuẩn. Hạn chế tối đa việc nghi ngờ rồi chuyển đi lòng vòng, bệnh sẽ có cơ hội lây lan nhiều. Yêu cầu các bệnh viện quận huyện tái lập lại quy trình trước đây đã từng làm trong dịch cúm”, ông nói.

Ông Thượng cho biết, từ 10/6, vào 16h mỗi ngày, Phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh cho báo chí.

MERS không lây ngoài cộng đồng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cho tới nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định MERS-CoV không có tính lây bền vững, nghĩa là chưa có dấu hiệu lây ngoài cộng đồng như các loại cúm khác. “Sơ khai virus này chắc chắn lây từ lạc đà sang người qua tiếp xúc trực tiếp. Thứ hai, nó đã có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, tính lây của nó cho đến nay theo từ chuyên môn là không bền vững. Nghĩa là không giống như cúm phát tán nhanh ngoài môi trường cộng đồng, MERS-CoV chỉ lây ở cự ly tiếp xúc rất gần với người bệnh. Gồm người ở chung nhà, người ở chung phòng bệnh và đặc biệt là nhân viên y tế chăm sóc người bệnh mà không có những biện pháp phòng ngừa”, bác sĩ Khanh nói.

Ông Khanh nói rằng, theo nghiên cứu, virus corona phát triển tốt, lây lan nhiều ở điều kiện nhiệt độ 20 độ C và độ ẩm 40%. “Đó là một lợi thế của các xứ nhiệt đới có điều kiện thời tiết nắng nóng và cũng có thể vì thế càng làm cho tính lây không bền vững của virus tăng lên, không thể lây trong môi trường cộng đồng”, ông khẳng định.

Về ý kiến Trung Đông cũng nắng nóng như Việt Nam, bác sĩ Khanh nói rằng, nghiên cứu đã chỉ ra tất cả những virus có nguồn gốc từ động vật lây sang người, đặc biệt qua đường hô hấp, sẽ có xu hướng gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, sau đó, khi lây từ người qua người, virus corona lại có vẻ yếu đi, không gây ra ca nặng. “Tình hình ở Hàn Quốc cho chúng ta một câu hỏi, tại sao tỷ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều so với Trung Đông? Bởi Trung Đông bị lây trực tiếp từ lạc đà nhiều hơn, còn ở Hàn Quốc chỉ lây từ người sang người”, ông nói. Một yếu tố nữa có thể giải thích cho tốc độ lây nhanh ở Hàn Quốc là dân số già. Thông thường, người lớn tuổi có bệnh nền và dễ bị nặng hơn theo đặc tính chung của virus đường hô hấp.   

 Du khách Hàn Quốc không nhiễm MERS

Ngày 9/6, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, ngày 8/6, Viện nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định MERS-CoV. Đây là mẫu bệnh phẩm của bé trai 7 tuổi quốc tịch Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, đi du lịch cùng cha mẹ và em trai tại tỉnh Khánh Hòa. Tại sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện bé có triệu chứng sốt 38 độ C. Khám sàng lọc cho thấy trước đó bé được bệnh viện tại Hàn Quốc chẩn đoán viêm họng, nơi bệnh nhân và gia đình sinh sống không ghi nhận trường hợp mắc MERS cũng như không tiếp xúc với ai nghi ngờ nhiễm MERS. Tuy nhiên, bé đã được chuyển đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur  TPHCM xác định. Đồng thời, 3 người trong gia đình cũng được cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính với virus MERS-CoV.    

Thái Hà

MỚI - NÓNG
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
TPO - Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.