Từ chối nhận công trình 14 tỷ đồng vì... thấy lãng phí

Từ chối nhận công trình 14 tỷ đồng vì... thấy lãng phí
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đồng Nai vừa nhận một “cú sốc” khi một đơn vị trong ngành “chê” không nhận công trình thủy lợi vì cho rằng sự đầu tư này là lãng phí...
Từ chối nhận công trình 14 tỷ đồng vì... thấy lãng phí ảnh 1
Trạm bơm điện Hiệp Hòa (ấp 4 xã Hiệp Hòa TP Biên Hòa - Đồng Nai) không còn hoạt động.

Đó là công trình trạm bơm Cao Cang (nằm trên địa bàn huyện Định Quán - Đồng Nai) có giá trị đầu tư 14 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.  

Tuy nhiên, đơn vị được giao quản lý công trình này là Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng “xin” không nhận công trình này vì lý do: đầu tư không thực tế và lãng phí! 

Được biết, trước quyết định đầu tư công trình này, Sở NN&PTNN Đồng Nai đã thống nhất với đơn vị tư vấn thiết kế: có thêm một trạm bơm mới là cần thiết bởi khu vực dự án thường bị ngập lụt, chỉ có thể canh tác 2 vụ đông - xuân sớm và hè - thu sớm. Nơi canh tác cho 2 vụ này lại không có nước tưới, trong khi 2 xã Phú Điền (huyện Tân Phú) và Phú Hòa (huyện Định Quán) cần trên 300ha lúa, cây hoa màu.

Phản ứng “ngược” với chủ trương đầu tư này, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai lý giải: “Diện tích tưới lúa theo dự án là 196ha thì hiện công trình chưa thi công đã có đủ nước tưới được 170ha rồi. Còn lại 26ha chỉ cần hoàn thiện kênh mương sẽ căn bản đủ.

Thêm nữa, diện tích tưới màu 33ha ở xã Phú Điền mà dự án thiết kế, thực tế không thể tưới được vì nền đất cát pha, gò cao không thể trồng màu. Cũng vậy với 92ha dự kiến tưới màu của xã Phú Hòa là đất đồi, dốc cao, đất bazan tơi xốp không giữ nước, nếu tưới sẽ rất tốn kém. Từ đó cho thấy việc xây trạm bơm hơn cả chục tỷ chỉ để tưới gần 100ha lúa màu thay vì trên 300ha rõ ràng là lãng phí, không cần thiết!”.

Ông Hòa tiếp tục đưa bằng chứng: “Mức thu phí tưới tiêu hiện nay (từ 500.000 đồng -740.000 đồng/ha/vụ), cao  gấp 2 lần lấy nguồn nước tự chảy từ các hồ đập và gấp 4 lần so với tưới tạo nguồn. Trạm bơm Cao Cang nằm liền kề khu tưới đập Đồng Hiệp mà mức thu chênh lệch cao thế thì khó thu thủy lợi phí để duy trì sự tồn tại của trạm, nhất là tại thời điểm giá xăng, điện... tăng giá như hiện nay khiến nhiều trạm bơm đổ tiền tỷ xây chỉ hoạt động thời gian ngắn rồi đắp chiếu”.

Năm 2000, tỉnh Đồng Nai đã đầu tư xây 4 trạm bơm điện ở huyện Tân Phú để tưới cho 450ha lúa xã ĐăkLua. Nhưng mới bơm tưới được 2/3 vụ Đông Xuân, UBND xã ĐăkLua đã phải quyết định ngưng do tiêu tốn quá nhiều tiền điện (tiền điện còn nợ đã lên đến hơn 100 triệu, chưa trả được). 4 trạm bơm “đắp chiếu” chỉ sau 1 năm xây dựng. 

Ngay tại địa bàn huyện Định Quán, năm 2003 khánh thành trạm bơm Ngọc Định (trị giá 11 tỷ đồng) và cũng giao cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý. Nhưng đến vụ Đông - Xuân 2004 - 2005, công trình mới bắt đầu phục vụ dân; tuy nhiên chỉ tưới được gần 47ha trên 250ha theo kế hoạch. Thủy lợi phí thu được chỉ đủ trả tiền  điện.

Còn tại thành phố Biên Hòa, năm 1992, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai được bàn giao 2 trạm bơm điện Hiệp Hòa 1 và Hiệp Hòa 2. Hai công trình này đủ khả năng tưới cho khoảng 100ha. Năm 1996 - 2005, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do nhu cầu đô thị hóa, nhưng không hiểu lý do gì vẫn có quyết định đầu tư hàng tỷ đồng kiên cố hóa tuyến kênh chính của 2 trạm. Kết cục, 2 trạm này “khô cong” vì nông dân không còn sản xuất nông nghiệp.

Theo Thái Thiện
Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.