Dự án 600 trí thức trẻ đi làm Phó Chủ tịch xã khu vực Tây Bắc:

Trường đại học thực tiễn

Các đội viên Dự án nói lên quan điểm của mình khi kết thúc 5 năm làm Phó chủ tịch xã.
Các đội viên Dự án nói lên quan điểm của mình khi kết thúc 5 năm làm Phó chủ tịch xã.
TP - Theo Hội nghị đánh giá “Dự án 600 Phó chủ tịch xã” (Bộ Nội vụ tổ chức ngày 23/5 tại Lào Cai), Dự án cơ bản thành công và hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, tạo ra một trường đại học thực tiễn rèn bạn trẻ, giúp Trung ương xây dựng và điều chỉnh một số chính sách.

Chỉ cần các bạn trẻ giàu nhiệt huyết

Thuận lợi ban đầu về nhân lực của Dự án 600 tại năm tỉnh Tây Bắc (Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai) là trong số 179 bạn trẻ được tuyển có tới gần 60% tốt nghiệp đại học lĩnh vực nông lâm, đất đai, phát triển nông nghiệp nông thôn, và hơn 30% được đào tạo về sư phạm kỹ thuật, công nghệ thông tin,… rất phù hợp cho 21 huyện nghèo của Tây Bắc. Số đội viên có hộ khẩu tỉnh nhà chiếm gần 70%, và đội viên là dân tộc thiểu số chiếm đến 72%. Chất lượng này khẳng định tuyển chọn ban đầu rất bài bản, tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt của Bộ Nội vụ, thậm chí có tỉnh như Lào Cai còn về tận địa bàn phỏng vấn trực tiếp đối tượng. Các bạn trẻ trước khi về cơ sở đều được qua đào tạo, bồi dưỡng 3 tháng về kiến thức quản lý Nhà nước, kỹ năng cần thiết của một Phó chủ tịch xã. Bộ Nội vụ còn thận trọng hơn khi trao tay từng đội viên cẩm nang “Hỏi - đáp Dự án 600 Phó chủ tịch xã” để các bạn trẻ mang theo nghiên cứu, áp dụng thực tiễn.

Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tại địa bàn đậm đặc dân tộc thiểu số rất khó khăn này, 30 đội viên về địa phương đều được tín nhiệm cao, mạnh dạn đưa ra mô hình hiệu quả cao như nuôi gia súc lớn, trồng cây sơn tra, trồng bưởi, ngô, cam… Nhưng hạn chế về ngôn ngữ, phong tục tập quán khi giao tiếp với đồng bào đã nảy sinh nhiều khó khăn. Theo ông Sơn, chỉ cần các bạn trẻ giàu nhiệt huyết, làm bất cứ việc gì, chứ không nhất thiết là phó chủ tịch xã, thì Dự án trở nên thành công hơn.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng khẳng định một số đội viên thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động phát huy nguồn sinh khí mới cho xã, thiếu tự tin… Yên Bái đề xuất tuyển chọn đội viên phải rất xuất sắc, phải là đảng viên (vì đưa lên làm lãnh đạo ngay), phải thử thách vài năm đến khi bộc lộ năng lực lãnh đạo thì mới bổ nhiệm.

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng cho rằng bạn trẻ hạn chế hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ, thiếu kinh nghiệm, chưa mạnh dạn giải quyết việc, và rất cần phải thử thách.

Đại diện tỉnh Lai Châu, nơi có 43 đội viên, hơn nửa số này phụ trách mảng kinh tế, nói rằng, tác động rõ rệt nhất mà các đội viên để lại chính là sức sống mới trong lãnh đạo, rất tác phong chứ không lề mề chậm chạp, song phong tục tập quán của dân là rào cản rõ nét, mà điều này không dễ sớm chiều mà hiểu được ngay.

Chủ trương trúng và đúng

Chị Nguyễn Thị Thanh Lam, người Kinh, quê ở TP Yên Bái là  một trong những gương mặt của dự án  về dự Hội nghị. Chị Lam làm Phó chủ tịch xã toàn người Mông ở La Pán Tẩn chia sẻ,  những kiến thức học ở trường ĐH Đà Nẵng (Khoa cử nhân Địa lý) đã không được áp dụng nhiều. Chị mất nhiều năm để học tiếng Mông, hòa nhập phong tục văn hóa, đến khi đã “chín”, chuẩn bị phát tác năng lực thì… dự án kết thúc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Xuân Cừ, Phó ban chỉ đạo Tây Bắc tin tưởng vào Dự án, đánh giá đây là chủ trương trúng và đúng đồng thời đồng ý với ý kiến thử thách cán bộ, ưu tiên tuyển người địa phương vì hiện còn hàng ngàn thanh niên tốt nghiệp ĐH ở Tây Bắc chưa có việc làm. Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng ủng hộ đưa trí thức về vùng cao nhưng thấy băn khoăn khâu đề bạt ngay, thậm chí cho rằng đưa trí thức trẻ về làm ngay Phó chủ tịch xã là thiếu cơ sở khoa học.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, dự thảo tổng kết Dự án, Bộ Nội vụ sẽ nhấn mạnh sự thử thách bạn trẻ và không nặng nề chức vụ Phó chủ tịch xã, mà chỉ cần các bạn yêu vùng đất đó, cống hiến hết tài năng, tâm trí, sẽ được trọng dụng. Theo ông Thừa cái khó của Trung ương đối với Dự án là việc các bạn trẻ ra trường mà đưa ngay làm chuyên viên chính thì vướng luật, xếp lương nào cho phù hợp cũng khó, bố trí nhà công vụ theo đúng tiêu chuẩn lại càng khó, bổ nhiệm ngay làm lãnh đạo thì chưa phù hợp. Song Dự án cơ bản thành công và hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, tạo ra một trường ĐH thực tiễn rèn bạn trẻ, giúp Trung ương xây dựng và điều chỉnh một số chính sách. Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa  kiên quyết đề nghị các tỉnh tiếp tục giải quyết, quan tâm sử dụng, bố trí công việc các đội viên Dự án sau 5 năm kết thúc.  

Theo Bộ Nội vụ, đến nay, có tới 164/179 đội viên được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ (13 người chuyển công tác khác, 2 người xin rút), 18% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ đảm nhận tốt công tác ở vùng đặc thù nông lâm nghiệp, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp góp phần thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi của đồng bào. Hiện Sơn La đã bố trí xong 100% công việc tiếp theo cho các đội viên, Lai Châu đạt 97%, Yên Bái đạt 90%, Lào Cai đạt gần 80%, Điện Biên đạt 45%.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.