TS.Phạm Văn Ðông và cuộc trò chuyện đầy thú vị dịp xuân Đinh Dậu

Ngày 9/7/2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT được sự ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao cho Cục Thú y Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản từ năm 2011 đến năm 2015.
Ngày 9/7/2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT được sự ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao cho Cục Thú y Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản từ năm 2011 đến năm 2015.
TP - Năm 2016 có thể khẳng định là năm thành công của ngành Thú y, bởi dịch bệnh được khống chế, công tác quản lý vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm có những bước tiến rõ rệt. Cục trưởng Cục Thú y TS Phạm Văn Ðông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tiền Phong nhân dịp xuân mới Ðinh Dậu.

Thay đổi cách tiếp cận phòng, chống dịch bệnh

Trong năm 2016 công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh Thú y, an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng, xin ông cho biết những kết quả mà Cục Thú y đã đạt được khi thực hiện những nhiệm vụ mà Bộ NN&PTNT giao? 

Từ năm 2013 đến nay, Cục Thú y phối hợp với các đơn vị trong toàn ngành thay đổi cách tiếp cận trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động phòng bệnh là chính do đó dịch bệnh đã giảm đi rất nhiều. 

Cụ thể so với năm 2015, dịch cúm A/H5N1 đã giảm cả về diện dịch và mức độ dịch, số xã có dịch giảm 2,57 lần, số huyện có dịch giảm 2,83 lần, số tỉnh có dịch giảm 3,67 lần, số gia cầm chết và tiêu huỷ giảm 2,6 lần; đối với cúm A/H5N6, số xã có dịch giảm 3 lần, số huyện có dịch giảm 2,83 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,2 lần và số gia cầm chết và tiêu huỷ giảm 2,13 lần.

Ðối với bệnh dại trên động vật, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó nuôi trong cả nước đã tăng hơn 8%. Thêm vào đó đã có tới 50/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện được công tác thống kê số hộ nuôi chó (có danh sách các hộ nuôi) mà nhiều năm trước đó chưa thực hiện được. Ðặc biệt, năm 2016 đã giảm hơn 61 nghìn người bị chó nghi dại cắn và giảm 14 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2015.

Ðối với bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc, số tỉnh có dịch giảm gần 1,3 lần, số gia súc phải tiêu huỷ giảm 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2015. Dịch bệnh Tai xanh trên lợn cũng đã được kiểm soát tốt.

Ðể có được thành công này, do có sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đối với Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định 389/QÐ-TTg ngày 19/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm soát triệt để gia súc, gia cầm nhập lậu, hạn chế phát sinh các ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. 

Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện tốt các Chương trình quốc gia như Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 giai đoạn 2014-2018, Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2016-2020, thực hiện 2 đợt “Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn quốc” do Bộ NN&PTNT phát động.

Trong năm 2016, Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc và gia cầm đã được 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và trong đó có 55 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh bố trí ngân sách dự phòng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật. 

Chính nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc và gia cầm về cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn, hạn chế được các trường hợp dịch lây lan trên diện rộng, góp phần vào việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ sản xuất và phát triển chăn nuôi bền vững. 

Mặt khác, do công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm một cách chủ động, quyết liệt nên kết quả năm 2016, ngành chăn nuôi đã tăng trưởng 5,4%. Trong năm 2016, lãnh đạo Bộ, Cục Thú y đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra đôn đốc và hỗ trợ địa phương chống dịch nên công tác chống dịch tại địa phương đã đảm bảo kỹ thuật, hiệu quả hơn. 

Triển khai các nhiệm vụ trong đợt cao điểm Năm vệ sinh ATTP lĩnh vực nông nghiệp, Cục Thú y ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hệ thống thú y tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa sử dụng chất cấm Salbutamol, VAT Yellow trong chăn nuôi, tăng cường giám sát ATTP đối với sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm. 

Chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ lợn; đồng thời lấy mẫu nước tiểu lợn tại các cơ sở giết mổ thuộc địa bàn quản lý để kiểm tra chất cấm Salbutamol. 

So với năm 2015, tỷ lệ mẫu thịt, nước tiểu dương tính chất cấm năm 2016 đã giảm đáng kể. Ðặc biệt trong 4 tháng gần đây (từ tháng 7- 11/2016) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm. Trong 6 tháng cuối năm không phát hiện trường hợp Salbutamol trong thịt lợn.

Kết quả trên cho thấy các đợt cao điểm kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, sự chuyển hướng từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất, sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp, công an, quản lý thị trường trong thanh tra, kiểm tra; sự phối hợp với Bộ Y tế trong quản lý nguyên liệu sản xuất thuốc là hướng đi đúng trong việc kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh

Công tác thú y thủy sản có vai trò quan trọng để phát triển bền vững ngành Thủy sản nước ta, tuy nhiên dịch bệnh trên thủy sản vẫn diễn biến phức tạp, trong thời gian tới Cục sẽ có các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát và xử lý dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất ra sao?

“Công khai đầy đủ thông tin trên các phương tiện truyền thông về các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để người dân nhận biết được các sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật”.

TS Phạm Văn Ðông nói về yêu cầu quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Nhìn chung, hằng năm, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại còn rất lớn. Trước thực tế này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn các địa phương và người dân áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống nên phạm vi và mức độ dịch bệnh trên tôm đã giảm mạnh trong những năm qua, cụ thể: Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh năm 2016 là 10.662 ha (giảm 2,95 lần so với năm 2014 và giảm 1,53 lần so với năm 2015). Tỷ lệ diện tích cá tra nuôi bị thiệt hại hằng năm so với tổng diện tích thả nuôi là không lớn nhưng tổn thất về kinh tế lại rất lớn do cá tra thường được thả nuôi với mật độ rất cao (từ 30-100 con/m2), thời gian nuôi dài, lượng thức ăn tiêu thụ rất lớn.

Hiện nay, nhiều loại mầm bệnh lưu hành và gây bệnh rộng rãi ở hầu hết các vùng nuôi tôm và cá tra, nên người dân thường sử dụng nhiều loại thuốc thú y, hóa chất, nhất là kháng sinh không theo hướng dẫn. Hậu quả, dịch bệnh không những không kiểm soát được, các sản phẩm tôm và cá tra xuất khẩu thường xuyên bị cảnh báo có chất tồn dư và bị nước nhập khẩu trả lại. Xác định rõ được những vấn đề này, từ năm 2014 đến nay, Bộ NN&PTNT đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. 

Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hằng năm thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn công tác đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập (như thống kê diện tích nuôi, diện tích bệnh, báo cáo, khai báo, lấy mẫu, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, quản lý kiểm dịch thủy sản giống, thuốc thú y,…), từ đó đề xuất, hướng dẫn các địa phương có các giải pháp cụ thể để khắc phục. 

Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và các cơ sở xây dựng chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh. Trước mắt tập trung đối với cơ sở sản xuất giống phải bảo đảm an toàn dịch bệnh (đưa ra lộ trình cụ thể cho từng quy mô, từng loại giống)…

Kết quả đã từng bước được khắc phục, tạo điều kiện cho nuôi tôm, cá tra phát triển bền vững, xuất khẩu liên tục tăng và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Do công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản chủ động và quyết liệt, năm 2016 ngành thủy sản đã tăng trưởng 2,91%. 

Mặt khác, Cục Thú y cũng đã hướng dẫn các địa phương tăng cường năng lực của hệ thống thú y thủy sản, huy động được lực lượng và các trang thiết bị thú y trên cạn cho công tác thú y thủy sản. Do đó, công tác thú y thủy sản đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt so với trước năm 2008 (thời điểm công tác thú y thủy sản do Bộ Thủy sản quản lý).

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Xin ông cho biết những kế hoạch, mục tiêu ưu tiên của Cục trong năm 2017 và các năm tiếp theo để triển khai các nhiệm vụ được Bộ giao, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển bền vững?

Ðể triển khai các nhiệm vụ của Bộ giao, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển bền vững; trong năm 2017, Cục Thú y tiếp tục chú trọng vào công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản chủ yếu tập trung vào các nội dung chính sau: Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của Luật Thú y, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng và các Thông tư hướng dẫn Luật thú y. 

Chủ động đẩy mạnh công tác chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh động vật nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, LMLM gia súc và bệnh dại động vật và các loại dịch bệnh trên tôm, cá tra; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giám sát dịch bệnh chủ động để cánh báo sớm, nhằm có phương pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản từ Việt Nam.

Ðối với công tác kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ có vi phạm điều kiện vệ sinh thú y; đồng thời lấy mẫu nước tiểu lợn để kiểm tra chất cấm Salbutamol, lấy mẫu giám sát tồn dư kháng sinh, mầm bệnh trên gia súc, gia cầm. 

Ðối với công tác quản lý thuốc thú y, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng thuốc thú y và kiểm định chất lượng thuốc thú y lưu hành trên thị trường. Thực hiện thanh tra đột xuất đối với một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y có nhiều sản phẩm kém chất lượng được phát hiện trong quá trình kiểm tra chất lượng thuốc thú y kinh doanh trên thị trường; kinh doanh nguyên liệu thuốc thú y sai mục đích sử dụng. 

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xúc tiến thương mại, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm động vật, thủy sản ra thị trường nước ngoài. Ðể tiếp tục tạo thế chủ động trong triển khai các nhiệm vụ. trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống thú y, rất cần có sự tham gia tích cực từ phía các địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tiến tới tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT bền vững.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.