Từ ảnh của ngài Phó Đại sứ, chạnh nhớ…

Hà Nội một thời.
Hà Nội một thời.
TP - Non trăm bức đen trắng được tập hợp trong một cuốn sách ảnh. Những bức ảnh chụp  nội, ngoại vi Hà Nội của ngài John Ramsden nguyên Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam thời gian 1979 đến năm 1983 khiến người xem ám ảnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đặt cuốn sách ảnh nặng trịch vào tay tôi như một lời đề tặng có trọng lượng. Câu chuyện hay cái duyên ông Phó Đại sứ tìm đến nhờ ông chú thích cho từng bức ảnh và viết lời đề tựa cho  cuốn này là cả một câu chuyện dài.

Nếu coi 14 Phan Huy Ích, Hà Nội là quán cà phê  thì hơi lạm. Na ná như một không gian hẹp dùng để trưng bày đồ nghệ thuật, tranh ảnh hơn là thứ quán xá.  Cà phê và mấy đồ uống cơ bản mà hình như người ta chủ yếu tới đây để thưởng cái không gian yên tĩnh.

Ông John ngồi kia. Người đàn ông đứng tuổi trầm tĩnh bên cạnh ông là chồng sách ảnh Hà Nội một thời mà ông là tác giả. Ông đang có một cuộc giao lưu với người Hà thành và dân báo chí…

Chàng thanh niên John đến Hà Nội làm nhân viên Đại sứ quán Anh đầu năm 1979. Đó là thời gian theo ông là Hà Nội và cả Việt Nam dường như bị bọc kín trong bí mật và ngờ vực…

Thành phố nghèo khó và bị bỏ bê sau hàng thập kỷ chiến tranh và cuộc sống ở đây rất khó khăn. Chỉ những người rất mạnh mẽ và giỏi chịu đựng mới có thể tồn tại được.

Ngạc nhiên tò mò hay biết bao những điều lạ ở Hà Nội thời ấy đột nhiên khơi dậy một tiềm thức gần như nghệ thuật đang ngủ yên trong John? Như ông bộc bạch rằng, chế độ tem phiếu và đủ thứ hạn chế sự thiếu thốn và chật chội. Từ những quan sát ít ỏi, tôi cảm thấy mình thật tầm thường trước khả năng duy trì những giá trị của một trí thức tinh hoa trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Trong một chuyến sang Bangkok, John mua một máy ảnh Nhật loại tốt và một đống phim đen trắng. Những thứ xa xỉ với người Việt khi ấy.

Quá khứ sống lại qua ảnh…

John biết lẩy chọn những khuôn hình trong mê cung của phố cổ. Ánh mắt ai đó từng quen thuộc với phố cổ Hà thành tự dưng ngơ ngác như mình đang bị đánh cắp đi bao nhiêu thứ nhưng may nay bỗng tìm được nhờ có John? Rồi cảnh một góc làng hoa Ngọc Hà, đền Voi Phục, nhiều ngôi chùa trong phố ngoài thành nhờ có bức ảnh cũ của John như thể được bảo tồn nguyên trạng chứ không phải lạ lẫm nhếch nhác và sơn phết lòe loẹt như hiện nay. Cái cổng làng tuyệt đẹp lối Cầu Giấy đâm ra ngoại thành trong ảnh của John bây giờ đã biến mất! Ai phá và vào năm nào? Mới đây chứ mấy? Thế mà đã diệu vợi thăm thẳm.

Coi tấm ảnh cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn ai dám bảo John chỉ là thợ ảnh Bờ Hồ? Ngôn ngữ nghệ thuật là điểm nhấn ở hai cái nón lá hai mái tóc bỏ ngang lưng. Phía khuất đôi nón lá khơi gợi bao điều về một thời!

Đào vào thành phố dịp Tết mà John phải chú thích thêm bằng lời là những đám đông mang theo những cành đào như khu rừng di động. Thời ấy, John đã chụp nhiều ảnh về Bùi Xuân Phái. Sợ  ảnh mình chưa chuyển tải hết ý tứ, John bồi hồi thêm rằng xưởng vẽ của ông Phái bên chỗ ngủ và nói tôi đã chụp ảnh căn phòng với quần áo trẻ con  mới giặt phơi trên tấm toan. Thật kinh ngạc, khi ngần ấy kiệt tác đã ra đời tại không gian chật chội nơi vợ chồng danh họa đã  nuôi dạy bốn đứa con.

Thoáng gặp những sắc thái lúc trầm tư lúc ngẩn ngơ, tò mò háo hức trên những gương mặt trẻ - sinh viên học sinh cả dân báo nữa khi được coi ảnh và chuyện trò cùng John trong buổi giao lưu, tôi biết sức nặng  thông điệp trong những tấm ảnh.

Từ ảnh của ngài Phó Đại sứ, chạnh nhớ… ảnh 1

Hà Nội, tàu điện leng keng.

“Những bức ảnh về thời kỳ này rất hiếm. Những nhiếp ảnh gia địa phương không được tự do lang thang như tôi mà ghi lại những gì họ thích. Họ cũng chẳng đủ tiền làm vậy. Một cuộn phim đen trắng đắt bằng cả một tháng lương…”. Hình như John nói vậy mà không phải vậy? Thời gian của những tay máy Hà thành thuở ấy khá dư dả. Mà họ đâu phải dân ngoại giao như John ra khỏi Hà Nội là phải xin phép các nhà chức việc? Có cái đúng là một cuộn đen trắng loại ORWO của Cộng hòa dân chủ Đức thông dụng hồi ấy bằng cả một tháng lương mới tốt nghiệp đại học đi làm. Đúng một điều nữa mà John chẳng nói ra là cái lối nghĩ ngắn và xổi của người Việt dẫu họ là nghệ sĩ. Cơm áo chẳng đùa với một số thứ trong đó có dân nhiếp ảnh. Hiếm hoi lắm lắm ai đó phải bỏ tiền túi ra vài ngày để đốt một cuộn phim cho việc sáng tác? Ngay những tay máy cứng ở TTX Việt Nam lĩnh phim về, chụp xong là phải cúc cung nạp lại cho bộ phận in tráng của cơ quan. Còn phóng viên ảnh các báo đơn thuần chỉ đủ phim làm vài cái ảnh minh họa vuông thành sắc cạnh cho những bài viết phản ánh.

Chợt nhớ năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dành trọn hai ngày gặp gỡ giới văn nghệ sĩ khi đó không khí Đổi Mới đang tràn trề hôi hổi. Tôi nhớ ông Linh đã xòe tay ra mà rằng, các đồng chí nói là đã bao nhiêu năm bị kìm kẹp bịt mồm bịt miệng hạn chế sáng tác, vậy hiện tại đây, ngay bây giờ ai có tác phẩm bất kỳ thể loại chất liệu gì về những ngày ấy hãy đưa đây… Tôi, Nguyễn Văn Linh sẽ in sẽ xuất bản ngay cho các đồng chí.

Trong một triển lãm các bức ký họa của 29 họa sĩ Việt Nam do ông Tira tổ chức ở Thái Lan, Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore chỉ mua đúng một số tranh của Tôn Đức Lượng.

Cả một hội trường chật cứng chỉ có những ánh mắt cùng những cái cười gượng gạo nhìn nhau.  Không có ai giơ tay cũng như sau đó… Hình như vắng những nghệ sĩ, nhà văn nào bền gan lẫn tiết tháo tỉ mẩn găm lại những con chữ hay hình khối nghệ thuật về một quá vãng mà người ta vẫn nói là bi hùng lẫn bi thương ấy cả!

May thay thời ấy vẫn còn vài người như nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo chẳng hạn.  Thời gian và thời khốn khó ấy không làm ông nhụt chí và xót xa tính toán mỗi khi lắp vào máy những cuộn phim đen trắng ORWO, Photo-65 (của Liên Xô). Nên giờ gia tài ông có hàng trăm bức ghi lại thời khó ấy. Số lượng hơn đứt ông John còn chất lượng cũng chẳng kém!

… Và tranh

Được coi ảnh ngài John rằng hay thì thật là hay nhưng có chút gờn gợn xót xa khi nghĩ đến chuyện ông lão hàng xóm một thời với tôi, họa sĩ cao niên Tôn Đức Lượng, tác giả của hàng trăm bức ký họa mà ông thực hiện những năm sáu mươi và đầu bảy mươi thế kỷ trước bời bời bom đạn. Nó  chất đống trên nóc tủ quần áo nhà Hàng Trống đã không biết bao nhiêu năm!

Mãi cho đến một ngày đẹp trời, cũng mới đây thôi, cuối năm 2012 nó rời chỗ tối tăm ở khu tập thể báo Tiền Phong ở phố Hàng Trống rạng rờ phơi mình trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Lúc đó cơ man nào là những lời khen tặng!  Nào là, Tôn Đức Lượng đã dành trọn tuổi thanh xuân cho những chuyến đi về phía đạn bom. Nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: “Tác giả hi sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi về phía sau làm một thư ký của thời đại”. Tiến sĩ Nora A.Taylor, Giáo sư Alsdorf về lịch sử mỹ thuật Ðông Nam Á (Học viện Nghệ thuật Chicago): “Bộ sưu tập các bức vẽ ký họa Tôn Đức Lượng đã dạy cho ta về lịch sử cũng như ý nghĩa về mặt hiện vật lịch sử mỹ thuật”.

Những bức ký họa ấy không phải thẳng từ khu tập thể Hàng Trống đến thẳng Bảo tàng Mỹ thuật ở Nguyễn Thái Học.  Số là, cái năm đã xa lắm, một ông bạn họa sĩ mượn của Tôn Đức Lượng một số ký họa khổ nhỏ dùng vào việc gì đó. Đến khi Tôn Đức Lượng đến xin lại thì không biết những bức ký họa ấy thất lạc nơi nao?... Thì ra bà vợ ông bạn họa sĩ ấy đã bán chúng cho một bà đồng nát. Ông hàng xóm của bà đồng nát thấy hay hay bèn mua lại theo phương thức bán cân. Ông này lại bán cho một nhà sưu tập tranh người Thái là Tira Vanichtheeranot vốn mê thích hội họa Việt Nam.

Trong một triển lãm các bức ký họa của 29 họa sĩ Việt Nam do ông Tira tổ chức ở Thái Lan, Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore chỉ mua đúng một số tranh của Tôn Đức Lượng.

Năm 2008, nhà sưu tập Tira đến khu tập thể ở Hàng Trống hỏi xem còn bức nào không. Trong lúc Tôn Đức Lượng bàng hoàng chỉ cho nhà sưu tập mấy cuộn ký họa trên nóc tủ…

Xem xét xong, Tira Vanichtheeranot nói  “Tôi sẽ in sách cho ông và sẽ triển lãm cho ông ở Hà Nội và TPHCM và mang đi khắp các nước Đông Nam Á”.

Trong hàng trăm bức ký họa ấy, không có một người già nào. Tuyền thanh niên.  Đọc ra và nhìn thấy một thế hệ Việt dũng cảm, chịu thương chịu khó  qua  những lát cắt của Tôn Đức Lượng, một ông già sắp cửu thập, người hiếm hoi sót lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Thế mà oái oăm, bao năm nay chả ai thấy, lại phải cậy nhờ thứ mắt xanh của một người nước ngoài? Và cái ông Tira Vanichtheeranot chẳng phải là giáo sư hay nhà học thuật nào cả. Ông chỉ là một kỹ sư công nghệ thông tin sang làm việc ở Hà Nội!

Tôi dám chắc dẫu có nhiều tờ báo (thời điểm những bức ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng chưa phát lộ) viết nhiều bài,  đăng nhiều kỳ về những bức ký họa nhưng nó vẫn chìm khuất, thế mà chỉ bằng một nghĩa cử nhỏ mọn của anh kỹ sư người Thái, số phận những ký họa ấy bỗng đổi thay!

Những tấm hình đen trắng thời bao cấp những năm cuối bảy mươi đầu tám mươi thế kỷ trước về một quá vãng Hà thành của ông phó Đại sứ John Ramsden đã thúc vào ký ức người Việt bao nhiêu những tiếc nuối, bùi ngùi?

MỚI - NÓNG